Cuốn "Cơ sở lý luận báo chí" đề cập đến những quan điểm khác nhau về báo chí, bám sát các quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về báo chí. Bên cạnh đó là những kiến thức cơ bản về hệ thống của lý luận báo chí, đối tượng, công chúng và cơ chế tác động của báo chí, về các chức năng và nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí, về chủ thể hoạt động báo chí, vấn đề tự do báo chí…
"Cơ sở lý luận báo chí " là giáo trình tổng hợp những kinh nghiệm nghiên cứu - giảng dạy nhằm góp phần cung cấp thêm cơ sở lý luận - thực tiễn báo chí - truyền thông hiện đại, nhằm hình thành cho người tiếp cận tác phẩm hình thành thế giới quan, phương pháp luận và ý thức tự giác về hoạt động nghề nghiệp báo chí cho người đọc. Để xây dựng được nền báo chí phát triển trước hết cần có đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp không chỉ ý thức tự giác về nghề, mà còn nắm vững lý tưởng quan điểm và hệ thống kỹ năng tác nghiệp, những kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp…
Sách được chia thành 9 chương với các chuyên mục khác nhau: Khái quát về truyền thông, Quan điểm chung về báo chí; Tổng quan các loại hình báo chí; Công chúng báo chí; Chức năng xã hội cơ bản của báo chí; Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí; Tự do báo chí; Lao động báo chí và chương cuối cùng đề cập tới Nhà báo - chủ thể của hoạt động Báo chí. Giáo trình Cơ sở lý luận báo chí chủ yếu tiếp cận báo chí từ quan điểm hệ thống, đặt báo chí trong môi trường chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và truyền thông giúp người đọc hình thành hệ thống kiến thức chuyên nghiệp, làm cơ sở tiếp nhận những kiên thức và kỹ năng cơ bản, có khả năng thích ứng tốt với yêu cầu thực tế của hoạt động nghề nghiệp báo chí, truyền thông, PR…
Cơ sở lý luận báo chí là vấn đề lớn, phức tạp, thực tiễn hoạt động báo chí lại càng phức tạp hơn. Do vậy để thấm nhuần hết những kiến thức được truyền tải bởi tác giả, người giảng dạy cũng như người học cần trau dồi kiến thức và có trong mình một nền tảng vững chắc về nghiệp vụ báo chí để hành nghề một cách đúng đắn và chính trực.
Một trong những phần trọng tâm của cuốn giáo trình chính là chương "Nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí" bởi có những nguyên tắc được đặt ra nhất định nhà báo cần phải tuân thủ và mỗi góc nhìn của nhà báo đều phải là cái nhìn chân thật, khách quan nhất. Nguyên tắc tính Đảng là cơ sở và là phương hướng nhận thức, tính nhân văn và cũng là mục đích cao cả của hoạt động báo chí. Sản phẩm báo chí- truyền thông là sản phẩm thể hiện rõ nét nhất chân dung diện mạo, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp- văn hóa- nhân cách của người đứng đầu cơ quan báo chí. Do đó, việc tuân thủ theo tính Đảng trở thành nguyên tắc được quán triệt một cách có hiệu quả trong cơ sở lý luận báo chí ở nước ta.
Cuốn "Cơ sở lý luận báo chí" là một cuốn giáo trình cần thiết để giảng viên - sinh viên có thể nghiên cứu kĩ càng và tiếp thu một cách tối ưu bởi những kiến thức cô đọng, súc tích, dễ hiểu về nghiệp vụ báo chí. Cuốn sách có nguồn tài liệu tham khảo cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng tiếng Anh và tiếng Nga được tác giả đưa ra giúp mở rộng nguồn cung cấp tri thức cho người đọc.
Với những kiến thức và bài học sâu sắc, cuốn sách sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường trở thành nhà báo với những lý luận sắc bén, với cách truyền đạt quan điểm cá nhân, phản ánh sự thật một cách khách quan và chân thực nhất.
Bạn đọc có thể tìm đọc cuốn giáo trình này ngay tại thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc đọc online tại Thư viện số của Học viện.
Phản hồi