Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

AJCer \

GenZ trường báo và hành trình gần 10 năm sống thật với bản thân

22:35 24-05-2022
Tình yêu chớm nở từ cấp 1 nhưng là người cùng giới nên Phạm Quốc Cường nhận ra mình có chút khác biệt về giới tính. Với sự ủng hộ của bạn bè, hành trình come-out (công khai giới tính thật) của Cường bắt đầu.

 

Phạm Quốc Cường và hành trình sống thật sau 10 năm. (ANVCC). 

“Mình cũng có ham muốn được sống với chính mình chứ…”

Trò chuyện với Quốc Cường (cậu sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến từ Phú Thọ), chúng tôi thấu hiểu tâm trạng của cậu từ những năm về trước. Cường xúc động kể lại: “Trước khi come-out mình đã trải qua vô vàn chỉ trích, kỳ thị từ mọi người xung quanh”.

Trong suốt thời tiểu học, Cường nhận ra bản thân có sự khác biệt so với những bạn cùng lớp. Cường chỉ thích chơi với bạn nữ, ngại ngùng trước bạn nam. Nhiều lần Quốc Cường tự hỏi bản thân rằng: Liệu mình có bị bệnh không? Với một câu hỏi trong khi bản thân không thể tìm được câu trả lời làm Cường luôn đắn đo suy nghĩ. 

Lớp 7, Cường nhận ra con tim mình loạn nhịp mỗi khi chạm ánh mắt một bạn nam trong trường. Ham học hỏi, tìm kiếm cái mới nên Cường đã nhận ra mình thuộc cộng đồng LGBT (thuật ngữ mô tả xu hướng tình dục của những người có cùng giới tính, yêu người cùng giới). Dần dần, Cường đón nhận giới tính thật của bản thân. Nhưng cậu không dám công khai giới tính thật với gia đình, bạn bè. 

Quốc Cường nhớ lại: “Thời gian đầu rất khó khăn khi nhận ra mình thích bạn ý. Mình rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ hãi. Thường những gì mới lạ mọi người sẽ dồn nó vào thái độ tiêu cực. Tuy nhiên, đó cũng là trải nghiệm đầu tiên giúp mình trở về với con người thật của mình”.

“Đây là gì? Mày có phải đi khám không?”, đó là câu nói của mẹ nói với Cường khi nhìn thấy hình ảnh người đồng tính trong màn hình điện thoại của con trai. Mặc dù đã tìm hiểu thông tin về LGBT trước đó nhưng bỗng dưng câu nói của mẹ khiến Quốc Cường suy nghĩ “Ồ, nó có phải là một loại bệnh không ta? Mình có phải đang bị bệnh không?”. Lại một lần nữa Phạm Quốc Cường rơi vào trầm tư. 

Cứ thế, trầm tư vẫn tiếp tục theo đuổi Phạm Quốc Cường. Điển hình năm lớp 10, một quy tắc “có một không hai” của lớp dành cho Cường. Đó là Phạm Quốc Cường đến lớp không được mặc chiếc áo màu tím. 

“Mình không nghĩ mình mặc chiếc áo màu tím đến trường gây ảnh hưởng quá nhiều cho mọi người. Mình rất buồn vì đó là chiếc áo yêu thích của mình. Mỗi lần thấy mặc chiếc áo ấy cô giáo lại nhìn mình bằng ánh mắt rất kỳ thị”, Quốc Cường giãi bày. 

Để tránh ảnh hưởng đến mọi người, tránh những buổi học không vui vẻ giữa giáo viên và học sinh Phạm Quốc Cường phải hạ mình xuống. Mặc dù Cường cảm thấy việc mặc áo tím không quá đáng lắm. 

Từ khi nhận ra mình thuộc cộng đồng LGBT, Quốc Cường cố gắng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân, đặc biệt kiến thức về LGBT. Cường nhận ra, đó không phải là một loại bệnh như mẹ nói. 

“Quãng thời gian khẳng định chính mình, mình cảm thấy sự thay đổi về cơ thể, cách ăn nói. Vô tình điều đó khiến mọi người chỉ trỏ, bàn tán. Những câu nói: Ôi bê-đê kìa chúng mày!, nhìn kìa!... khiến mình rất tủi thân. Không chỉ được thể hiện tính cách thật trong cộng đồng LGBT mà mình cũng có ham muốn được sống với chính mình chứ”, Quốc Cường vừa tâm sự vừa lau nước mắt.

Quyết định come-out sau gần 10 năm   

Bảy năm kể từ khi nhận ra giới tính thật, Cường chọn come-out với bạn bè bởi cậu nghĩ họ có cái nhìn thoáng hơn. Tuy nhiên Cường chỉ nhận thái độ tiêu cực. May mắn thay, bên cạnh những người không chấp nhận, kỳ thị vẫn còn người hiểu và thông cảm cho cậu. Chính họ đã tiếp thêm động lực cho Cường để cậu come-out với mẹ. 

Việc khiến Quốc Cường đau đầu nhất lúc này là làm sao để mẹ hiểu cho mình. Tuy nhiên, vẫn chưa có một động lực đủ lớn để cậu thổ lộ với mẹ. 
Bên cạnh việc nói thẳng, Cường bắt đầu làm việc nhiều hơn, hoạt động cộng đồng nhiều hơn để chứng minh mẹ và những người xung quanh thấy con mình giao lưu học hỏi, làm được việc có ích cho xã hội. 

Cơ hội công khai giới tính thật của Cường đã đến. Đó là khi cậu dẫn bạn trai về nhà, vô tình có cử chỉ thân mật. Mặc dù mẹ nhìn thấy nhưng không hề nói gì còn giữ một thái độ vui vẻ. Cường rất vui và thấy đây thời điểm thích hợp nói với mẹ điều cậu luôn thầm giấu kín.

Cường nhớ như in buổi tối đó. Mẹ cắt móng tay cho Cường, cậu mượn cớ hỏi mẹ: “Nếu sau này con là con gái mẹ còn thương con nữa không?”. 

Cậu sinh viên chia sẻ với chúng tôi: “Không biết vì sao mình lại nói câu đó với mẹ. Lúc đầu mình chuẩn bị nhiều câu lắm. Mình định giải thích cho mẹ LGBT là như thế này, người đồng tính nam là như thế này… nhưng thời điểm đó mình chỉ biết nói ra câu đó”.

Sau đó mẹ Cường im lặng. Mất khoảng 2 ngày hai mẹ con không nói chuyện với nhau. Nóng lòng, Phạm Quốc Cường nghiêm túc nói với mẹ: “Con muốn làm 1 đứa con gái”. “Ừ, mày là con gái hay con trai trai tao vