Danh mục Thứ Năm, 09/01/2025

Chuyên đề \

Cầu nối đưa lịch sử đến gần hơn với giới trẻ

20:54 03-01-2025
Trong thời đại số hóa, công nghệ không chỉ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối lịch sử với thế hệ trẻ. Từ các ứng dụng, phần mềm tương tác đến nền tảng mạng xã hội, công nghệ đang mở ra những cánh cửa mới, giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận những giá trị quá khứ một cách gần gũi hơn.

Việc đưa lịch sử - vốn được xem là khô khan - đến gần hơn với giới trẻ ngày nay là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, chính thế hệ này lại là những người gắn bó chặt chẽ với các nền tảng công nghệ hiện đại, mở ra những khả năng mới để giải quyết bài toán đó. Do vậy, sự kết hợp giữa công nghệ và cách truyền tải sáng tạo đang mở ra những hướng đi mới đầy hứa hẹn.

Những năm gần đây, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cùng các bảo tàng và tổ chức giáo dục đã không ngừng đổi mới, cho ra đời nhiều dự án độc đáo. Từ việc sử dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) đến ứng dụng đa phương tiện, những dự án này không chỉ làm sống dậy các giá trị lịch sử mà còn khơi dậy niềm yêu thích, sự tò mò trong lòng thế hệ trẻ. Lịch sử nhờ đó không còn là những dòng chữ khô cứng trong sách vở mà trở thành câu chuyện sống động, giàu sức hút trên hành trình khám phá văn hóa dân tộc.

Tiêu biểu trong các cơ quan báo chí có Báo Nhân Dân, tờ báo Đảng luôn đồng hành cùng những sự kiện lớn của đất nước, đã ghi dấu ấn bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong truyền tải lịch sử và quảng bá các sản phẩm mang đậm dấu ấn dân tộc. Và để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bức tranh panorama cùng tên đã ra đời, không chỉ là một sự kiện tưởng nhớ mà còn là một công cụ giáo dục tích hợp công nghệ đầy ý nghĩa.

Điểm đặc biệt của bức tranh là tích hợp mã QR cho phép người xem có thể quét để khám phá hình ảnh động tái hiện lại diễn biến 56 ngày đêm chiến đấu hào hùng của dân tộc. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, sản phẩm này đã mang lịch sử đến gần hơn với công chúng, tăng sự hấp dẫn trong việc lưu giữ và lan tỏa giá trị truyền thống.

Tác phẩm panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” vinh dự nhận hai giải thưởng quốc tế tại Vienna và Singapore. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) 

Tại triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh” ngày 18/12 vừa qua, Báo Nhân Dân đã tiếp tục phát huy hiệu quả của công nghệ hiện đại. Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, nếu mạnh dạn đổi mới và áp dụng truyền thông sáng tạo, các giá trị truyền thống và lịch sử sẽ trở nên gần gũi, dễ dàng tiếp cận với thế hệ trẻ”.

Triển lãm đã mang đến những trải nghiệm thú vị với bản đồ Việt Nam và standee về các chiến dịch lịch sử được trưng bày ngay tại sân trụ sở báo. Mỗi hiện vật đều được tích hợp mã QR, cho phép người tham dự dễ dàng tra cứu thêm thông tin và hình ảnh trực quan bằng thiết bị cá nhân. Đặc biệt, khu vực bản đồ còn bố trí máy nghe thuyết minh tự động, giúp khách tham quan có trải nghiệm toàn diện và sinh động hơn.

Đến với lễ khai mạc triển lãm, các bạn nhỏ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động tương tác, sử dụng thiết bị của triển lãm để nghe thuyết minh về các chiến dịch lịch sử. (Ảnh: Thùy Linh) 

Không chỉ các cơ quan báo chí đại diện là Báo Nhân Dân, nhiều thiết chế văn hóa, đặc biệt là các bảo tàng cũng nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ trong việc kết nối lịch sử đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã trở thành một “địa chỉ đỏ” thu hút thế hệ trẻ đến tìm hiểu và tiếp thu những giá trị lịch sử. Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ rằng bảo tàng đang ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, phổ biến tại các bảo tàng quốc tế nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách. Nổi bật là hệ thống sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, thuyết minh tự động và mã QR tra cứu hiện vật, mang lại cách tiếp cận thông tin trực quan, sinh động góp phần nâng cao khả năng tiếp nhận của công chúng.

Sức hấp dẫn của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ đến từ trữ lượng di vật lịch sử phong phú mà còn từ sự đầu tư công phu vào lĩnh vực công nghệ. (Ảnh: Nguyễn Dương) 

Khi ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự, các bạn trẻ còn có cơ hội trải nghiệm cách thức lưu giữ giá trị lịch sử độc đáo thông qua công nghệ VR360 trên ứng dụng YooLife. Đây là công nghệ được phát triển bởi ông Nguyễn Mạnh Tùng - Nhà sáng lập nền tảng số mở YooLife AIoT Platform, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh 360 độ toàn cảnh, được liên kết thành một hành trình tham quan ảo đem đến cho người xem những cảm nhận trực quan và sống động về không gian, cảnh quan tại bảo tàng.

Giao diện tính năng ảo hóa không gian VR360 trên ứng dụng YooLife. Với hình ảnh 360 độ và khả năng tương tác trực tiếp, người xem sẽ có trải nghiệm chân thực như đang tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dù họ đang ở bất cứ nơi đâu. (Ảnh: Thùy Linh) 

Bạn Hoàng Dương (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Dù đang theo học chuyên ngành về kinh tế, mình vẫn luôn yêu thích văn hóa và lịch sử dân tộc. Khi nghe tin Bảo tàng Lịch sử Quân sự mở cửa trở lại, mình đã đến từ sớm và dùng ứng dụng YooLife để chụp ảnh VR360, vừa làm kỷ niệm cho bản thân, vừa chia sẻ với bạn bè ở xa”.

Từ những trang sử hào hùng của dân tộc, qua lăng kính của công nghệ hiện đại, lịch sử đang dần trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết với giới trẻ. Đây chính là tiền đề vững chắc để xây dựng một tương lai tươi sáng, nơi thế hệ trẻ không chỉ hiểu biết về lịch sử mà còn trân trọng và tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
 

Thùy Linh - Báo In K42

Phản hồi