Danh mục Thứ Hai, 08/07/2024

Tiêu điểm \

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Góc nhìn từ văn học

15:00 15-05-2024
V.I. Lênin đã từng viết: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải trở thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy dân chủ - xã hội vĩ đại…”

Văn học và hành trình xuyên suốt bảo vệ “kim chỉ nam” của Đảng

Văn học là một loại hình nghệ thuật biểu đạt thông qua văn bản, được tạo ra bởi các nhà văn nhằm khắc họa các sự vật, hiện tượng trong xã hội, giúp người đọc được sống với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nó không chỉ là một công cụ giáo dục nhân cách mà còn là một phương tiện mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh cách mạng. Xuyên suốt chiều dài lịch sử từ những ngày Nhà nước còn non trẻ, qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho đến hòa bình ngày hôm nay, văn học luôn phát huy vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố mối liên kết giữa Đảng và nhân dân; hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp.

Bác Hồ quan niệm rằng, ngòi bút của văn nghệ sĩ là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà. (Ảnh: Sưu tầm)

Bắt đầu với văn học Cách mạng (1945 - 1975) - đánh dấu thời kỳ của một nền văn học vì con người. Văn học lúc bấy giờ có nhiệm vụ trở thành vũ khí chống lại kẻ thù xâm lược, những cây bút của thời đại đã vượt ra khỏi cái tôi nhỏ bé để hòa mình vào cái ta rộng lớn, là nhân dân, là cuộc chiến anh hùng của dân tộc. Lịch sử ghi danh những nhà thơ cách mạng xứng tầm với Đảng như Tố Hữu, Huy Cận, Phạm Tiến Duật, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi,... hay những nhà văn lão thành như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Quang Sáng,...

Nhà thơ Tố Hữu - Cây đại thụ của văn học Cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Sưu tầm) 

Sáng tác của họ ngoài phản ánh hiện thực đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, ta còn thấy được những nhân cách lớn ngời sáng lòng yêu nước, sắt son một niềm tin vào Đảng và nhân dân. Các tác phẩm đã góp phần truyền bá đường lối, tư tưởng của Đảng; cổ vũ tinh thần đấu tranh và xây dựng mối liên kết bền chặt “Đảng với dân như cá với nước”. Chính khối đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

 Bài thơ bất hủ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu là niềm tự hào của người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết khi được vầng hào quang rực rỡ soi rọi cuộc đời - Đó chính là lý tưởng cộng sản. (Ảnh: Sưu tầm)

“Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của Nguyễn Tuân được nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Tập tùy bút ấy là đóng góp của Nguyễn Tuân trực tiếp đánh Mỹ”. (Ảnh: Sưu tầm)

Bước qua thời kỳ chiến tranh đầy mất mát và đau thương, văn học thời hậu chiến là những bức tranh trừu tượng với những mảng sáng - tối đan xen. Văn học thời kỳ này là những khúc tráng ca về hòa bình, thống nhất; là phương tiện tuyên truyền đổi mới, cùng với đó là trần những hậu quả nặng nề đày ải từng thế hệ. Văn học thời hậu chiến tiêu biểu có những cây bút như: Nhà văn Nguyễn Minh Châu với truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”; nhà văn Minh Chuyên với một loạt bút ký nổi tiếng: Di họa chiến tranh, Mười lần sinh tử, Vết thương không mảnh đạn,…

Nhà văn Minh Chuyên và bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh. (Ảnh: Sưu tầm) 

Việt Nam đang ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình trên chính trường quốc tế. Những thành tích mà nước ta đạt được trong những năm qua đều đến từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng tâm của nhân dân và có Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đường dẫn lối. Trong bối cảnh ấy, văn học lại càng phải phát huy vai trò là lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không để các thế lực thù địch lợi dụng văn học nhằm tuyên truyền các luận điệu sai trái, lật sử; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Cách mạng.

Hồi ký “Con đường tôi đã chọn” (2017) là kết tinh cho một tình yêu sắt son với Đảng của Đồng chí lão thành Huỳnh Thị Hiệp 70 năm tuổi Đảng. Trọn cuộc đời bà đi theo Đảng, theo con đường bà đã chọn từ tuổi ấu thơ khi tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng từ đây, lí tưởng sáng ngời của Đảng đã trở thành lẽ sống cuộc đời bà, dẫn dắt bà kinh qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Bà đã đóng góp tất cả công sức, tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cao quý của Đảng.

Thông qua hồi ký, nền tảng tư tưởng của Đảng đã thể hiện rõ tầm quan trọng. Không chỉ là “kim chỉ nam” cho hoạt động của Đảng; Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn là “mặt trời chân lý” trong cuộc sống, công việc và tư tưởng của mỗi người Đảng viên. Hiểu rõ được chân lý ấy thì không cán bộ, Đảng viên nào sẽ thoái hóa, biến chất trước những cám dỗ vật chất phù phiếm; không bị lung lay ý chí trước âm mưu chống phá của kẻ thù.

