Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Hành trình bỏ lại áp lực đồng trang lứa ở phía sau của một FTUer: “Sự dũng cảm đáng giá bao nhiêu?”

15:05 21-03-2022
Khách mời của cuộc phỏng vấn ngày hôm nay là bạn Nguyễn Thu Hoài, sinh viên năm hai trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Hoài là một cô gái năng động, yêu viết lách, thích và dám thử nhiều điều mới. Trên hành trình đạt được những mục tiêu mình đã đề ra, Hoài cũng loay hoay trong việc tháo gỡ những rào cản mang tên “Áp lực đồng trang lứa”. Hãy xem cách bạn ấy đã áp dụng để có thể vượt qua vấn đề đó nhé. Mong rằng với những câu chuyện thú vị, góc nhìn mới của bài phỏng vấn có thể đồng cảm hoặc sẻ chia với những bạn trẻ cũng đang gặp phải vấn đề như vậy.

Bạn Nguyễn Thu Hoài tham gia các hoạt động tại Trường Đại học. 

PV: Hoài có thể giới thiệu qua về bản thân mình?

Xin chào mọi người, mình là Hoài, sinh viên năm hai đến từ trường Đại học Ngoại Thương cơ sở Hà Nội. Khi được nhận lời mời tham gia buổi trò chuyện ngày hôm nay mình khá là bất ngờ, mình không nghĩ sẽ là người được chia sẻ cho bài phỏng vấn ngày hôm nay.  

PV: Nếu để nói về bản thân trong ba từ khóa, thì Hoài nghĩ đó sẽ là ba từ gì và có thể giải thích thêm rằng tại sao lại là ba từ đó không? 

Nếu để nói về ba từ khóa ngẫu nhiên trong thời điểm hiện tại thì sẽ là: “cố gắng”, “biết ơn” và “trẻ”. Đầu tiên khi nhắc đến “cố gắng”, mình tin là không chỉ riêng bản thân mình mà còn rất nhiều người trong cuộc sống này đều đã, đang và sẽ cần cố gắng, nỗ lực để đạt được một điều gì đó. Với riêng mình, mình thấy là ngoài sự cố gắng thì không còn lựa chọn nào khác, cố gắng mỗi ngày, từng chút một. Mình không muốn sau này khi nhìn lại, thấy ở một khoảng thời gian nào đó, mình đã lãng phí nó và lười biếng…

Thứ hai là “biết ơn”, đây là bài học lớn mà mấy năm gần đây mình đã nhận ra, hiện tại bây giờ vẫn đang tiếp tục học, học cách biết ơn. Mình là người có nhiều thất bại, có nhiều điều không hay đã xảy ra. Nhưng khi mình học cách biết ơn với chính những điều xảy ra trong cuộc sống kể cả đó là sự thất bại, mình không còn cảm thấy tức giận với những khó khăn, hay không còn nổi cáu và tự trách rằng “Tại sao lại là mình?”. Mình học cách bình tĩnh hơn, và coi những điều xảy ra là một phần tất yếu của cuộc sống. Bên cạnh đó, mình cũng thấy may mắn khi được nhận nhiều sự yêu thương từ những người xung quanh, nên mình cần phải biết ơn và trân trọng những tình yêu thương đó. 

Cuối cùng là “trẻ”, “trẻ” theo đúng nghĩa đen luôn. Trẻ ở đây không chỉ là về ngoài hình mà còn là sức trẻ và tuổi trẻ. Chúng mình đang ở độ tuổi đẹp và tuyệt vời nhất. Có thể mình không có tiền bạc hay những thành tựu to lớn, nhưng có một thứ mà cuộc sống dành cho mình đó là “trẻ”, còn trẻ là còn cơ hội và còn được thử rất nhiều điều. Ví dụ như ở tầm tuổi bố mẹ chúng ta, khi đó cuộc sống đã dần ổn định nhưng sức khỏe, điều kiện gia đình không còn cho phép họ được thử nữa. Do đó, mình luôn muốn tận dụng lợi thế lớn nhất của mình ở thời điểm hiện tại là “trẻ” để làm mọi điều mình muốn. 

