Từ những thiên anh hùng ca cổ đại đến những trang viết đương đại, hình tượng người lính và chiến tranh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và Dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước…”. Quả thực, trong suốt thế kỷ 20, văn học nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần dân tộc, góp phần vào những thắng lợi lịch sử và sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Trong nhiều thập kỷ, giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã luôn sát cánh cùng nhân dân, tạo nên một di sản văn học nghệ thuật phong phú. Nếu văn học trung đại chủ yếu miêu tả những đoàn binh mang sức mạnh và vẻ đẹp của dân tộc, không khắc họa cụ thể hình tượng người lính, thì đến thời kỳ cách mạng, khi văn học phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến tranh và người lính đã trở thành đề tài chính, ghi dấu những thành tựu đáng kể, giúp văn học hoàn thành sứ mệnh của mình.
Đặc biệt, nhiều tên tuổi lớn đã hòa mình cùng dòng chảy cách mạng, tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, viết nên những tác phẩm bất hủ trong giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Sự ra đời của hàng loạt bài thơ do chính những người lính cầm súng sáng tác đã gây tiếng vang lớn trong lòng độc giả. Tiêu biểu như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, văn học Việt Nam đón nhận một lực lượng hùng hậu các nhà văn, nhà thơ trẻ từ cả hai miền Nam Bắc. Tại miền Nam, thơ ca của các tác giả như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Thu Bồn… được đông đảo công chúng yêu thích. Ở miền Bắc, nhiều giọng thơ mới mẻ xuất hiện như Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn… góp phần đưa thơ ca kháng chiến lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật… cũng ghi dấu ấn sâu sắc với nhiều tác phẩm nổi tiếng về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Giới văn nghệ sĩ đã thực sự hóa thân thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, luôn sát cánh cùng dân tộc, kịp thời phản ánh những chiến công vang dội. Chính nhờ đó, kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà đã được làm giàu thêm bởi vô số tác phẩm có giá trị.
Khi những nhà văn từng trực tiếp trải qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới dần lui về hậu trường, nhiều người từng lo ngại về nguy cơ “đứt gãy” trong mạch nguồn văn học cách mạng và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, thực tế sáng tác đã chứng minh ngược lại: đề tài chiến tranh cách mạng và người lính không chỉ tiếp tục duy trì sức sống mãnh liệt mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo những cây bút trẻ sinh ra và trưởng thành trong thời bình.
Thế hệ nhà văn 7X-9X, dù không có trải nghiệm cá nhân về chiến tranh nhưng họ đều đã mang đến một một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc cho đề tài cách mạng. Thay vì dừng lại ở việc tái hiện các trận đánh khốc liệt hay xây dựng nhân vật theo khuôn mẫu truyền thống, họ chọn khám phá những khía cạnh tinh tế, những nỗi niềm sâu lắng từ vị thế của người quan sát. Qua đó, chiến tranh không chỉ là những thước phim oanh liệt mà còn là những câu hỏi lớn về ý nghĩa của hy sinh, mất mát và giá trị hòa bình. Luồng gió mới mà thế hệ nhà văn này mang lại đã góp phần khẳng định sức hấp dẫn lâu dài của đề tài chiến tranh cách mạng, đồng thời tạo nên sự kết nối xuyên thế hệ trong dòng chảy văn học dân tộc.
