Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Đội trưởng FAS Angel Phạm Quốc Việt: “Tôi không thích mọi người gọi mình là người hùng thầm lặng”

15:05 28-02-2024
Gặp gỡ anh Phạm Quốc Việt vào một buổi chiều, trong cuộc trò chuyện tại trạm cứu hộ 01 trên đường Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự giản dị từ lối sống đến cách anh chia sẻ những mẩu chuyện cảm xúc, nỗi ám ảnh anh từng trải qua…

Không có áo choàng siêu nhân, không sở hữu gương mặt đẹp trai hay thân hình sáu múi, đội trưởng FAS Angel khiêm tốn kể cho chúng tôi nghe về những ưu tư nằm ẩn sâu mà chưa từng được anh tiết lộ.

 

Phóng viên: Vừa qua, anh được nhận rất nhiều giải thưởng, bằng khen từ Nhà nước và các tổ chức có tiếng như Huân chương Dũng cảm, Dự án truyền cảm hứng, Đại sứ truyền cảm hứng… Dường như anh đã trở thành “anh hùng” có thực trong lòng mọi người, chắc hẳn anh rất tự hào?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi mình làm được các công việc có ích cho xã hội. Đặc biệt với tấm Huân chương Dũng cảm, là một trong những danh hiệu danh giá nhất mà tôi đang có, nó có giá trị hơn so với các giải thưởng khác. Nó được tích góp từ nhiều điều, thậm chí là mạng sống. Mọi người nghĩ rằng nhận Huân chương Dũng cảm là những người có hành động anh hùng, nhưng không, tôi cho rằng đó là hành động điên khùng. Và tôi không thích mọi người gọi mình là người hùng thầm lặng.

Tôi có trên dưới 40 chiếc cúp nhưng không vì thế mà tôi bám theo chữ “Danh” để đánh mất chính mình. Tất nhiên, tôi rất thích những điều tôi đạt được, rất quý chúng nhưng nó không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc cứu người mà tôi đang làm.

Phóng viên: Khi đội cứu hộ FAS Angel có mặt tại các vụ tai nạn lớn, mong muốn lớn nhất của những tình nguyện viên là cứu được càng nhiều người càng tốt. Vậy với tư cách là một đội trưởng, anh Việt làm cách nào để đảm bảo an toàn cho đồng đội mà vẫn đạt được mong muốn?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Trước đây, tôi có một khoảng thời gian trong quân ngũ. Tôi đã được rèn luyện rất nhiều thứ, đặc biệt là khả năng sinh tồn và xử lý tình huống. Tôi từng là một người lính chuyên làm trong hầm, đã từng bị sập hầm và tôi biết cách để thoát thân như thế nào. Tôi biết cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm mà không ai làm gì được tôi, không một ngọn lửa hay thiên tai nào có thể dìm chết được tôi trong khu vực đó.

Chẳng hạn, trong một vụ cháy, tôi không bao giờ để cho đồng đội của tôi mất an toàn. Nếu tôi không chắc có an toàn hay không, tôi nhất định không cho họ tham gia. Tôi dặn đồng đội của mình ba điều: thứ nhất, khi tôi chưa ra khỏi toà nhà, không ai được vào; thứ hai, khi không có lệnh và không có người chịu trách nhiệm cam kết cho tính mạng của đồng đội trong toà nhà đó, không ai được tham gia vào; thứ ba, tôi cấm tất cả mọi thứ không liên quan đến sơ cứu không được mang vào hiện trường. Tuyệt đối phải đi hai người một đội, không được tách đội và không được nhặt tài sản của nạn nhân.

Chưa kể khi ra hiện trường, có rất nhiều thứ căng thẳng. Không phải là giữa người sống với người chết, mà là giữa người sống với người sống. Có rất nhiều thành phần cản trở, gây sự, trêu chọc, châm biếm, đả kích. Khi ấy, tôi và các tình nguyện viên phải xử lý thật khéo léo nếu không xảy ra rất nhiều phiền hà.