PV: Việc thay đổi sang một môi trường mới là Đại học có là một yếu tố tác động đến việc Hoài lựa chọn ra ba từ khóa đó không? 

Có chứ, môi trường Đại học đã tác động đến mình khá nhiều. Tại vì mình thay đổi môi trường sống, và còn được học trong một ngôi trường cực kỳ năng động, sáng tạo. Với một môi trường có nhiều người giỏi và năng động như thế, mình học hỏi  được thêm nhiều điều. Đồng thời, khi nhìn mọi người xung quanh đều đang nỗ lực và cố gắng rất nhiều đã là động lực để mình không cho phép bản thân dừng lại hay lười biếng. 

PV: So với Hoài những năm ở THPT, khi xét về hai phương diện trong lối sống và học tập, để nói về một điều đã thay đổi tích cực ở Hoài với mỗi phương diện thì đó sẽ là gì?

Nếu nói về học tập thì thật sự là mình không còn chăm chỉ như hồi cấp 3 nữa, mình không học miệt mài và dành cả ngày chỉ để học như xưa. Mình có nhiều mối bận tâm hơn, nhiều công việc để hoàn thành hơn, việc học đương nhiên vẫn chiếm một phần lớn, nhưng đã không còn là toàn thời gian đối với mình nữa. Mình không biết đây có gọi là tích cực không nữa, vì “lười học” đi mà, nhưng mình dần biết cách để học hiệu quả hơn và đồng thời chia ra làm cả những việc khác. 

Lối sống thì đảo lộn khá nhiều, giờ mà mình về nhà là hoàn toàn khác nếp sinh hoạt của cả nhà thôi do lịch học, lịch làm việc và như các bạn gen Z vẫn hay nói là “deadline chồng deadline” đó. Nhưng mình thấy mình được thử nhiều thứ hơn, đơn giản như ở nhà mẹ sẽ làm rất nhiều việc cho mình đúng không? Nhưng khi ở một mình, mình phải đi chợ, nấu nướng, tính toán chi tiêu,... Mình thấy mình tự lập hơn nhiều, mình đang - tập - làm - người - lớn. 

PV: Hoài có cảm thấy sự thay đổi này là cần thiết để có thể thích nghi tốt với môi trường mới? 

Mình nghĩ thay đổi là một điều tất yếu bởi môi trường xung quanh mình đổi thay liên tục. Bố mẹ mình hay nói: “Nhập gia tùy tục”, tức là phải học cách thích nghi với những điều mới. Nếu không thức dậy đi chợ, không nấu cơm thì sẽ nhịn đói mất, nếu không cân nhắc chi tiêu thì cuối tháng sẽ chẳng còn tiền,... Đương nhiên thay đổi ở mức độ nào đó theo hướng tích cực, chứ không phải biến thành một con người hoàn toàn khác, mình thay đổi để tốt hơn mà. 

PV: Hoài thấy có dễ để kết bạn trong môi trường Đại học không?

Mình dành toàn bộ năm nhất để tham gia câu lạc bộ. Văn hóa trong câu lạc bộ rất tốt. Tại đây, mình đã làm quen và kết bạn với nhiều bạn bè thân thiết. Do tập trung tham gia câu lạc bộ và dành nhiều thời gian thích nghi với cách thức học tập mới nên bạn bè của mình chủ yếu từ câu lạc bộ mình tham gia. Nhưng nhìn chung mọi người ở Ngoại thương đều rất hòa đồng và thân thiện. 

Thu Hoài trong sự kiện tuyển thành viên Gen 16 của câu lạc bộ Ftu Forum (Ảnh: nhân vật cung cấp). 

PV: Đại học là một môi trường khá rộng, bên cạnh việc nhận được những cơ hội mới thì Hoài có gặp phải những khó khăn? 

