Danh mục Thứ Năm, 09/01/2025

Chuyên đề \

“Mưa đỏ”: Bộ phim lịch sử tái hiện cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

19:06 01-01-2025
Bộ phim điện ảnh “Mưa đỏ” là một dự án nghệ thuật quy mô lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) do đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 2025. Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, “Mưa đỏ” tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời khắc họa tinh thần hòa giải, khát vọng hòa bình và sự hy sinh cao cả.

Tái hiện lịch sử, khắc họa khát vọng hòa bình dân tộc

Với mục tiêu tôn vinh sự hy sinh của thế hệ đi trước và truyền tải thông điệp nhân văn về hòa giải dân tộc, “Mưa đỏ” là sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử và nghệ thuật, mang đến một góc nhìn mới mẻ về chiến tranh cách mạng. 

Bộ phim “Mưa đỏ” tái hiện lại cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hào hùng của dân tộc. (Ảnh: Tư liệu) 

Bộ phim “Mưa đỏ” đưa khán giả trở về mùa hè năm 1972, khi Thành cổ Quảng Trị trở thành chứng nhân của 81 ngày đêm khốc liệt, nơi quân dân Việt Nam chiến đấu không ngừng nghỉ để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trận chiến ngoài mang ý nghĩa quân sự còn trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đội ngũ sản xuất phim mong muốn thông qua những thước phim chân thực, “Mưa đỏ” có thể khắc họa hình ảnh những người lính trẻ, dũng cảm đối mặt với mưa bom bão đạn từ kẻ  và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng. Bởi họ không chỉ là những chiến sĩ trên chiến trường mà còn là những người con đầy tình cảm, mang theo niềm tin vào gia đình, tình yêu đôi lứa và khát vọng sống mạnh mẽ.

Bên cạnh những trận chiến ác liệt, “Mưa đỏ” còn tái hiện cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris. Trên bàn đàm phán, các nhà ngoại giao Việt Nam thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của một dân tộc kiên cường để vạch trần tội ác mà kẻ thù gây ra. Bộ phim muốn chứng minh cho khán giả thấy được sự đồng điệu giữa chiến trường và trên bàn đàm phán trong hành trình giải phóng dân tộc, nơi thử thách sự dũng cảm và lòng kiên trì của những người lính, là mặt trận đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và trí tuệ.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của “Mưa đỏ” chính là cách bộ phim khai thác sâu tinh thần hòa giải dân tộc – một khía cạnh mới mẻ trong dòng phim lịch sử Việt Nam. Thay vì chỉ tập trung vào sự khốc liệt của chiến tranh, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã chọn đặt con người làm trung tâm. Các nhân vật trong phim vừa là những chiến sĩ kiên cường trên chiến trường vừa là những con người mang theo tình yêu, khát vọng hòa bình, và niềm tin mãnh liệt vào sự hòa hợp giữa các bên.

“Mưa đỏ” truyền tải thông điệp sâu sắc về khát vọng hoà bình và tinh thần hòa giải dân tộc. (Ảnh: Tư liệu) 

Khác với các tác phẩm điện ảnh như Mùi cỏ cháy (2012) vốn tập trung vào nỗi đau chiến tranh và tinh thần đồng đội, hay Sống cùng lịch sử (2014) mang tính giáo dục lịch sử cao, “Mưa đỏ” chọn lối đi riêng khi đào sâu vào cảm xúc cá nhân của các nhân vật. Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, bộ phim sẽ thể hiện tinh thần hòa hợp qua cách các nhân vật đối mặt với chiến tranh. Từng tình tiết về tình cảm gia đình, tình đồng đội và tình yêu đôi lứa hứa hẹn được khắc họa chân thực, góp phần truyền tải thông điệp nhân văn về sự kết nối và hòa giải, ngay cả trong bối cảnh tàn khốc của chiến tranh.

Điểm đặc biệt trong cách khai thác đề tài chiến tranh của “Mưa đỏ” chính là việc xây dựng các nhân vật đa chiều, vượt ra khỏi hình ảnh "anh hùng" đơn thuần thường thấy. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những mâu thuẫn nội tâm, những trăn trở về lý tưởng, tình cảm và cả nỗi sợ hãi giữa chiến tranh. Đây là một cách tiếp cận mới mẻ, tạo chiều sâu cảm xúc và sự chân thực cho các nhân vật, đồng thời truyền tải thông điệp về tính nhân văn trong chiến tranh.

