Buổi lễ có sự góp mặt của: ông Bùi Hoài Sơn, ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội; ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản, Văn hóa cùng nhiều đại biểu đến từ Hội Sử học Việt Nam; các cơ quan, đơn vị bảo tàng, di tích; đại sứ quán các Trung tâm Văn hóa và tổ chức Quốc tế cùng những họa sĩ có tác phẩm được trưng bày tại sự kiện.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng. Cục trưởng Cục Điện ảnh bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao đối với triển lãm đặc biệt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Chương trình có nhiều bức tranh mang tính nghệ thuật cao và có giá trị về mặt lịch sử như: bức sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng - hiện đã trở thành bảo vật quốc gia hay “Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo” của họa sĩ Dương Hướng Minh, đặc biệt là các bức ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Để có được đúng 70 tác phẩm gắn với tất cả các vấn đề, sự kiện của chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo tàng phải sưu tập trong nhiều năm và lựa chọn một cách công phu, kỹ lưỡng.”
Trong những năm tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, theo tiếng gọi của Bác Hồ cùng với đoàn quân ra trận năm ấy là nhiều văn nghệ sĩ. Họ dấn thân vào kháng chiến, trực tiếp tham gia chiến dịch để rồi ghi lại chân thực hình ảnh của cuộc sống; chiến đấu gian khổ, hy sinh, nhưng cũng không kém phần lãng mạn của quân và dân ta. Đề tài về chiến thắng Điện Biên Phủ - trang sử vẻ vang luôn là niềm hứng khởi, mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện các tác phẩm mỹ thuật. Với sự kết hợp giữa phương pháp trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph, tạo không gian tương tác trải nghiệm, chương trình đưa người xem sống lại những khoảnh khắc của chiến trường năm xưa.
Chia sẻ về tác phẩm này, ông Dương Hướng Nam - con trai họa sĩ Dương Hướng Minh tự hào: “Đây là một tác phẩm đặc biệt của cha tôi. Bức tranh này được giải thưởng cả nước vào năm 2012. Cùng cái tên “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” nhưng cha tôi có tới 3 bức vẽ theo 3 cách được đặt 3 nơi khác nhau. Bức thứ nhất là tại bảo tàng này. Bức thứ 2 là đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Bảo tàng Phương Đông Liên Xô. Bức thứ 3 được Hồ Chủ Tịch tặng cho Đại hội Đảng năm 1963, hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Bức tranh của cha tôi cũng như tất cả tác phẩm được trưng bày trong buổi triển lãm chính là món quà vô giá cho thế hệ hôm nay để nhìn về chiến thắng hào hùng của dân tộc.”
Triển lãm không chỉ thể hiện sự trân trọng, niềm tự hào về những trang sử vàng của dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay, mà còn là sự tri ân sâu sắc tới thế hệ các anh hùng, liệt sĩ - những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ để chúng ta được sống trong độc lập, hòa bình. Sự kiện cũng là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới những hoạ sĩ, nhà điêu khắc mà sự sáng tạo của họ đã mang đến cho chúng ta một khí thế “Đường lên Điện Biên” hào hùng và đầy cảm xúc.
Bạn Trọng Lương (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đến với buổi triển lãm hôm nay, mình rất vinh dự và xúc động khi được chứng kiến những năm tháng Điện Biên hào hùng của cha ông ta. Sau khi thưởng thức hết các tác phẩm, mình càng thấm thía hơn câu nói mà mình từng được nghe từ một bác cựu chiến binh: Giành được độc lập, tự do không phải dễ, nên có được rồi thì các cháu phải cố mà giữ.”
Triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa đến hết ngày 15/5/2024 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra chương trình Art Talk với chủ đề “Đường lên Điện Biên” vào lúc 9h30, ngày 27/4/2024 và “Những kỷ niệm về Họa sĩ, Liệt sĩ Tô Ngọc Vân” vào lúc 9h30, ngày 11/5/2024.
Phản hồi