Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Tiêu điểm \

Hành trình rực rỡ từ Đông Sơn Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hoá: Một thế kỷ học thuật Á - Âu

19:43 08-12-2024
Chiều 8/12, tại Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Trống Đồng Người Việt - Từ Đông Sơn Thanh Hóa đến Đông Sơn văn hoá một thế kỷ học thuật Á - Âu”. Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn đã trực tiếp đối thoại và trao đổi về quá trình hình thành, phát triển của nền văn hoá mang bản sắc dân tộc.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện triển lãm “Đồng ta” diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để nhìn lại hành trình 100 năm (1924-2024) phát hiện, nghiên cứu, chứng minh sức mạnh của văn hoá Đông Sơn. 

Chủ trì Toạ đàm là nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh, cùng tham dự Tọa đàm có các nhà nghiên cứu về lịch sử khảo cổ học của trống đồng trong và ngoài nước gồm: GS.TS Trịnh Sinh, nhà nghiên cứu khảo cổ học Đào Ngọc Hân, học giả người Pháp Jacque de Guerny. Ngoài ra còn có sự tham gia của các khán giả, những người có mong muốn tìm hiểu về cội nguồn văn hoá Đông Sơn.

 Toạ đàm nêu cao giá trị văn hoá thiêng liêng, mạnh mẽ của nền văn hoá Đông Sơn xuyên suốt bề dày lịch sử. (Ảnh: Trần Phương)

Phát biểu tại toạ đàm, nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh khẳng định, nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày di chỉ văn hoá Đông Sơn được khai quật, Toạ đàm là cơ hội để nhìn lại chặng đường phát triển rực rỡ của văn hoá Đông Sơn kể từ thời điểm xuất hiện lần đầu tại Thanh Hoá đến dấu ấn lưu truyền đặc sắc tại các nước trên thế giới. 

Xuất phát từ tầm nhìn nghiên cứu về khảo cổ học, GS.TS Trịnh Sinh cho biết: “Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá rất nổi tiếng, tính đến thời điểm hiện tại đã được định danh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà lan toả trên toàn thế giới. Các học giả trên thế giới đều công nhận văn hoá Đông Sơn mà tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn đích thực là di sản vô giá do người Việt cổ đại sáng tạo nên”.

GS.TS Trịnh Sinh đưa ra các nhận định, đánh giá về sự phát triển vượt trội văn hoá Đông Sơn so với nền văn hoá các nước Đông Nam Á. (Ảnh: Trần Phương) 

GS.TS Trịnh Sinh cũng nhấn mạnh, Đông Sơn văn hoá đã sản sinh ra nghệ thuật đúc đồng, nghệ thuật chứa đựng và chắt lọc những tinh tuý của hồn cốt dân tộc ta tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, bền vững. Những giá trị đó không chỉ mang giá trị di sản mà còn góp phần khẳng định tính nổi trội của văn hoá Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thời điểm trước đó.

Là nhà nghiên cứu khảo cổ chuyên sâu ở Pháp nhưng dành niềm hứng thú đặc biệt dành cho Đông Sơn Văn Hoá, học giả Jacque de Guerny với khảo cứu độc đáo về cổ sử Á Châu đã xuất bản thành cuốn sách mang tên gọi “Trống Đồng Đông Nam Á” (2024). Với tư cách khách mời tại Toạ đàm, ông Jacque bày tỏ, nền văn hoá mang dấu ấn Đông Sơn đã khơi gợi cảm hứng cho công cuộc nghiên cứu khảo cổ, tạo tiền đề để giao lưu tri thức văn hoá sâu đậm mang bản sắc đặc trưng Á - Âu.

Các nghệ sĩ “gạo cội” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc gửi gắm giai điệu dân gian mang giá trị truyền thống nhạc Việt. (Ảnh: Trần Phương) 

Cũng trong khuôn khổ toạ đàm đã diễn ra trình tấu Nhạc cổ truyền với chủ đề “Tiếng Đồng Nhạc Việt” được biểu diễn bởi các nghệ sĩ tài năng của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Mỗi tiết mục âm nhạc dân gian đều được biểu diễn trực tiếp bởi những làn điệu, câu hò truyền thống mà không có sự can thiệp của các kỹ thuật âm nhạc hiện đại. Qua đó thể hiện sự kết hợp tinh tế, hài hoà của hồn khí Đông Sơn vào nhạc Việt cổ, từ đó gửi gắm thông điệp văn hoá thiêng liêng “Khi từ mặt bịt bằng da, trống Việt vẫn ngân xa tiếng Đồng".

Trần Phương - Báo in K42

Phản hồi