Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
Khởi nghiệp là chủ trương được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện, đặc biệt trong vấn đề khởi nghiệp của thanh niên theo Điều 19 Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp với mục tiêu phát triển khởi nghiệp quốc gia trong tương lai. Sự quan tâm này được thể hiện qua nhiều chính sách hỗ trợ phong phú từ cấp trung ương đến địa phương. Việc khuyến khích khởi nghiệp trong giới trẻ không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực lao động mà còn tận dụng được vốn, công nghệ và thị trường hiệu quả hơn.
Thực hiện Quyết định số 897 ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030”, xã Hương Gián, Yên Dũng, Bắc Giang đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng vào việc phát triển ý tưởng khởi nghiệp mới. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, ngân sách tỉnh hỗ trợ thanh niên địa phương trong độ tuổi từ 18 đến 35 nhằm khuyến khích họ theo đuổi các mô hình khởi nghiệp. Hạn mức hỗ trợ vốn khởi nghiệp tối đa tại Hương Gián là 100 triệu đồng cho mỗi dự án và các bạn thanh niên không cần thế chấp tài sản. Những chính sách này đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, Nhà nước trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và Đoàn Thanh niên cũng đang nỗ lực kết nối và định hướng thanh niên trong các dự án khởi nghiệp. Anh Nguyễn Xuân Vũ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hương Gián chia sẻ: “Tỉnh đoàn, huyện đoàn và đoàn xã cũng đã triển khai website ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong khởi nghiệp thanh niên và cũng đã triển khai sâu rộng đến cái trang web ý tưởng khởi nghiệp. Đây là nơi các doanh nghiệp có thể là các doanh nghiệp dựa trên những ý tưởng khởi nghiệp ở trên trang để có thể tìm ra mô hình khởi nghiệp lý tưởng.
Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Đối tượng thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 35 thường chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, dẫn đến việc tiếp cận các nguồn vốn gặp trở ngại hơn so với các nhóm đối tượng khác. Một ví dụ điển hình là mô hình chăn nuôi con dúi tại Hương Gián, tuy có tiềm năng nhưng quy mô và diện tích hoạt động còn hạn chế, khiến thanh niên khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Hơn nữa, các chương trình hỗ trợ thường yêu cầu chủ đầu tư phải có cơ sở rõ ràng, điều này càng làm gia tăng áp lực cho những người trẻ đang khởi nghiệp.
Ngoài những chính sách về nguồn vốn, Nhà nước cũng có những hỗ trợ khác để giúp thanh niên vững bước trên con đường khởi nghiệp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 18 của Luật Thanh niên 2020, nhà nước đã đưa ra chính sách tập trung vào việc giáo dục và đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên, nhằm trang bị cho họ những công cụ cần thiết để khởi đầu sự nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cam kết cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, cũng như xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Đáng chú ý, thanh niên được ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng, giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cần thiết cho ý tưởng khởi nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ còn khuyến khích tạo ra môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ. Các tổ chức và cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng sẽ nhận được ưu đãi, đồng thời khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên. Những chính sách này không chỉ góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới giới trẻ mà còn mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ vươn lên trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Trong dòng chảy phát triển của nền kinh tế số, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước đã mở ra cơ hội vàng cho thế hệ trẻ hiện thực hóa những giấc mơ khởi nghiệp. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chính sách khuyến khích và các chương trình cố vấn chiến lược, nhiều người trẻ đã chứng minh được tài năng và sự sáng tạo của mình, trở thành những ngọn cờ đầu trong phong trào khởi nghiệp.
Trên cả nước, nhiều tỉnh thành đã triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp góp phần phát triển kinh tế bền vững. Theo nhà báo Minh Linh của Báo Bắc Giang, mô hình xẻ đá mỹ nghệ của anh Ngô Đức Quý (sinh năm 1997), đoàn viên Chi đoàn thôn Má Bắp, xã Hương Lạc (Lạng Giang) là một ví dụ điển hình. Với nguồn vốn ban đầu hạn chế, quy mô kinh doanh của anh chỉ ở mức nhỏ lẻ. Đến năm 2023, nhờ sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn, anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh cho vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 năm để mở rộng sản xuất.
Kết hợp nguồn vốn vay với khoản tích lũy của gia đình, anh đầu tư mua thêm máy móc và xây dựng một xưởng xẻ đá mới. Nhờ sự nhanh nhẹn, kỹ năng kinh doanh và chất lượng sản phẩm, công việc của anh ngày càng phát triển. Hiện nay, xưởng của anh Quý hoạt động ổn định, mang lại lợi nhuận 250-300 triệu đồng mỗi năm. Với nguồn thu nhập này, anh đều đặn trả lãi và gốc cho ngân hàng hàng tháng, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Ngoài ra, theo website Tuổi Trẻ Bình Định, anh La Văn Cương tại xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định có nguyện vọng muốn tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, Huyện đoàn Phù Mỹ đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi, hỗ trợ 1.500 cá lóc giống cho anh Cương để tiếp tục mở rộng ao nuôi.
Tính tới năm 2023, anh Cương đang có 07 ao nuôi, thời gian nuôi khoảng 6 tháng sẽ đạt trọng lượng của mỗi con là 1,2 đến 1,6kg là sẽ thu hoạch, mỗi ao sẽ cho thu hoạch tầm 1,5 tấn/1 ao nuôi; thị trường đầu ra của cá lóc thương phẩm tiếp tục ổn định và chủ yếu là từ thị trường Đà Nẵng. Thời gian tới, anh Cương cũng có dự định sẽ tiếp tục mở rộng khoảng 3 đến 4 ao nuôi, vì nhu cầu thị trường đang tăng.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn, mà còn tạo môi trường thuận lợi để họ phát triển kỹ năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh và tiếp cận thị trường. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, Nhà nước đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp; và ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển.
Những lợi ích mà Nhà nước mang lại cho thanh niên khởi nghiệp đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của giới trẻ, góp phần xây dựng một nền kinh tế năng động và bền vững. Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cần thiết để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Phản hồi