Tuy nhiên, việc thể hiện khía cạnh nội tâm này đòi hỏi biên kịch và đạo diễn phải thật khéo léo, nhằm đảm bảo không làm mất đi tinh thần chính nghĩa – đặc trưng của dòng phim cách mạng Việt Nam. Anh Mai Văn Linh, phụ trách quay phim của “Mưa đỏ” chia sẻ: “Trong quá trình quay phim, tôi đã nhiều lần cảm thấy sởn gai ốc trước những đoạn thoại đầy cảm xúc của các nhân vật. Thậm chí, dù chỉ đứng ngay sau máy quay, tôi vẫn không kìm được nước mắt ở những phân đoạn xúc động. Không chỉ riêng tôi, mà cả ê-kíp trong cảnh quay cũng có những khoảnh khắc lặng người vì cảm động”.

Và có lẽ, sự đầu tư vào chiều sâu nhân vật không chỉ làm tăng tính thuyết phục cho bộ phim mà còn giúp khán giả cảm nhận rõ hơn những giá trị về tình người, sự hy sinh và khát vọng hòa bình trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. “Mưa đỏ” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là một câu chuyện đầy xúc cảm về con người trong những thời khắc lịch sử bi tráng.

Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng

Bộ phim Mưa đỏ là một trong những dự án điện ảnh được đầu tư công phu nhất từ trước đến nay của Điện ảnh Quân đội Nhân dân (QĐND), đánh dấu bước tiến lớn về quy mô và chất lượng trong dòng phim lịch sử cách mạng. Đoàn làm phim đã mất nhiều năm chuẩn bị, khảo sát hơn 10 tỉnh, thành phố để chọn địa điểm phù hợp, đồng thời xây dựng phim trường chính tại Quảng Trị với diện tích gần 50ha. Đây là lần đầu tiên Điện ảnh QĐND phục dựng một phim trường lớn đến vậy, tái hiện sống động và chân thực không khí khốc liệt của chiến trường Thành cổ.

Bối cảnh phim trường với quy mô lớn mang đến hiệu ứng sống động về chiến trường Thành cổ. (Ảnh: Tư liệu) 

Mỗi chi tiết trong bộ phim đều được chăm chút tỉ mỉ, từ những hố bom, tường thành đổ nát, chiến hào đẫm máu và bùn đất, đến khói lửa, tiếng súng và ánh sáng le lói trong hầm trú ẩn. Điện ảnh QĐND đã huy động sự phối hợp của nhiều quân binh chủng, sử dụng vũ khí, trang bị và phương tiện quân sự phù hợp với thời kỳ. Dự án cũng quy tụ hàng nghìn nhân sự, với sự góp mặt của các chuyên gia kỹ thuật, cố vấn lịch sử cùng đội ngũ diễn viên đông đảo. 

 Phim trường được xây dựng chỉn chu với sự tham gia của đông đảo nhân sự đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. (Ảnh: Tư liệu)

Tuy nhiên, hành trình sản xuất bộ phim không hề dễ dàng. Một trong những thách thức lớn là đội ngũ nhân sự Điện ảnh QĐND còn hạn chế kinh nghiệm trong các dự án quy mô lớn. Thêm vào đó, kinh phí hạn hẹp và những thủ tục đấu thầu phức tạp cũng là rào cản không nhỏ. Dẫu vậy, với sự quyết tâm của cả ê-kíp, Mưa đỏ đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành một tác phẩm mang giá trị lịch sử sâu sắc, chạm đến trái tim người xem.

Hơn nữa, việc tái hiện chính xác bối cảnh lịch sử, trang phục và đạo cụ chiến tranh cũng rất quan trọng khi sản xuất bộ phim “Mưa đỏ”. Đoàn làm phim đã đầu tư kỹ lưỡng và tỉ mỉ, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia về trang phục, vũ khí và đạo cụ của thời kỳ bởi đây không đơn giản là yêu cầu về thẩm mỹ điện ảnh mà còn là trách nhiệm trong việc tái hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Từng chi tiết trong phim, từ màu sắc của bộ quân phục, hình dáng vũ khí, đến các vật dụng thường ngày của những năm chiến tranh phải được chăm chút cẩn trọng. Đoàn phim nhận thức rõ rằng bất kỳ sự sai lệch nào, dù nhỏ, cũng có thể làm mất đi tính chính xác và gây hiểu lầm về lịch sử. Chính sự tỉ mỉ này mới có thể tạo nên một “Mưa đỏ” không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là một cuốn biên niên sử sống động, tôn vinh những hy sinh của con người trong lịch sử Việt Nam.

Bộ phim “Mưa đỏ” dự kiến có thời lượng từ 110 đến 120 phút. Quá trình sản xuất kéo dài từ tháng 4/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025. Với thời gian chuẩn bị và thực hiện công phu như vậy, bộ phim hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả một tác phẩm đầy cảm xúc và chứa đựng giá trị lịch sử sâu sắc, thể hiện tinh thần hòa giải và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Lê Hương Giang - Báo In K42

Phản hồi