Tọa lạc trên con phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xây dựng với sứ mệnh tôn vinh di sản báo chí, góp phần khẳng định vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử và phát triển đất nước. Với diện tích khoảng 1.500 m2, không gian bảo tàng được chia thành 2 tầng với 5 khu vực chính, phản ánh từng chặng đường phát triển quan trọng: Từ sự ra đời của Gia Định Báo năm 1865, đến giai đoạn báo chí cách mạng (1925 - 1945), kháng chiến (1945 - 1975) và thời kỳ đổi mới, hiện đại hóa (1975 - nay).
Với hơn 20.000 hiện vật và tư liệu được lưu giữ, mỗi không gian trưng bày dẫn dắt khách tham quan qua hành trình báo chí từ những ngày đầu đến ngày nay. Tại đây, bên cạnh những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng những "vật chứng sống" như máy in, máy ảnh và các thiết bị làm báo từng gắn liền với đời sống báo chí. Từng hiện vật in hằn dấu tích thời gian như kể lại câu chuyện đầy cảm xúc về những con người “chắc tay bút, vững tay súng” góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tại tầng 2 bảo tàng, không gian trưng bày về nền báo chí thời kỳ đổi mới từ năm 1975 đến nay thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của báo chí nước nhà trong kỷ nguyên công nghệ số. Với những tờ báo, video ghi lại hành trình phát triển, người tham quan có thể nhìn lại những dấu mốc quan trọng của báo chí nước nhà.
Trước những trải nghiệm thú vị và đầy cảm xúc tại bảo tàng, bạn Đào Minh Hiếu, sinh viên Viện Báo chí -Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Hơn 2 tiếng tham quan và lắng nghe những câu chuyện từ hướng dẫn viên, mình cảm giác như được trở về quá khứ. Những câu chuyện về người làm báo trong thời chiến thực sự rất cảm động. Là sinh viên trường Báo, mình cảm thấy cần có trách nhiệm trong việc kế thừa, gìn giữ và phát triển những “di sản” mà thế hệ phóng viên, nhà báo trước đã để lại.”
Bảo tàng Báo chí Việt Nam là nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, mở ra không gian trải nghiệm sâu sắc về sự phát triển của ngành báo chí. Với cách trưng bày chỉn chu, sáng tạo và hiện đại, bảo tàng mang lịch sử báo chí đến gần hơn với thế hệ trẻ Gen Z, thắp sáng niềm tự hào và đam mê nghề báo với lý tưởng “mắt sáng, bút sắc, lòng trong.”
Phản hồi