Danh mục Thứ Năm, 09/01/2025

Chuyên đề \

Khi đời sống quân đội đến gần hơn với khán giả truyền hình

21:53 04-01-2025
Từ những trang sử hào hùng đến văn học, âm nhạc và phim ảnh, hình tượng mạnh mẽ, kiên trung bất khuất của người lính luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người con đất Việt. Khi thời đại truyền thông số phát triển, các chương trình truyền hình như “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Sao nhập ngũ”, “Quân khu số 1”...đã góp phần tiếp nối, lan tỏa giá trị truyền thống và kết nối thế hệ trẻ với lịch sử, tinh thần yêu nước.

Bộ đội “tinh-gọn-mạnh” 

Khi chương trình “Quân khu số 1” lên sóng truyền hình, người xem đã được chứng kiến những thao tác đẹp mắt của các chiến sĩ thuộc các quân khu khác nhau. Thông qua những trò chơi được chương trình tổ chức, các chiến sĩ thực hiện hàng loạt các nội dung huấn luyện cơ bản như lắp ráp súng AK, leo dây ngang, leo dây đứng, chạy qua các hàng cọc, nhảy hào, chui hào, bắn súng, ném lựu đạn…

Mãn nhãn với màn thi đấu phối hợp xe tăng và bộ binh tiến công tiêu diệt địch, phòng ngự trận địa của Quân khu 3 trong chương trình "Quân khu số 1". (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) 

Qua màn ảnh nhỏ, khán giả được thấy hình ảnh người chiến sĩ thoăn thoắt lắp ráp súng chỉ trong 15-20 giây; với bộ đồ hành quân gồm súng, đạn, xẻng nặng trịch vượt qua hàng loạt chướng ngại vật như tường cao 2,1m, đu dây dài 11m, nhảy qua hào rộng 2m, đi trên cầu độc mộc… khiến nhiều người phải bất ngờ và nể phục về thể lực, tốc độ của các chiến sĩ.

“Quân khu số 1” được Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất. Bảy quân khu và Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội cùng tham gia thi đấu để tìm ra quân khu tinh nhuệ nhất. Càng tiến vào sâu, các thử thách sẽ ngày càng nâng cao với những khí tài như xe tăng, pháo... được tăng cường. Các chiến sĩ phải đối mặt với phần chơi xây dựng dựa trên các trận đánh đi vào lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, trên những địa hình đa dạng được thiết kế mô phỏng theo các khu vực tác chiến trong thực tế.

Với quy mô và định dạng của chương trình, Quân khu số 1 là tín hiệu mới nhất cho thấy môi trường quân đội ngày càng đến gần hơn với công chúng. Lần đầu tiên, người xem thấy được những bài tập khắc nghiệt dành cho người lính diễn ra trên thao trường có quy mô lớn (rộng 133m, dài 400m). Cuộc so tài giữa các chiến sĩ giỏi nhất thuộc các binh chủng: Hóa học, thông tin, pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công và công binh của bảy quân khu. 

Những chiến sĩ tham gia chương trình không chỉ cần sức mạnh thể chất mà còn phải có trí tuệ nhạy bén và khả năng ứng biến linh hoạt trước mọi tình huống. Từng bài tập như leo tường, vượt hào hay bắn súng đều là cơ hội để rèn luyện kỷ luật, sự chính xác và lòng dũng cảm – những giá trị nền tảng tạo nên bản lĩnh của người lính trong quân đội. Ý chí thép của người lính khiến người xem cảm nhận rõ sự hy sinh thầm lặng và tinh thần bất khuất, khơi dậy lòng kính trọng và niềm tự hào của người trẻ đối với những người bảo vệ tổ quốc.

Gần hơn với môi trường quân đội

Sao nhập ngũ 2024 “Không khoan nhượng” đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc trong môi trường quân đội đầy thử thách. (Ảnh: Sao nhập ngũ - Viettel Media) 

Từ trước đến nay, với tính chất của quân đội, những gì thuộc về môi trường này thường khá xa lạ với công chúng, thậm chí còn được xem là “vùng cấm” với lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, trong những năm gần đây,  sự tham gia của lực lượng công an và bộ đội trong các chương trình truyền hình thực tế và gameshow đã dần thay đổi định kiến đó.

Đáng chú ý nhất là chương trình truyền hình thực tế Sao nhập ngũ ra mắt năm 2017 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả về đời sống quân ngũ. Thông qua các buổi huấn luyện mà các nghệ sĩ “nhập vai” như những quân nhân thực thụ, cuộc sống của những người lính bộ đội cụ Hồ lần đầu tiên được phác họa sinh động và rõ nét hơn bao giờ hết. Trong đó, mọi hoạt động từ huấn luyện đến sinh hoạt đời thường đều diễn ra trong khuôn khổ kỷ luật nghiêm ngặt. 

Tiếp nối thành công của Sao nhập ngũ, năm 2019, chương trình Mỹ nhân hành động ra đời đưa khán giả khám phá đời sống và công việc hằng ngày của các chiến sĩ công an nhân dân. Thông qua các thử thách dành cho nghệ sĩ như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, thoát hiểm, thực chiến... chương trình mang đến góc nhìn chân thực và hấp dẫn về nhiệm vụ cao cả của lực lượng này.

Bên cạnh đó, sự thành công của 15 mùa “Chúng tôi là chiến sĩ” đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, cho thấy các chương trình truyền hình không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho lực lượng chiến sĩ, mà còn góp phần tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách, chủ trương để khán giả nắm bắt và tin tưởng vào lực lượng quân đội. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chỉ đạo tại Hội nghị rút kinh nghiệm chương trình “Chúng tôi - Chiến sĩ” - Phiên bản “Quân khu số 1”: “Phiên bản “Quân khu số 1” luôn là một trong những chương trình có số lượng người xem cao nhất của Đài Truyền hình Việt Nam. Quá trình xây dựng kế hoạch, thống nhất nội dung kịch bản, triển khai kế hoạch luyện tập, tổ chức ghi hình, phát sóng, bảo đảm đúng kế hoạch; từng phần chơi và tất cả các chương trình luôn giữ vững định hướng tư tưởng, mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, sát với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động, không để xảy ra sai phạm.”

Sự xuất hiện của lực lượng vũ trang trong các chương trình truyền hình thực tế đã mở ra một cách tiếp cận mới, gần gũi và nhân văn hơn, giúp công chúng có cái nhìn sâu sắc về đời sống và nhiệm vụ của những người lính. Không chỉ đơn thuần là những chương trình giải trí, các sản phẩm này còn mang ý nghĩa truyền tải giá trị văn hóa, tinh thần kỷ luật và ý chí kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khánh Linh - Báo In K42

Phản hồi