Việc tổ chức lễ hội là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tuần văn hóa du lịch Gia Lâm năm 2024; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024).
Đến dự khai mạc có các đại biểu TP Hà Nội, gồm: Đ/c Đặng Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; đ/c Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đ/c Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch; cùng các các đại biểu đại diện huyện Gia Lâm, huyện Sóc Sơn; đại diện các ban, ngành, đoàn thể liên quan; cùng đông đảo người dân và du khách.
Đồng chí Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Trưởng Ban tổ chức, phát biểu tại lễ hội: "Gia Lâm là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc, mảnh đất “địa linh” sinh “nhân kiệt” và là quê hương của Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong “Tứ thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam".
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng tái hiện lại chiến công hiển hách của người anh hùng Gióng. Vở kịch được các nhà nghiên cứu đánh giá là “kịch trường dân gian rộng lớn, chứa đựng nhiều triết lý nhân văn sâu sắc, mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và Nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân”. Qua đó, lễ hội “giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 8-5 đến 17-5 (tức mồng 1-4 đến mồng 10-4, năm Giáp Thìn). Lễ hội gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau, được tổ chức trên tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.
Trong đó, phần lễ diễn ra từ ngày 13-5 đến 16-5 (tức mồng 6 đến mùng 9-4, năm Giáp Thìn) gồm: Lễ tế Thánh tại đền Thượng; ngoại đàn tại sân đền Thượng; rước khám đường; lễ rước cỗ về đền Mẫu; hội trận truyền thống tại Soi Bia.
Phần hội từ ngày 8-5 đến 17-5 (tức mồng 1 đến mồng 10-4, năm Giáp Thìn) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như: Hát tuồng, cải lương, quan họ; hội thi “Tiếng hót chim chào mào”; chung kết hội thi “Tìm hiểu về di tích lịch sử” trên địa bàn huyện. Các hoạt động thể dục thể thao như: Giải chạy “Tinh thần Phù Đổng” năm 2024; thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc, tổ chức hội thi nấu cơm, muối cà dâng Đức Thánh Gióng…
Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã và đang đổi thay từng ngày. Hiện tại, xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu (lĩnh vực du lịch và văn hóa) và là điểm du lịch mới của Thủ đô.
Phản hồi