Minh chứng rõ ràng là sự xuất hiện của vô vàn tác phẩm từ các cây bút trẻ, bao gồm Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Phùng Văn Khai, Phùng Kim Trọng, Minh Moon…
Trong mảng văn xuôi, những tập bút ký như “Mùa tân binh” của Uông Triều, “Những giấc mơ biên thùy” của Ngô Tiến Mạnh hay các tập truyện ngắn “Chuyện lính” của Nguyễn Đình Tú, “Khúc dạo đầu của binh nhì” của Phùng Văn Khai - Phùng Kim Trọng… đã mang đến cho độc giả cái nhìn toàn diện về đời sống của người chiến sĩ trong quân đội thời bình. Các tác phẩm tái hiện chân thực quá trình rèn luyện, học tập, sinh hoạt thường ngày cũng như khắc họa rõ nét đời sống tình cảm phong phú của những con người đang ngày đêm đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nếu như các đề tài về kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trở thành mạch nguồn quen thuộc trong văn học, thì thế hệ nhà văn trẻ hôm nay lại mạnh dạn mở rộng biên độ sáng tác của mình. Họ dấn thân vào những mảng đề tài ít được khai thác hơn nhưng cũng đầy thách thức, như chiến tranh biên giới Tây Nam qua các tác phẩm “Hoang tâm” (Nguyễn Đình Tú), “Hạt hòa bình” (Minh Moon), hay cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc với tiểu thuyết “Xác phàm” (Nguyễn Đình Tú). Những nỗ lực sáng tạo này làm phong phú thêm dòng văn học cách mạng và mở ra những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về các giai đoạn lịch sử ít được chú ý.
Đề tài văn học nghệ thuật về người lính và chiến tranh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước và bồi đắp tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ. Những tác phẩm thuộc mảng đề tài này không chỉ tái hiện những trang sử hào hùng mà còn khắc họa sống động hình ảnh người lính với những phẩm chất cao đẹp: lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tình đồng chí keo sơn, và trên hết là tình yêu quê hương đất nước thiết tha.
Thạc sĩ Đinh Thị Đài Trang, giáo viên bộ môn Ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An (Thị xã Chũ, Bắc Giang) cho biết, những khó khăn và thách thức khi giảng dạy về đề tài chiến tranh cho học sinh là một vấn đề rất thực tế. Cô Trang chia sẻ: “Phần lớn giáo viên chúng tôi sinh ra và trưởng thành trong thời bình, chưa từng trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh khiến việc khơi gợi cảm xúc và sự đồng cảm từ học sinh trở nên không dễ dàng”.
Không chỉ vậy, trong thời đại công nghệ số, khi học sinh dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin toàn cầu, mối quan tâm dành cho lịch sử và văn học truyền thống có phần giảm sút. Dẫu vậy, cô Trang luôn tâm niệm rằng những áng văn chương về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vẫn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để nuôi dưỡng ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giáo dục, cô Trang luôn nỗ lực giúp học sinh hiểu được ý nghĩa sâu sắc của các tác phẩm văn học viết về lòng yêu nước và tinh thần quả cảm. Từ những áng văn chương trung đại như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” đến “Tuyên ngôn độc lập” trong thời kỳ cận đại, mỗi tác phẩm là một dấu son trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, dòng văn học cách mạng sau này, với những vần thơ hào sảng của Tố Hữu đã tiếp lửa lý tưởng cho bao thế hệ thanh niên, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy kiến thức, cô Trang còn cố gắng biến mỗi tiết học thành một hành trình cảm xúc để các thế hệ học sinh có thể cảm nhận sâu sắc tinh thần quả cảm và lòng yêu nước của cha ông. “Tôi muốn các em đọc hiểu và phải sống cùng những giá trị văn học ấy, trân trọng quá khứ để biết gìn giữ hòa bình và bản sắc dân tộc” cô bộc bạch.
Để làm được điều này, cô Trang đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, từ sử dụng công nghệ số đến tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh tiếp cận văn học một cách sinh động và gần gũi hơn. Những nỗ lực ấy không chỉ là trách nhiệm của một nhà giáo mà còn là tình yêu dành cho văn học, cho thế hệ trẻ và cho những giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam.
Nhìn chung, văn học nghệ thuật làm rất tốt vai trò tôn vinh những giá trị lịch sử nhằm góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng kiên cường và ý chí quyết tâm của dân tộc. Nhất là các tác phẩm viết về chiến tranh, từ những áng văn cổ điển đến những tác phẩm cách mạng hiện đại, đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ Đây chính là động lực để thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong một thời đại mới, nơi trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc luôn đồng hành cùng những nỗ lực vươn tới tương lai.
Thực hiện: Thùy Linh, Lê Hương Giang - Báo in K42