Danh mục Thứ Bảy, 21/09/2024

Tiêu điểm \

Sách self - help thu bé vừa bằng một video

18:49 03-12-2023
Thị trường sách self - help truyền thống đang phải dè chừng đối thủ đáng gờm là những video Youtube, TikTok ngắn làm về cùng nội dung!

Bức tranh cũ có đang thay áo mới?

Self - help là dòng sách định hướng, cung cấp những giải pháp để giải quyết vấn đề. Trong tương lai gần, sự chuyển giao thị trường là tất yếu khi video self – help nhanh, tiện lợi và “dễ hấp thụ” hơn rất nhiều (thời lượng 5 – 15 phút cho video Youtube và 1-3 phút cho video TikTok) so với thị trường self - help truyền thống.

Marketdata Enterprises chỉ ra rằng ngành công nghiệp sách self – help đang có giá trị tăng trưởng trung bình là 5,6%/năm và dự kiến sẽ chạm mức 13.000 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, ngành công nghiệp self – help số hóa Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, ghi dấu với những kênh TikTok làm về chủ đề phát triển bản thân thu hút được lượng lớn người xem.

 

Một số kênh tiktok tiêu biểu làm về chủ đề giáo dục. (Ảnh: Ngọc Minh) 

Cũng theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, chỉ có 15% bạn trẻ dành thời gian rảnh để đọc sách. Một số bạn trẻ lại có thói quen chia sẻ thật nhiều bài viết với chủ đề phát triển bản thân về Facebook cá nhân hoặc follow những fanpage, những kênh TikTok với nội dung như trên nhưng chỉ để đấy hoặc không có sự xem lại. 

Lý giải sức hút bên trong “xưởng sản xuất” video self - help: những lợi ích độc quyền

Trong hội nghị “Sáng tạo nội dung 2019 – 2025: Tương lai 5 năm tới nắm giữ điều gì cho các Influencers” được tổ chức bởi World Travel Market London, diễn giả Lisa Binderberger cho rằng người dùng và các nhãn hàng sẽ chú trọng đến giá trị sản phẩm hơn là số lượng người theo dõi. Nói cách khác, tác giả sách nổi tiếng không còn là “quân bài miễn tử”, cũng như TikToker nổi tiếng cũng không có đời sống lâu dài nếu không sản xuất nội dung chất lượng liên tục!

Nguồn năng lượng tích cực, sự tử tế là từ khoá khi làm content của kênh tiktok @tizidichlep.offical. (Ảnh: NVCC) 

Đồng quan điểm với diễn giả Lisa Binderberger, anh Huỳnh Quang Minh (Đích Lép) – chủ sở hữu của kênh TikTok LépTheLittleKid với hơn 500,000 followers chia sẻ: “Anh chứng kiến nhiều người cố gắng làm self – help. Ban đầu họ cũng xuất phát từ cái tâm muốn giúp người, nhưng rồi cùng với sự cám dỗ, sự áp lực về lượt xem, về tương tác, họ lại thay đổi nội dung sao cho tạo hiệu ứng trái chiều. Có điều cũng vì vậy, họ lên rất nhanh nhưng xuống cũng mau, vì mục đích giúp người ban đầu đã dần biến mất mà họ không hay.” Có thể, đây cũng là một nguyên nhân cho cái chết từ từ của thị trường sách giấy, vì nguồn thu nhập bị động của sách không “giúp” mọi người trên phương diện tiện lợi, giá bán...

Để người xem tìm thấy những niềm vui có ích và mang tính giáo dục, những người sáng tạo nội dung số cần đặt mình vào vị trí của edutainer (một cụm từ anh Minh kết hợp giữa Educator và Entertainer, ý chỉ người làm giáo dục có yếu tố giải trí). Đây cũng là điều khiến những người làm ấn bản giấy phải suy nghĩ: làm cách nào để đưa yếu tố tương tác, giải khuây vào những trang sách.

“Điều TikToker self - help nên làm không chỉ là giúp một triệu người thay đổi cuộc sống riêng, mà còn là truyền cảm hứng tạo ra thêm nhiều nhà sản xuất nội dung self - help khác để hàng trăm triệu người bớt lạc lõng!” - anh Minh bày tỏ. Chia sẻ này của anh đã cho thấy khả năng lan tỏa nhanh chóng của thị trường self - help số, thứ mà thị trường self - help giấy khó bì kịp.  

Ngành xuất bản truyền thống và những thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số

Thảo Phương (Thủ khoa khoa ngành Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - năm 2022) chia sẻ ngành xuất bản truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Người đọc dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc tìm kiếm thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Những hình thức truyền tải đa nền tảng cũng đánh trúng vào tâm lý thích tiện lợi, chuộng hình thức của độc giả trẻ hiện nay. 

“Hướng phát triển cho thị trường sách giấy đó là các nhà xuất bản cần chú trọng đầu tư hơn về mặt hình thức để đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ của độc giả. Nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi và cần được chau chuốt. Khâu truyền thông sách cũng cần được đẩy mạnh song song với công tác tuyên truyền về văn hoá đọc để góp phần đưa thị trường sách giấy phát triển. Mặt khác, đọc sách online hay xem những video về sách trong thời gian dài cũng sẽ gây suy giảm thị lực.” - Thảo Phương chia sẻ thêm. 

“Mỗi một thị trường sẽ có tệp khách hàng khác nhau” - Thảo Phương chia sẻ. (Ảnh: NVCC) 

Bạn Lưu Phúc (sinh viên năm 3 khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng sách giấy hay sách điện tử sẽ đều có những ưu - nhược điểm riêng. Sách giấy sẽ phát triển cùng sách điện tử và sẽ không bao giờ mất đi. Cá nhân Lưu Phúc cũng bày tỏ niềm yêu thích đối với những cuốn sách truyền thống. 

 “Đối với thị trường sách giấy, chất lượng về mặt nội dung là thứ 
giữ chân độc giả,” Lưu Phúc khẳng định. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Hà Ngọc Minh - Báo In K41.

Phản hồi