Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Nói về nghề báo: “Ít công nhiều tội”

22:22 15-03-2024
Thực hiện kế hoạch đào tạo, ngày 15/03/2024, Đoàn nghiên cứu thực tế chính trị - xã hội của Viện Báo chí - Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đến tìm hiểu thực tế tại trụ sở Báo Quân đội nhân dân. Chuyến đi được hướng dẫn bởi TS. Nguyễn Thị Hằng Thu, Giảng viên Viện Báo chí cùng sự tham gia của 50 sinh viên.

 Ông Bùi Minh Tuệ chia sẻ với đoàn nghiên cứu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hiền)

Trong chuyến đi thực tế, đoàn sinh viên đã có dịp tham quan trực tiếp phòng Thư ký tòa soạn và tìm hiểu về cách thức, quy trình phát hành báo in cũng như báo điện tử. Tại đây, ông Bùi Minh Tuệ chia sẻ đôi điều về sự vất vả của những người cán bộ công tác: “Có những biên tập viên nữ vì yêu cầu của công việc nên thường xuyên 1 giờ sáng mới về nhà, nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi quay lại làm việc,… Ngoài ra, đây cũng là công việc đòi hỏi chuyên môn cao, các cán bộ đều là những người có kinh nghiệm dày dặn, có sự chỉn chu và tận tâm với nghề". Ông cũng cho rằng nghề này có điểm giống nghề bác sĩ ở chỗ “Ít công nhiều tội”. “Ít công” là bởi làm đúng là tất nhiên, là yêu cầu, nhiệm vụ; “nhiều tội” ở chỗ một lỗi sai nhỏ nhất cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó khắc phục, để lại ấn tượng xấu trong lòng độc giả.

Đồng chí Bùi Minh Tuệ nhấn mạnh nỗi vất vả của người làm báo. (Ảnh: Nguyễn Thu Hiền)

Từng tờ báo, từng bài đăng đều là kết quả lao động, cống hiến của những người phóng viên, người lấy tin, người biên soạn, người họa sĩ, thiết kế… Tuy nhiên, dù đã được trải qua khâu biên tập, kiểm tra kỹ lưỡng; những ấn phẩm báo chí vẫn khó tránh khỏi sai sót như đăng sai hình ảnh, in nhầm, hình ảnh không đúng thông điệp; khi ấy, công sức phấn đấu đều đổ sông đổ bể.

Bạn Phạm Thanh Thảo đặt câu hỏi cho ông Bùi Minh Tuệ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hiền)

Bạn Phạm Thanh Thảo lớp Truyền thông đa phương tiện K42 đặt câu hỏi về cách xử lý sự cố khi có những sự sai sót trong báo in và báo điện tử. Đồng chí Bùi Minh Tuệ cho biết, khi khủng hoảng truyền thông xảy ra, cần ngay lập tức khắc phục bằng cách gỡ bài, đăng tin đính chính. Việc này với báo in sẽ khó hơn báo điện tử vì cần thêm nhiều thời gian khắc phục. Bởi vậy, những cán bộ công tác ở đây luôn phải ghi nhớ “Đúng trước, nhanh sau, rồi mới đến hay đến đẹp".

Sinh viên đoàn đọc báo in số mới nhất. (Ảnh: Vũ Thị Ngọc Linh)

Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, báo chí Việt Nam đứng trước nhiều yêu cầu, thách thức hơn bao giờ hết; đòi hỏi ở người làm báo sự thích nghi, đáp ứng kịp thời. Những người đang theo đuổi ngành nghề này cần chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, đào sâu nghiên cứu, luôn ghi nhớ và làm theo lời căn dặn của Bác: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Tại Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Các cơ quan báo chí phải có quyết tâm cao để xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại trong tình hình mới; để mỗi cơ quan báo chí đều là cơ quan báo chí tử tế, được cả xã hội tôn trọng".

Nguyễn Lê Hạnh Uyên - TTĐPT K42

Phản hồi