Như mọi người hay nói là lên Đại học sẽ được trải nghiệm những “cú sốc đầu đời”. Khó khăn đầu tiên khiến mình bị sốc nặng nhất đó là trong việc học. Vì mình học một ngôn ngữ mới là tiếng Nhật, là một ngôn ngữ khó, hơn nữa trước khi vào trường mình chưa từng học qua về ngôn ngữ này. Mình bắt đầu với một nền tảng khá hạn hẹp, đến bảng chữ cái cũng không biết, nên gặp nhiều trở ngại trong việc học. Vào khoảng thời gian đó, mình cũng không cân bằng tốt được việc học với những công việc ở câu lạc bộ nên khi rơi vào cảnh càng học càng không hiểu thì mình bắt đầu chán, dẫn đến kết quả kỳ một năm nhất trượt dốc một cách thảm hại. 

Trong 12 năm đi học, lúc nào cũng là học sinh giỏi, luôn nằm trong top đầu lớp vậy mè lên Đại học, lần đầu tiên mình biết đến cảm giác xếp thứ hai từ dưới lên của lớp. Có lẽ kể ra chuyện này thì không ai tin, vì GPA lúc đó của mình chỉ là 1.8. Khi nhận được kết quả thấp như vậy, mình cực kỳ sốc, vì xung quanh mình có rất nhiều bạn bè đạt GPA 3.9, 4.0. Sau đó mình bị “stress” rất nặng, khiến hơn một lần mình nghĩ đến việc từ bỏ, khá nghi ngờ về lựa chọn của mình “ Liệu nơi này có thật sự dành cho mình?”. Thời điểm đó mình phải đấu tranh tâm lý rất nhiều, giờ nghĩ lại vẫn cảm thấy rùng mình, không hiểu sao mình có thể vượt qua được nó

PV: Cú sốc đó ít nhiều có liên quan đến áp lực đồng trang lứa, cảm giác lúc đó của Hoài như thế nào?

Đúng, lúc đó mình mới thực sự hiểu rõ được cảm giác của áp lực đồng trang lứa mà mọi người vẫn hay nói. Mình học tập ở một môi trường rất giỏi mà GPA của mình được có 1.8, mình cũng chẳng có thành tích gì, mình không giỏi cái gì thì sẽ rất tự ti. Trong khi các bạn đạt chứng chỉ A, học bổng B, tham gia cuộc thi C, còn mình thậm chí không đạt được mức trung bình, mà tụt sâu một cách thảm hại. Lúc còn là học sinh, chưa bao giờ mình có cảm giác “Sao mình dốt như thế?”, nên khi chuyện ấy xảy ra thì giống như một cánh cửa đóng sầm lại. Mình bắt đầu sợ người ta nhìn mình với ánh mắt khác. Mình tự ti, sống khép mình hơn. Có quãng thời gian mình không đi chơi với ai, chỉ đi học, về nhà, rồi nhốt mình trong phòng. Mình chỉ muốn từ bỏ. Mình nghĩ rất nhiều, cảm giác như muốn phát điên lên. Mình ghét chính bản thân mình, mà ghét mình là một trong những thứ cực kỳ tiêu cực. 

Và bất lực nhất là có một ngày mẹ gọi điện lên, dường như mẹ cũng biết chuyện nên nói rằng: “Con cố gắng lên nhé, đừng nghĩ nhiều”. Mình đã oà khóc ngay sau đó, mà không thể nói thêm lời nào. Hẳn bố mẹ mình đã rất hoảng sợ khi thấy mình khóc, nhưng lại chẳng biết nên nói gì với mình. Vậy là bố mẹ đã nói chuyện với một người bạn thân hồi cấp 3 của mình, ngay hôm đó, người bạn ấy đã nói chuyện với mình cả tối. Mình lần đầu tiên được hỏi liệu rằng bản thân có ổn không sau quãng thời gian dài thu mình lại. Cảm giác mình được chia sẻ, được nói ra điều mà mình không dám chia sẻ cùng ai, điều mà mình luôn thấy thật đáng xấu hổ, cảm giác được lắng nghe, được thấu hiểu với người cùng gặp vấn đề như mình, mình thật sự thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

PV: Rất nhiều người đã/đang bị mắc kẹt khi gặp phải vấn đề về áp lực đồng trang lứa, Hoài có vậy không? Cách để Hoài có thể vượt qua nó?

