Danh mục Thứ Năm, 09/01/2025

Chuyên đề \

Rạng danh “chiếu chèo người lính”

18:58 01-01-2025
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Chèo Quân đội đã khẳng định vị thế là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, chính quy - “chiếu chèo” duy nhất của Quân đội. Với sứ mệnh gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống, Nhà hát không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà còn chiếm trọn tình cảm của khán giả cả nước, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc trong lòng công chúng.

Để đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong Tổng cục Cung cấp (TCCC), ngày 1-10-1954, Đội văn công thuộc Cục Chính trị (TCCT) - Tổng cục Cung cấp của QĐND Việt Nam được thành lập, tiền thân của Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần (TCHC) và nay là Nhà hát Chèo Quân đội. 

Đội Văn công TCCC được thành lập tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngày 1-10-1954. (Ảnh: Nhà hát chèo Quân đội) 

Với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, “lính chèo” đã có mặt trên khắp các binh trạm Trường Sơn và nhiều chiến trường, góp phần phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ đã theo sát bước chân người chiến lính, bám sát các nhiệm vụ chính trị, có mặt khắp hai miền Nam - Bắc để biểu diễn tuyên truyền, giáo dục đường lối văn hóa, quan điểm chính trị và quân sự của Đảng. Nhiều làn điệu và trích đoạn chèo truyền thống của Đoàn đã được biểu diễn trực tiếp tại mặt trận và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam như Trần Quốc Toản ra quân, Đường về trận địa, Lá thư tiền tuyến, Chuyến đò sông Mã, Anh lái xe và cô chống lầy… 

Những người “lính chèo” tiên phong mang lời ca tiếng hát đi phục vụ bộ đội, chiến sĩ khắp các binh trạm Trường Sơn. (Ảnh: Nhà hát chèo Quân đội)

Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà hát Chèo Quân đội vẫn luôn kiên định với những giá trị truyền thống và “chất chèo” cổ kết hợp với cách tân hiện đại. Có những thời điểm, việc biểu diễn theo loại hình sân khấu truyền thống gặp khó khăn, một số đoàn chèo phải chuyển đề tài hay thay đổi thủ pháp nghệ thuật theo hướng thương mại nhưng Nhà hát Chèo Quân đội vẫn giữ vững quan điểm, quyết tâm đi theo đường lối dân tộc - hiện đại mà Đảng đã đề ra. Từ nỗ lực đó, những vở diễn về đề tài dân gian, chiến tranh cách mạng của nhà hát đã để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ trong lòng khán giả Quân đội mà còn với nhân dân cả nước.

Điển hình có thể kể đến bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” gồm các vở “Lý Thánh Tông chọn người tài”, “Nhiếp chính Ỷ Lan”, “Lý Nhân Tông kế nghiệp”  được sưu tầm chỉnh lý và dàn dựng dưới bàn tay tài hoa của cố Đại tá, NSND Tào Mạt. Ngoài việc ca ngợi thành quả dựng nước, giữ nước của hai triều vua Lý, ba vở chèo này còn mượn những xung đột nội bộ của triều đình hay những mâu thuẫn tất yếu trong xã hội để đi sâu, khắc họa nhiều vấn đề mang tính thời đại. Kết hợp cùng nhiều làn điệu dân gian, sân khấu dàn dựng hoành tráng và đầy công phu, “Bài ca giữ nước” lúc bấy giờ trở thành bộ chèo “pho” đầu tiên, một hiện tượng “lạ và hiếm” trong làng chèo Việt Nam những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ XX. 

Nghệ sĩ Đào Văn Lê và nghệ sĩ Thu Hòa trong vở “Lý Nhân Tông kế nghiệp” - tác phẩm đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985. (Ảnh: Nhà hát Chèo Quân đội)

Theo cố PGS.TS. Trần Trí Trắc, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: “70 mùa xuân đã qua, dù đã nhiều lần “thay da đổi thịt” với nhiều tổn thất hy sinh, “chiếu chèo chiến sĩ” vẫn luôn luôn chớp nhanh cái thần của thời đại và dân gian để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Tổng cục Chính trị giao phó”.

Thông qua các vở diễn với nội dung đậm chất cách mạng và tinh thần yêu nước,  ca ngợi lý tưởng cao đẹp, lòng trung thành và ý chí kiên cường của người bộ đội Cụ Hồ, những câu chuyện đã được xây dựng khéo léo để tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình yêu thiêng liêng đối với quê hương, khát vọng bảo vệ tổ quốc. “Chiếu chèo lính đã tự xác lập cho mình một dáng đứng độc đáo, đậm chất bộ đội Cụ Hồ trong làng chèo”, nghệ sĩ Duy Chèo, Nhà hát chèo Quân đội chia sẻ. 

Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Quân đội tiếp tục phát huy tốt truyền thống của đơn vị nghệ thuật hàng đầu, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, tổ chức dàn dựng nhiều tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật cao. Cùng với đó, Ðoàn đã cộng tác với các tác giả kịch bản và đạo diễn trong và ngoài Quân đội, tổ chức tọa đàm, đi thực tế, đặt hàng, thẩm định... nhằm xây dựng nhiều vở diễn mới có chất lượng, được dư luận đánh giá cao. 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, Nhà hát Chèo Quân đội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cơ quan trong và ngoài Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương bảo vệ tổ quốc hạng Nhì, Ba cùng nhiều cờ thưởng của Bộ Quốc phòng, TCCT, TCHC và các đơn vị khác. Bên cạnh đó, nhiều vở diễn của Nhà hát cũng đã đoạt được các giải thưởng lớn trong các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. 

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCNVN) tặng cờ cho Nhà hát Chèo Quân đội và các đơn vị xuất sắc trong phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2023. (Ảnh: Nhà hát Chèo Quân đội) 

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện tốt đường lối của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nhà hát Chèo Quân đội không ngừng nỗ lực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ sĩ Duy Chèo cho biết, các văn nghệ sĩ của đơn vị luôn tâm huyết nghiên cứu, gìn giữ và tôn vinh tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Biến “chiếu chèo lính” thành nhịp cầu vững chắc kết nối văn hóa dân gian với nhịp sống đương đại, giúp nâng cao đời sống tinh thần và hun đúc sức mạnh nội sinh của quân đội và nhân dân.

Trần Nguyễn Hà Giang - Báo in K42

Phản hồi