“Con đường tôi đã chọn” của tác giả Huỳnh Thị Hiệp gây ấn tượng với những dòng hồi ký chân thật, giản dị khiến người đọc xúc động. (Ảnh: Sưu tầm)

Bộ tiểu thuyết 4 tập “Nước non vạn dặm” (2022) được chắp bút bởi nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là tác phẩm văn học đầu tiên phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 3 tập của tiểu thuyết đã được xuất bản mang tên: “Nợ nước non”, “Lênh đênh vạn dặm” và “Từ Việt Bắc về Hà Nội”. Tiểu thuyết khắc họa thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Người là ánh sáng soi đường” đã đặt nền móng tư tưởng cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Nước non vạn dặm” là tư liệu lịch sử ngàn vàng, là minh chứng rõ nét cho sự ra đời và hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Vượt trên cả một tác phẩm văn học, bộ tiểu thuyết là cơ sở vững chắc đập tan mọi luận điệu sai trái của kẻ thù về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam; nhất là trong thời kỳ “Diễn biến hòa bình” - khi các đối tượng đã chuyển sang hình thức chống phá phi bạo lực, tinh vi và thâm độc hơn.

Phát hành lần đầu năm 2022, bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã gây tiếng vang lớn. Hiện tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. (Ảnh: Sưu tầm)  

Tuy nhiên, dưới “vỏ bọc” là các tác phẩm văn học; các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã chuyển tải nhiều nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Các đối tượng còn lợi dụng nền tảng mạng xã hội để lôi kéo, kích động văn nghệ sĩ chống đối, đả phá về mặt tư tưởng; kêu gọi đấu tranh đòi tự do sáng tác theo kiểu “vô chính phủ” nhằm phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để văn học trở thành “vũ khí” mạnh mẽ trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng

Mọi sự bất ổn về chính trị dẫn đến các cuộc xung đột nhỏ lẻ, nội chiến và cao hơn là chiến tranh giữa các nước trong thời gian gần đây đều có “mô-típ” giống nhau. Các thế lực thù địch đi từ việc phá hoại mạnh mẽ về tư tưởng thông qua việc truyền bá lối sống hưởng thụ, tôn sùng vật chất, xóa bỏ lịch sử, bóp méo đường lối và sự ủng hộ từ các thế lực bên ngoài.

Trong lộ trình diễn biến hòa bình, đối tượng mà chúng thường nhắm tới đầu tiên là những người làm công tác văn học, bao gồm nhà báo, nhà văn và những người hoạt động nghệ thuật. Họ là những người có tinh thần nhiệt huyết, kiến thức sâu rộng, có cái tôi nghệ thuật và tinh thần công lý. Do đó, nếu không tỉnh táo và kiên định, chúng ta có thể trở thành công cụ cho các cuộc cách mạng màu, hoặc truyền bá thông tin không đúng hoặc thiếu cân nhắc.

Thời đại 4.0 đã cuốn theo một “cơn bão” thông tin, kèm theo là những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Thử thách đặt ra cho văn học hiện nay là cần có những tác phẩm có sức công phá mạnh mẽ vào thói hư, tật xấu, tham nhũng, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ suy đồi về đạo đức. Đồng thời, văn học cần trở thành “nhát dao chí mạng” xuyên thủng âm mưu diễn biến hòa bình, chống phá Đảng và Nhà nước.

Đầu tiên, văn nghệ sĩ cần thể hiện thái độ chính trị tích cực, tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối, và chính sách của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, các tác giả cần khơi dậy tinh thần yêu nước, đồng hành với Nhân dân trong công cuộc đổi mới của Đảng; hướng đến một văn học nghệ thuật đa dạng, phong phú, thấm nhuần văn hóa dân tộc, góp phần vào sự phát triển văn minh và giàu đẹp của đất nước. Những người cầm bút cần phản ánh sinh động các hoạt động chiến đấu, xây dựng quân đội, đấu tranh chống lại quan điểm sai lầm và thù địch; chỉ trích những hành vi tiêu cực.

Họ cũng phải truyền đạt đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh và ngoại giao; cùng với việc tuyên truyền về kết quả của việc học tập và thực hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Cuối cùng, các tác giả cần sử dụng công nghệ hiện đại để quảng bá sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội một cách rộng rãi hơn.

Với công chúng - người tiếp nhận các sản phẩm văn học cần ủng hộ và lan tỏa tính chiến đấu các tác phẩm có chất lượng. Ngoài ra, quần chúng cần tích cực tham gia các cuộc thi viết, tranh, ảnh về lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng. Tẩy chay các sản phẩm xấu độc; tích cực ủng hộ, tôn vinh các sản phẩm đi đúng quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước cũng là việc góp phần đảm bảo nhiệm vụ cao quý của văn học Việt Nam.

Hải Ly, Mỹ Uyên

Phản hồi