Danh mục Thứ Bảy, 14/12/2024

Tiêu điểm \

Tôn vinh vẻ đẹp văn hoá viết cùng “Hành Trình Qua Nét Bút: Từ Văn hóa khoa cử đến Nghệ thuật bút máy hiện đại”

18:56 07-12-2024
Sáng 7/12, tại Tiền đường nhà Thái Học khu Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bút máy hàng đầu Việt Nam tổ chức sự kiện văn hoá “Hành Trình Qua Nét Bút: Từ Văn hóa khoa cử đến Nghệ thuật bút máy hiện đại”. 

Với chủ đề “Từ Văn hóa khoa cử đến Nghệ thuật bút máy hiện đại”, “Hành Trình Qua Nét Bút” mang đến không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Sự kiện là cơ hội để du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm bút ký độc đáo, khám phá giá trị văn hóa ẩn sâu trong từng đường nét và trải nghiệm hành trình đầy cảm xúc qua từng trang viết.

Tham dự sự kiện có: Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Kiến trúc sư Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn Di tích - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nhà báo Nguyễn Thuý Hoa - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Đài Tiếng nói Việt Nam; Doanh nhân Lê Quang - Nhà sưu tầm bút máy danh tiếng tại Việt Nam cùng đại diện từ các thương hiệu đồng hành và đông đảo khán giả yêu văn hóa, nghệ thuật.

Văn hóa khoa cử Việt Nam từ lâu đã khắc sâu hình ảnh những sĩ tử ngày đêm rèn bút luyện chữ, thể hiện khát vọng học hành, lập nghiệp và cống hiến. Những trang giấy lưu dấu nét mực là minh chứng cho sự kiên trì, lòng quyết tâm và niềm tự hào của một nền văn hóa học thuật giàu bản sắc. Trải qua hàng thế kỷ, những nét chữ không chỉ là phương tiện ghi chép mà còn là biểu tượng cho trí tuệ, văn hóa và tinh hoa dân tộc. Ngày nay, nghệ thuật bút máy hiện đại không chỉ tiếp nối tinh thần ấy mà còn mở ra không gian sáng tạo mới, nơi mà mỗi nét chữ trở thành dấu ấn cá nhân, mỗi cây bút trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám gửi gắm thông điệp về việc gìn giữ và phát huy truyền thống viết tay trong bối cảnh số hoá. (Ảnh: Trà My) 

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định: “Nhắc đến pháp sĩ xưa, hình ảnh bút lông và mực in sâu trong ký ức như biểu tượng của ý chí, kiên trì và sự tôn trọng cái đẹp trong từng con chữ, truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau. Ngày nay, dù sống trong kỷ nguyên số, tinh thần ấy vẫn được kế thừa qua bút máy, kết nối con người với tri thức, văn hóa và chính mình. Sự kiện “Hành Trình Qua Nét Bút” không chỉ tôn vinh văn hóa viết tay mà còn nhắc nhở chúng ta về giá trị của chữ viết trong cuộc sống hiện đại”.

Sự kiện trưng bày nhiều bộ sưu tập bút máy từ cổ điển đến hiện đại của các thương hiệu danh tiếng trên thế giới. (Ảnh: Trà My) 

Các hoạt động nổi bật trong sự kiện bao gồm:  Triển Lãm “Nét Bút Qua Thời Gian”; Workshop Calligraphy Cánh Diều 1; Workshop Calligraphy Cánh Diều 2; Workshop Sơn mài Concopens; Workshop Thư pháp Hán Nôm; Tọa đàm “Bút Máy và Văn Hóa Viết Lách”…

Du khách được tham quan và trải nghiệm nghệ thuật viết tay độc đáo, chiêm ngưỡng không gian trưng bày đậm chất nghệ thuật và có cơ hội kết nối với cộng đồng yêu chữ. (Ảnh: Trà My)

Trần Nguyễn Anh Khoa (21 tuổi, sinh sống tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Với tôi, chữ viết bằng bút máy luôn có hồn nhờ nét thanh nét đậm rõ ràng, tạo nên một dấu ấn rất riêng mà bút bi khó thể hiện được. Tham gia sự kiện, tôi cảm thấy hào hứng khi được chiêm ngưỡng nhiều loại bút độc đáo, tham gia các workshop thú vị và được giao lưu với những người cùng chung sở thích. Điều tôi thấy ý nghĩa nhất là có rất nhiều bạn trẻ đến đây, quan tâm và yêu thích việc gìn giữ giá trị của từng nét chữ”.

Sự kiện “Hành Trình Qua Nét Bút” không chỉ giúp chúng ta cùng nhìn lại, tôn vinh và phát huy vẻ đẹp của nghệ thuật viết tay qua từng thế hệ mà còn góp phần lan tỏa, gìn giữ và phát huy truyền thống viết tay trong thời đại số hóa ngày nay.

Trà My - Báo In K42

Phản hồi