Quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong quá trình giáo dục, đào tạo; thời gian qua, các trường quân đội đã có nhiều đổi mới tích cực, toàn diện, từ đó phục vụ cho những yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới của đất nước. Việc sáng tạo giáo dục trong quân đội đang trở thành một điểm nhấn quan trọng. Đặc biệt, điều này không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ hiện đại mà còn yêu cầu một tư duy sáng tạo đồng bộ trong phương pháp giảng dạy, chiến thuật và sự phát triển phẩm chất cá nhân của các chiến sĩ, học viên.
Chia sẻ về việc đẩy mạnh sự sáng tạo trong giáo dục quân đội, nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục quân đội đã đưa ra những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Đại tá Đoàn Quyết Thắng, Phó khoa Công tác Đảng, công tác Chính trị, Học viện Hậu Cần cho biết, giáo dục đào tạo nói chung luôn gắn liền với vấn đề phát triển, phẩm chất và năng lực của con người. Sự sáng tạo về giáo dục trong quân đội đều có phương châm là chất lượng đào tạo hướng đến nâng cao khả năng chiến đấu. Theo ông, sự sáng tạo trong giáo dục thể hiện ở rất nhiều mặt, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là học viên phải sáng tạo trong quá trình tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu.
Đại tá Đoàn Quyết Thắng nhấn mạnh, nguồn gốc của sự sáng tạo nằm ở việc hiểu và vận dụng các lý thuyết linh hoạt. Điều này giúp các học viên có thể áp dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn sau khi kết thúc chương trình đào tạo tại các trường quân đội. Sáng tạo trong đào tạo quân đội không chỉ là một yếu tố phụ trợ mà đã trở thành nền tảng để xây dựng năng lực thực tiễn cho học viên. Trong môi trường quân sự, sự linh hoạt trong tư duy và khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tế là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả công việc và khả năng thích nghi với các tình huống phức tạp.
Các trường quân đội hiện nay không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn đóng vai trò như “phòng thí nghiệm” để học viên thực hành tư duy sáng tạo. Hơn thế nữa, tính sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các tình huống bất ngờ mà còn giúp học viên phát triển khả năng dự đoán, phân tích và lập kế hoạch chiến lược. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quân sự hiện đại, nơi các mối đe dọa và thách thức ngày càng trở nên khó lường và đòi hỏi sự ứng biến nhanh nhạy. Đặt trọng tâm vào sáng tạo trong đào tạo không chỉ giúp xây dựng một đội ngũ sĩ quan và binh sĩ chuyên nghiệp mà còn tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân, đóng góp vào sự hiện đại hóa và nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng quân đội.
Trong khi đó, có ý kiến bổ sung cho rằng trong thời đại số, các yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo trong môi trường giáo dục quân đội gồm có 3 yếu tố chính là: công nghệ hiện đại, nhu cầu thực tiễn và sự thay đổi tư duy giáo dục. Theo Đại uý, Thạc sĩ Lê Tuấn Anh, giảng viên công tác tại Bộ môn Văn - Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ - Tiếng Việt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), các cơ sở đào tạo của ngành quân đội hiện đã có nhiều chủ trương, biện pháp triển khai, thúc đẩy các phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao trong việc đào tạo quân nhân sáng tạo. Các phương pháp được triển khai như: mở rộng không gian thực hành, tăng cường tương tác và cá nhân hóa việc học khi ứng dụng các công nghệ hiện đại. Điều này có thể giúp các học viên trang bị được cho mình tư duy linh hoạt, nhanh chóng thích nghi được với những công nghệ mới và các tình huống thay đổi. Sự sáng tạo khi ứng dụng các công nghệ trong giáo dục quân đội giúp nâng cao khả năng phối hợp, cải thiện được hiệu quả làm việc nhóm trong bối cảnh hiện đại hóa quân sự.
Đại úy Lê Tuấn Anh khẳng định: “Chuyển đổi số là nội dung cơ bản giữ vai trò then chốt trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện nay, tại các trường quân đội cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) vào quá trình huấn luyện của chiến sĩ. Việc triển khai mô phỏng chiến trường bằng công nghệ thực tế ảo giúp chiến sĩ l nhanh chóng làm quen với các địa hình và điều kiện chiến đấu, tích hợp các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, tình huống khẩn cấp hay kẻ địch biến hóa, từ đó rút ngắn thời gian đào tạo và đảm bảo kiến thức quân sự”. Tuy nhiên, việc ứng dụng VR trong giáo dục quân đội chỉ được sử dụng như chương trình phụ dành cho các học viên, bởi việc huấn luyện trong môi trường, địa hình thực tế vẫn là yêu cầu chính để các học viên rèn luyện cũng như thích nghi một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác giảng dạy, đặc biệt trong việc phân tích tình huống chiến thuật và thiết kế các kịch bản huấn luyện cá nhân hóa. Thay vì các phương pháp giảng dạy truyền thống mang tính đồng nhất, AI cho phép giảng viên đánh giá cụ thể từng cá nhân, từ đó thiết kế các kịch bản huấn luyện phù hợp với năng lực và nhu cầu học tập riêng biệt. Sự đổi mới này vừa giúp học viên phát triển kỹ năng chiến thuật một cách toàn diện lại vừa tối ưu hóa quá trình tiếp thu kiến thức và kỹ năng thực tiễn. Việc tích hợp các khóa học trực tuyến (E-learning) với các nội dung phong phú cũng tạo điều kiện cho chiến sĩ học mọi lúc, mọi nơi.
Sáng tạo trong giáo dục quân đội không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tầm nhìn chiến lược để xây dựng thế hệ chiến sĩ trẻ ưu tú, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa tinh thông chuyên môn, kỹ năng hiện đại. Đó là con đường tất yếu để Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng tốt những yêu cầu mới của thời đại, đồng thời tiếp tục giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với sự quan tâm và chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, giáo dục quân đội sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự trưởng thành toàn diện của lực lượng vũ trang.
Phản hồi