Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024
Từ tháng 6/2024, Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm phân loại rác thành 4 loại tại 23 phường thuộc 5 quận. Hoạt động này nằm trong lộ trình hiện thực hóa Luật Bảo vệ môi trường về phân loại rác thải tại nguồn; góp phần giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và hướng đến một "Hà Nội xanh - sạch - đẹp".
Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Mở ra

Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1786/BTNMT-KSONMT (ngày 22/3/2024) về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từ 06/2024, 23 phường thuộc 5 quận của Thành phố Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn. 

Rác thải sẽ được chia thành bốn nhóm gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, nệm, bàn, ghế); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Theo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), 5 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn. Trong đó, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Ba Đình chọn phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa là phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Chia sẻ với báo chí, trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khẳng định, việc các quận tổ chức thí điểm nhằm thu thập số liệu và rút kinh nghiệm thực tế bổ sung vào Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai vào năm 2025.

Phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng là địa phương triển khai thí điểm phân loại rác sớm nhất trong đợt này. Quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức quản lý của phường; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng.

Chị Thu - Công nhân môi trường phường Phạm Đình Hổ chia sẻ: “Trước đây, khi người dân vẫn vứt tất cả rác chung một túi, không phân loại. Khiến công việc của chúng tôi vô cùng vất vả, việc phân loại rác thủ công tốn nhiều thời gian và công sức”

Đối với rác thải thực phẩm, việc thu gom vẫn diễn ra trực tiếp theo giờ như bình thường. Riêng rác thải có khả năng tái chế, rác thải cồng kềnh, rác thải nguy hại người dân có thể lựa chọn tự mang đến điểm tập kết số 9 Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng) vào sáng thứ 7 hàng tuần (từ 8h00 đến 11h00) hoặc phân loại riêng để công nhân vệ sinh đến thu gom hằng ngày.

Nếu như trước kia, những chiếc tủ, bàn ghế, sofa cũ,... thường bị vứt bừa bãi trên vỉa hè quận Ba Đình, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường sống. Thì giờ đây, những khu tập kết rác thải cồng kềnh, riêng biệt đã được xây dựng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và công tác bảo vệ môi trường

Cụ thể, quận Ba Đình đã triển khai 3 điểm tiếp nhận, thu gom rác thải cồng kềnh tại: Phường Thành Công (Vỉa hè bên trái cổng vào Trung tâm văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Ba Đình - ngã 3, B1, Thành Công); Phường Giảng Võ (Vỉa hè đối diện ngõ 84 phố Ngọc Khánh); Phường Nguyễn Trung Trực (số 10 Nguyễn Trường Tộ - đối diện số nhà 35 Nguyễn Trường Tộ). Thời gian mở cửa tiếp nhận rác từ 4 rưỡi chiều thứ sáu đến 4 rưỡi chiều thứ bảy hàng tuần.

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Mở ra

Chị Lê Mỹ Hân, cư dân phường Giảng Võ bày tỏ: “ Trước đây, việc xử lý rác thải cồng kềnh rất khó khăn. Chúng tôi thường phải tự thuê xe chở rác hoặc nhiều cá nhân còn vứt bừa ra đường. Nay có điểm thu gom rác thải cồng kềnh rất tiện lợi, tôi chỉ cần mang rác đến đây và được nhân viên hỗ trợ thu gom miễn phí”

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Mở ra
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng.
Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Mở ra

Trước thực trạng này, phân loại rác thải tại nguồn được xem như "lời giải" tất yếu cho bài toán bảo vệ môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán tác nhân gây bệnh; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức cộng đồng và giảm chi phí cho công tác thu gom, xử lý rác thải.

Theo điều 75 Luật BVMT năm 2020, từ 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Từ cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các đơn vị môi trường phải có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ và đồng bộ từ khâu thu gom, phân loại đến công nghệ xử lý.

 

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn: Mở ra
Cùng với đó, theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường: Các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác sẽ góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội đối với người không tuân thủ.
Thực hiện: Hoài Phương, Nhật Minh, Phương Linh, Nhật Trà