Tại buổi tọa đàm, hai diễn giả là GS.TS Trịnh Sinh - công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và TS. Nguyễn Anh Thư - Nhà nghiên cứu, Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã có những chia sẻ thú vị và sâu sắc về nền văn minh Đông Sơn cũng như các phát kiến gần đây.
GS.TS Trịnh Sinh bày tỏ niềm tự hào: “Việt Nam có một nền văn hóa mà không ở đâu trên thế giới có, đó là văn hóa độc nhất. Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa độc nhất của Việt Nam”. TS Nguyễn Anh Thư cũng nhấn mạnh: “Phải có một nội lực, một thành tựu nhất định, thì chúng ta mới có thể lan tỏa những giá trị văn hóa này vượt qua khỏi biên giới của Việt Nam, để vươn ra thế giới.”
Bên cạnh đó, khách mời còn được tham quan phần trưng bày “Âm vang Đông Sơn” và chiêm ngưỡng những di vật đặc sắc mới được Bảo tàng sưu tầm. Những phát hiện mới về khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu (Bắc Ninh) qua khai quật khảo cổ học, có niên đại sau Công nguyên cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham gia.
Các phát hiện, nghiên cứu đắt giá đã hình thành nên những bộ sưu tập hiện vật của văn hóa Đông Sơn. Các di vật được làm từ nhiều chất liệu: đồng, sắt, gốm, thủy tinh,... Không chỉ phong phú về số lượng, các sản phẩm còn độc đáo về hình thức thể hiện và mang tính thẩm mỹ cao. Kỹ thuật chạm khắc vô cùng tinh xảo, phản ánh đời sống lao động cũng như quan niệm về thế giới, nhân sinh của cư dân Việt cổ từ hơn 2.000 năm trước.
Buổi giao lưu không chỉ là dịp để người tham gia hiểu rõ hơn về lịch sử và giá trị nghệ thuật của nền văn minh Đông Sơn mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự đoàn kết trong cộng đồng.
Phản hồi