Ông cha có câu: “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân" ngụ ý việc ăn cùng người khác sẽ làm cho bữa cơm trọn vẹn, ấm cúng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hối hả, lựa chọn “ăn một mình” dần trở thành một kiểu văn hóa mới.
Khi “ăn một mình” biến thành thói quen
Trong một bài viết đăng tải trên The Guardian, nhà bình luận ẩm thực Bee Wilson cho biết trải qua hàng chục triệu năm phát triển, loài người vẫn cảm thấy xa lạ với các bữa ăn một mình. Cô nhận định: “Hầu hết hình ảnh mô phỏng các bữa ăn chúng ta thường thấy là những buổi quây quần trong không khí thân mật, đầm ấm. Điều này in sâu trong ấn tượng của nhiều người rằng ngồi ăn mà không có ai bên cạnh sẽ rất đơn độc”.
Song để thích ứng với bối cảnh xã hội đang có nhiều chuyển biến, nhiều người lựa chọn ăn một mình như một thói quen mới trong thời đại ngày nay.
Nguyễn Thành Vinh (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bộc bạch rằng ăn một mình đã trở thành một thói quen thường nhật bởi anh không sống cùng gia đình. Sau một ngày dài làm việc, Vinh ưa thích cảm giác được ăn uống và tận hưởng không gian riêng tư: “Với mình, việc ăn một mình là lựa chọn theo sở thích cá nhân chứ không bị tác động bởi các yếu tố khác. Mình hoàn toàn hài lòng với những bữa ăn “cô độc” bởi đây là cách mình tạo ra không gian bình yên, thoải mái cho bản thân”.
Theo quan niệm thông thường, các bữa ăn, nhất là bữa tối là cần thiết để duy trì tương tác và mối quan hệ với gia đình, bạn bè. Song với Thành Vinh hay nhiều người trẻ đang làm việc xa quê, ăn uống một mình là cách tiết kiệm tài chính trong sinh hoạt hằng ngày. Vinh bày tỏ rằng những bữa ăn với bạn bè thường khá tốn kém nên chỉ dành cho những dịp đặc biệt quan trọng.
Cũng ăn một mình như một thói quen, Tuyết Mai (18 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bộc lộ bản thân ban đầu vốn dĩ không thích điều đó. Tuy nhiên do lịch học thêm dày đặc, Mai thường đi sớm về muộn, không có thời gian ăn với gia đình, nên giờ việc ăn một mình cũng đã trở nên quen thuộc.
“Mình thấy ăn một mình là điều vô cùng bình thường, lúc đầu không quen lắm, nhưng dần thấy thoải mái. Nhiều lúc mình vừa xem phim vừa ăn, lại được ăn uống tùy thích”, Tuyết Mai tâm sự.
Xã hội ngày càng phát triển, con người được toàn quyền lựa chọn cách sống và ăn uống phù hợp với bản thân. Không còn đi theo những tập tục ăn uống gắn liền với yếu tố cộng đồng, văn hóa “ăn một mình” phản ánh rằng sở thích và thị hiếu ăn uống sẽ luôn thay đổi theo thời gian.
Khi “ăn một mình” trở thành xu hướng
Khi thói quen ăn một mình trở nên phổ biến, hình thức ăn này dần trở thành một xu hướng mới được nhiều người theo đuổi trong văn hóa ăn uống thời đại ngày nay.
Honbab (nghĩa là “ăn cơm một mình”) là một từ lóng tiếng Hàn được sử dụng rộng rãi trong vài năm trở lại đây. Tại quốc gia này, ngày càng xuất hiện nhiều những nhà hàng honbab dành riêng cho những người theo chủ nghĩa “ăn một mình”. Những nhà hàng này có buồng riêng hoặc vách ngăn chỉ đủ chỗ cho một người, đặc biệt nhiều nơi còn có TV riêng để thực khách tận hưởng quá trình ăn uống một cách thoải mái nhất.
Không chỉ là một phương thức kinh doanh sáng tạo mới, những nhà hàng honbab đã tạo nên một nền văn hóa mới - văn hóa honbab tại “xứ sở kim chi”.