Phóng viên: Tôi được biết, trong suốt 5 năm hoạt động, Đội cứu hộ FAS Angel nói chung và bản thân anh nói riêng đã gặp không ít khó khăn. Đã bao giờ anh cảm thấy nản lòng chưa?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Tôi chưa bao giờ cảm thấy nản lòng từ khi làm công việc này. Tôi cũng không nhìn vào đó để sống. Tôi chưa bao giờ thất vọng vì con người và cũng chưa bao giờ thất vọng vì cộng đồng. Tôi tự an ủi mình là cứ làm, đến đâu hay đến đó. Bản thân là một nhân tố tốt thì sẽ lan toả được từ tâm hồn mình sang người khác. Nếu tôi cứ nhìn mãi vào tiêu cực, tôi đã bị bóp nghẹt trong đó rồi. Tôi tin phần “người” trong chúng ta luôn nhiều hơn phần “con”, điều tôi đã và đang làm sẽ được lan toả nhiều hơn.

Những gì tôi trải qua đến thời điểm hiện tại giống như một cuốn cuốn sách và cuốn sách ấy có thực. Tôi có rất nhiều biến cố khó khăn để nhắc đến trong cuộc đời. Nhưng cho đến bây giờ, bạn bè xung quanh tôi, họ tự nhận họ thay đổi được gì và không thay đổi được gì để rồi khi họ nhìn về phía tôi, họ thấy chặng đường họ đi theo tôi không nổi. Họ thấy sốc và bất ngờ, kính trọng cũng như nể phục.

 

Phóng viên: Từ những biến cố, chúng tôi thấy được anh là một thủ lĩnh vừa có tâm vừa có tầm. Vậy anh đã dẫn dắt các tình nguyện viên khác từ những ngày đầu tiên như thế nào để họ cũng trở thành người giống như anh?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Tôi không dạy các tình nguyện viên của mình làm sao để làm giàu mà tôi chỉ nói với họ cách để làm người. Làm người là cái quan trọng nhất, muốn làm được việc gì thì cũng phải thành người. Không thành người nhất định không làm được gì cả. Chính vì thế, văn phòng tôi làm việc không có chữ “Nhẫn” hay chữ gì khác ngoài chữ “Thành Nhân”.

Ban đầu FAS Angel chỉ có 50 tình nguyện viên, người rời đội cũng có mà ở lại cũng có. Những bạn gặp hoàn cảnh éo le tôi đều muốn giúp bằng cách này hay cách khác. Tôi có thể cho họ công việc, một vài nhu yếu phẩm hằng ngày nhưng không thể giúp họ bằng cách rằng tôi để cho họ một khoản tiền. Hay có những người theo tôi cũng đã trở thành ông chủ, bà chủ.

Khi tôi chỉ dẫn cho họ, nhiều bạn sẽ nghe theo nhưng nhiều người cho rằng sao tôi toàn nói những điều bâng quơ. Tôi chỉ cười và hỏi lại, vậy sao các bạn không thắc mắc làm cách nào có thể làm chủ thời gian của mình chứ không phải làm thuê cho tôi. Các bạn ấy đang là tình nguyện viên của tôi, nhưng tôi không muốn như thế mãi. Tôi muốn các bạn sẽ trở thành một trưởng nhóm, mặc dù vẫn thuộc quyền quản lý của FAS Angel. Các bạn quản lý được nhóm của mình thì từ đó các bạn có thể hướng dẫn người của các bạn theo cách tôi đã chỉ dạy và làm sao cứu được người hiệu quả. Tự làm chủ thời gian của mình thế mới là tốt nhất.

Phóng viên: Đã bao giờ đội FAS Angel xảy ra sai xót trong quá trình cứu nạn cứu hộ chưa, thưa anh?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Sai sót về nghiệp vụ thì không, sai sót về cách ứng xử thì có. Nhiều khi các bạn tình nguyện viên bị xúc phạm nặng nề quá. Bị chửi bới, tác động vật lý cũng có nên tôi cũng đào tạo đội viên cách kiềm chế cảm xúc để tránh những sự cố không như ý.