Thực sự là cũng có nhưng không lâu. Như đã chia sẻ thì rất may mắn là mình có được những người bạn, gia đình ở bên mình đúng lúc. Mình bắt đầu phân tích điều được, điều mất nếu mình tiếp tục mặc cảm về bản thân. Và đương nhiên, cái hại sẽ nhiều hơn cái lợi. Làm rõ được điều này nên trong mình đã nhen nhóm một tia hy vọng. Mình nghĩ về bố mẹ, thực sự, mình cố gắng đến tận bây giờ là vì bố mẹ rất nhiều, thậm chí không vì bản thân mình. Khi nhìn thấy bố mẹ thương mình như thế, cả hai đều đang cố gắng rất nhiều về mình, thế nên chẳng có lý do quá lớn nào để mình phải dừng lại cả. 

Có một cách rất hay để mình không bị mắc kẹt trong vấn đề về áp lực đồng trang lứa đó là tập trung vào chính bản thân mình. Nghe thì đúng là hơi lý thuyết, nhưng thực sự mình đã làm như vậy. Thay vì để ý thành tích người khác thì mình phải nhìn lại mình trước tiên. Mình vạch ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là nhìn vào những vấn đề trước mắt để giải quyết. Vấn đề lúc đó của mình là GPA đang quá thấp, có thể sẽ bị cảnh cáo học tập, nên trước mắt mình cần học để kéo lên mức điểm mình cần. Mình lập sơ đồ những cái mình cần làm, theo dõi điểm số qua bảng excel dự đoán mức GPA mình mong muốn. Mình chia nhỏ các đầu việc, rằng muốn đạt được điểm X thì mình cần được điểm Y ở những môn này, và cố gắng làm lớp trưởng của những lớp này. kì 2 năm nhất, mình chỉ được 3.0, tổng cả năm lại, mình vẫn chỉ ở mức trung bình. Buồn lắm chứ, nhưng mình nghĩ phải cố nhiều hơn nữa, và điều gì cũng cần thời gian. 

Tiếp tục sang kỳ 1 năm hai, mình vẫn áp dụng như thế. Khi đó mình học online ở nhà, và bố mẹ mình còn nghĩ mình đang quay lại khoảng thời gian ôn thi đại học, vì mình học rất là nhiều. Đến hôm nhận kết quả tổng kết và mình đã đạt 3.9. Mình mất một lúc để nhìn ngắm bảng điểm, mình thấy siêu xúc động. Đó là cả một sự nỗ lực và đấu tranh không ngừng giữa tiếp tục và từ bỏ. Thật sự khi nhìn những con số ấy, mình thấy rất đáng. 

Còn mục tiêu dài hạn là như thế nào? Nghe thì hơi lớn lao thật nhưng mình sẽ nghĩ trong khoảng vài năm nữa, mình muốn là người như nào, làm công việc gì: chẳng hạn chỉ đơn giản là bạn đặt mục tiêu ra trường với tấm bằng giỏi, với mình đấy cũng là dài hơn rồi. Những mục tiêu ngắn hạn thực chất là chia nhỏ đầu việc để thực hiện cái trong dài hạn của bạn.

Sau quãng thời gian chỉ tập trung vào bản thân, cố gắng hết sức cho bản thân, mình thấy tốt hơn nhiều với việc đem bản thân mình ra so sánh với người khác. Bạn bè chúng mình giỏi, nhưng để đạt được những thành tích đó thì đằng sau cũng cả một sự nỗ lực, nên mình nghĩ chỉ nên học hỏi, chứ đừng vì thế mà trở nên tự ti. Mình hay mọi người đều có ưu thế, bạn này học thật giỏi, còn bạn kia lại thật có năng khiếu về nghệ thuật,... Chỉ cần tập trung vào bản thân mình và đừng quên cố gắng thôi, đó là cách mình bỏ lại vấn đề về áp lực đồng trang lứa ở phía sau. 

PV: Lời cuối, cảm ơn Hoài vì đã nhận lời tham gia phỏng vấn, chúc Hoài dù có những rào cản vô tình ngáng đường cũng có thể dũng cảm vượt qua. Mong cho mọi điều Hoài dám thử sẽ nhận được kết quả như ý muốn. 

 

 

Trần Thanh Bình- TTĐPT K40

Phản hồi