Tại Việt Nam, xu hướng “ăn một mình” cũng dần trở thành làn sóng mới. Bên cạnh những thực khách theo đuổi xu hướng này, nhiều nhà hàng cũng thiết kế và quảng bá những combo đồ ăn giá rẻ cho một người.
Khánh Ngọc (20 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự thích thú với cách phục vụ đặc biệt này: “Mình thường ngại ăn một mình, nhất là các món lẩu, nướng. Nhiều lúc mình thèm ăn mà không tiện rủ ai, lại cũng ngại không dám đi một mình. Nhưng từ ngày có thêm những combo ăn uống như vậy, mình thấy ăn một mình cũng ổn, ngon, rẻ và thoải mái”.
Để việc “ăn một mình” không còn là nỗi lo tâm lý, truyền thông cũng góp phần đem sự tích cực của văn hóa “ăn một mình” đến gần hơn với công chúng. Những video trên các nền tảng mạng xã hội chia sẻ “bí kíp” khi đi ăn một mình nhận được rất nhiều sự đón nhận và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Chẳng hạn, nữ tiktoker nổi tiếng Emlyy (kênh @emlyreview) với series “Các tips đi ăn một mình vẫn vui” thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tính đến thời điểm hiện tại, video đi ăn lẩu một mình của cô nàng đã thu về 2.5 triệu lượt xem, gần 200 nghìn lượt yêu thích và hơn 400 bình luận. Điều này cho thấy ngày càng nhiều người đang “học” cách làm quen với những bữa ăn một mình.
Khi “ăn một mình” là cách thức trị liệu
Không chỉ dừng lại ở một thói quen, một lựa chọn theo thị hiếu chung, “ăn một mình” còn gắn liền với phương thức “ăn chánh niệm” như một cách thức trị liệu.
Jon Kabat-Zinn - giáo sư y khoa người Mỹ với cuốn sách “gối đầu giường” cho người mới bắt đầu theo con đường chánh niệm “Mindfulness cho người mới bắt đầu” đã định nghĩa chánh niệm là “chú tâm một cách đặc biệt: có chủ đích, an trú trong giây phút hiện tại và không phán xét”.
Một trong những phương pháp tiếp cận và luyện tập cơ bản nhất của chánh niệm đó là ăn uống chánh niệm (mindful eating – hay còn gọi là ăn uống lưu tâm). Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng khẳng định nguyên lý của ăn uống chánh niệm chính là “sự tập trung” trong cuốn sách “Savor: Mindful Eating, Mindful Life” (Cứu rỗi: Ăn chánh niệm, Sống tỉnh thức). Sự tập trung ở đây gắn liền với việc không xao nhãng bởi các yếu tố ngoại cảnh, mà ăn một mình là điều kiện tốt nhất để luyện tập phương pháp ăn uống này. Khi ăn chánh niệm, ta tập trung vào màu sắc, hương vị, cách trình bày, đồng thời chú tâm vào việc nhai nuốt, thưởng thức món ăn mà không bị phân tán sự chú ý.
Cô Nguyễn Hồng (55 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ lựa chọn “ăn một mình” như một phương thức trị liệu: “Tôi có xem được một số bài báo về cách ăn chánh niệm nên có áp dụng và thấy hiệu quả, ít nhất là về tinh thần. Tôi đã áp dụng thành công phương pháp ăn chánh niệm khi lựa chọn ăn một mình, không để ý nhiều đến người ngoài mà chỉ tập trung vào hương vị và cảm nhận của mình mà thôi”.
Chính việc thường xuyên ăn một mình đã giúp cô Hồng có thể ăn uống chánh niệm, từ đó tâm trí trở nên bình an, sức khỏe thể chất cũng vì vậy mà ổn định hơn. Chất lượng giấc ngủ của cô cũng cải thiện nhờ ăn uống ngon miệng và điều độ. Bên cạnh đó, cô cũng kết hợp việc ăn uống chánh niệm với tập yoga, chạy bộ và thiền định để “chữa lành” cho cơ thể và rèn luyện nội lực bền bỉ.
Có thể nói, ăn uống từ một hoạt động mang tính tập thể đang dần trở thành trải nghiệm thuộc về cá nhân. Văn hóa “ăn một mình” đang dần được tái định nghĩa, không còn là sự cô đơn hay chỉ là một trải nghiệm tạm bợ.
Phản hồi