Bên cạnh đó, để không xảy ra bất kì sai sót nào trong khi cứu người, tôi bắt buộc tất cả tình nguyện viên và cộng tác viên đều tập huấn các kỹ năng theo lịch trình. Tôi luôn nói với các đội viên của mình rằng cứu người không phải trò đùa, chuyện từ một ‘thiên thần’ trở thành ‘tội đồ’ là hoàn toàn có thể xảy đến. Chính vì thế, có ba điều tôi đã rèn luyện các tình nguyện viên của FAS Angel: thứ nhất là tâm lý trấn an, thứ hai là kỹ thuật sơ cứu cấp cứu, thứ ba là giảm bớt cái tôi cũng như sự nhiệt huyết không cần thiết. Và đó là những kỹ năng mà không một nơi nào khác dạy.

Hơn nữa, để khoác trên người được chiếc áo cứu hộ FAS Angel, ngay từ đầu họ đã phải trải qua bài sát hạch của tôi rồi. Dù cho bạn có là bác sĩ, hay người nào đi chăng nữa mà không vượt qua cũng không thể trở thành tình nguyện viên của đội.

 

Phóng viên: Có điều gì hay vụ cứu hộ nào trong suốt những năm hoạt động khiến anh và các thành viên trong đội cảm thấy tiếc nuối không?

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Tôi đã từng có những buổi tâm sự với cả nhóm. Tôi hỏi mọi người có điều gì hối hận và muốn quay lại khoảng thời gian nào để sửa chữa. Có người muốn quay lại cấp 3 để học hành đàng hoàng hơn. Có người lại ước mình không uống rượu nữa để không gặp phải tai nạn… Và cuối cùng họ hỏi ngược lại tôi. Những bước chân tôi đi đến thời điểm hiện tại, tôi không hối hận điều gì cả.

Tôi chỉ băn khoăn và suy nghĩ man mác về một vấn đề. Đó là sau hai ngày xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), FAS Angel được trao tặng 23 tấm bằng khen của cá nhân và tập thể. Trong những tình nguyện viên do tôi đề xuất thì có một vài người tôi đã nghĩ sẽ không nhắc đến. Tôi sợ rằng sau khi tôi đề xuất, họ có được thì tôi sẽ mất họ. Tôi nhìn thẳng vào chính những người đó và họ cũng thấy họ đã đánh mất chính mình. Họ dựa vào chữ “Danh”, không kiểm soát được bản thân. 

Phóng viên: Ở giai đoạn chạm đến đỉnh cao của công việc anh đang làm, đó là được nhiều người biết đến và lan toả hành động nhân văn, còn mong muốn nào mà anh ấp ủ sẽ thực hiện trong tương lai? 

Đội trưởng Phạm Quốc Việt: Tôi có rất nhiều dự định và luôn mong muốn FAS Angel cứu được nhiều người hơn nữa. Tôi hy vọng có thể mở rộng phạm vi hoạt động của đội ra các tỉnh thành khác, đặc biệt những tỉnh có đông người lao động. Bởi tôi rất lo lắng cho cuộc sống của họ. Tôi sợ họ gặp tai nạn, sợ họ bị bóc lột sức khoẻ…

Mặt khác, tôi cũng có dự định có thêm những khoản phụ cấp nhỏ cho các tình nguyện viên của mình. Điều ấy sẽ phụ thuộc tuỳ theo từng chức vụ (trưởng vùng, trưởng nhóm…) và mức độ cống hiến. Tôi có thể hỗ trợ cho họ tiền xăng, thay dầu xe máy miễn phí ở cửa hàng của mình để làm sao cho các bạn ấy có thể tiết kiệm được khoản chi phí đó mà vẫn được chăm sóc một cách tận tình. Tất cả những công việc tôi làm vẫn luôn chỉ là hy sinh cho anh em, hy sinh cho mọi người. Tôi không biết mình phải hy sinh bao lâu nữa nhưng chắc có lẽ là còn rất lâu đó.

Xin trân trọng cảm ơn anh./.

Thu Trang

Phản hồi