Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Nguy cơ tiềm ẩn từ những bữa cơm bình dân

22:00 14-05-2024
Việc ăn uống ở các quán bình dân đang được nhiều sinh viên ưa chuộng vì sự tiện lợi và giá cả hợp lý, song hình thức ăn uống này đem lại không ít những hiểm hoạ về sức khỏe.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng vào năm 2023, việc thường xuyên ăn ngoài dẫn đến nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân. Cuộc sống bận rộn kèm theo áp lực công việc cao khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, lựa chọn giải pháp tiện lợi là ăn uống tại các hàng quán bình dân. Đây là thực tế phổ biến tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là khu vực tập trung nhiều trường đại học.

Đa dạng trong lựa chọn các món ăn tại hàng quán cơm bình dân. (Ảnh: Ngọc Thanh) 

“Thế độc quyền" của các quán bình dân 

Bữa cơm bình dân từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh viên Việt Nam. Chỉ 20.000 - 30.000 đồng/suất, vừa rẻ, vừa ngon, những quán cơm bụi, cơm bình dân luôn thu hút giới trẻ với một “thế độc quyền” vì họ không còn lựa chọn ăn uống nào khác.

Quán cơm bình dân được nhiều sinh viên ưa thích xuất phát từ lý do tài chính. Sinh viên thường có mức chi tiêu hạn hẹp, do đó giá cả của các quán cơm bình dân sẽ phù hợp với túi tiền của họ. 

Một suất cơm bình dân điển hình với giá chỉ 30.000 đồng. (Ảnh: Ngọc Thanh) 

Thường xuyên ghé đến các quán cơm bình dân xung quanh khu vực ký túc xá, Thuận Phong (sinh viên năm 3, Đại học Ngân hàng TP.HCM) bộc bạch: “Giá một đĩa cơm bình dân dao động chỉ từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng tùy theo khẩu phần và chất lượng. Thức ăn thường được nấu sẵn, miễn phí thêm cơm, các món ăn cũng khá đa dạng. Điều này phù hợp với nhu cầu ăn uống hằng ngày của nhiều sinh viên, nhất là người có sức ăn mạnh như mình”. 

Bên cạnh đó, Thuận Phong cũng cho biết bản thân không có điều kiện nấu nướng do không gian ký túc xá chật hẹp, thiếu dụng cụ làm bếp hay do quỹ thời gian có hạn. Chính vì lý do này, nam sinh đành phải ăn uống tại những quán cơm bình dân lề đường.

“Dù biết hình thức ăn uống này tiềm ẩn nhiều rủi ro do nguồn gốc xuất xứ và quy trình chế biến thực phẩm không rõ ràng nhưng sinh viên như mình thường dành sự ưu tiên cho giá thành và tính tiện lợi. Chúng mình chỉ muốn ăn cho xong, ăn qua ngày vậy thôi!”, Thuận Phong giãi bày.

Sự tiện lợi sẵn có của các quán cơm bình dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ giao hàng tận nơi như GrabFood, Gojek, Shopee Food... càng khiến việc thưởng thức những suất cơm mua ngoài hàng trở thành một lựa chọn phổ biến hơn bao giờ hết. 

Theo báo cáo mới nhất của Momentum Works công bố vào tháng 2/2024, thị trường Việt Nam ghi nhận mức chi tiêu vượt trội cho dịch vụ giao hàng tận nơi trong năm 2023. Tổng giá trị giao dịch trên các ứng dụng Grab và Shopee Food đạt 1,4 tỷ USD, tương đương 35.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày, người Việt chi tới 90 tỷ đồng cho việc đặt đồ ăn trực tuyến. Trong đó, nhóm khách hàng tiềm năng nhất hiện nay là giới trẻ trong độ tuổi 18 - 22. 

Lý do đằng sau sức hút này chính là sự tiện lợi và đa dạng mà các ứng dụng đặt đồ ăn mang lại. Giới trẻ ngày nay bận rộn với học tập, công việc và các hoạt động giải trí, do vậy họ mong muốn tìm kiếm những giải pháp nhanh chóng và kinh tế cho bữa ăn.

Hình ảnh các quán ăn “chào hàng" cơm bình dân trên các hội nhóm sinh viên. (Ảnh: Chụp màn hình)

Nguy cơ rình rập từ những bữa ăn vội vàng

Theo thống kê, các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện tại các quán ăn bình dân hay cửa hàng, quầy hàng rong trước cổng trường. Đây là nơi mà việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm thường gặp nhiều khó khăn, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc tập thể xuất phát từ sự thiếu khoa học trong khâu lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng thực phẩm ôi thiu, nhiễm bẩn, không rõ nguồn gốc cũng như quy trình bảo quản thực phẩm không đúng cách, hâm nóng không đạt yêu cầu... là những "hung thủ" trực tiếp gây ra ngộ độc.

Khó kiểm soát chất lượng thức ăn tại các cửa hàng cơm bình dân chỉ qua vẻ bề ngoài. (Ảnh: Ngọc Thanh)

Vì lối sống sinh hoạt, học tập bận rộn và thường xuyên phải đi ăn ngoài hàng, Quỳnh Như (sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) đã có tiền sử bị đau dạ dày và thường xuyên phải nội soi tiêu hoá. Nữ sinh này bày tỏ: “Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là điều mình không thể đảm bảo khi ăn uống ngoài hàng quán. Sau nhiều bữa ăn ngoài, mình có dấu hiệu chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Đỉnh điểm, vào đầu tháng 4 vừa qua, mình đã bị ngộ độc thực phẩm rất nặng đến mức nhập viện vì không may ăn phải gà chứa vi khuẩn”.

Hơn nữa, thực đơn nghèo nàn dinh dưỡng tại các quán cơm bình dân cũng tác động đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của nữ sinh này. “Việc ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài gây ra cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung và suy giảm sức khoẻ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập và làm việc của mình", Quỳnh Như tiết lộ. 

Đứng trước lựa chọn giữa sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí của những bữa cơm bình dân và những hệ lụy của chúng vẫn sẽ mãi là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” không hồi kết đối với nhiều sinh viên và là bài toán lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo chất lượng ăn uống học đường. 

Ngọc Thanh - MĐT K41

Phản hồi