Workshop “hồn Việt xưa” do nhóm sinh viên “next gen” đến từ chi đoàn K12TLH3 - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức, mong muốn gìn giữ, tôn vinh và truyền tải những văn hóa xưa cũ, đậm đà truyền thống người Việt.
Tham dự sự kiện có: bà Lê Thùy Dung - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Cổ phần ISOTEK, bà Giảng Thị Phương Oanh - giảng viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, thạc sĩ Đinh Phú Đức - giảng viên bộ môn kỹ năng tổ chức hoạt động thanh thiếu niên - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cùng các thành viên trong nhóm “next gen” và hàng chục bạn trẻ yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc.
Văn hóa Việt Nam với bề dày lịch sử hình thành, phát triển hàng nghìn năm, nổi bật nhờ sự phong phú, sâu sắc và mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Từ những món ăn dân dã, những câu hò điệu lý sâu lắng cho đến tà áo dài duyên dáng, tất cả đều mang trong mình hơi thở, tinh thần và thể chất của cha ông được vun đắp qua bao thăng trầm tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Đến với sự kiện, người tham gia được hòa mình vào không gian nghệ thuật dân gian với các hoạt động tô màu, trang trí trên các vật phẩm thủ công quen thuộc như nón lá, quạt mo, mẹt - mỗi sản phẩm đều như một làn gió văn hóa, thổi mát tâm hồn lớp trẻ.
Buổi Workshop còn mở ra không gian văn hóa Việt Nam xưa qua âm nhạc với các tiết mục hát quan họ, múa truyền thống đậm chất cổ truyền. Ngoài ra, các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bắn bi, mang đến cho những giây phút thư giãn, giải trí bên bạn bè và gia đình.
Bên cạnh đó, “hồn Việt xưa” mang đến trải nghiệm cho người tham gia thưởng thức những món ăn gợi nhớ về ký ức xưa như tào phớ, bánh trôi, chè con ong - mang theo hương vị đơn giản, quen thuộc của một thời. Chụp ảnh lưu niệm với trang phục truyền thống của người Việt cũng là một trải nghiệm đặc sắc, được nhiều các bạn trẻ thích thú tại Workshop.
Bạn Nguyễn Huy Lâm (sinh viên Học viện Ngoại giao) chia sẻ: “Đến với sự kiện, mình được gợi nhớ về làng quê nông thôn, về văn hóa xưa cũ của Việt Nam. Mình đặc biệt ấn tượng với trải nghiệm âm nhạc dân gian qua các tiết mục đặc sắc về dân ca, quan họ và nhạc kháng chiến. Ngoài ra, mình còn được thưởng thức một số món ăn đậm chất xưa cũ. Mình cảm thấy hào hứng khi được đắm chìm vào không gian văn hóa Việt và thêm tự hào về giá trị truyền thống của dân tộc”.
Workshop “hồn Việt xưa” không chỉ là một hành trình lắng đọng nhìn lại những nét đẹp văn hóa mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn di sản, đặc biệt là trong lòng thế hệ trẻ, thể hiện sự tiếp nối giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của Việt Nam trong thời đại mới.
Phản hồi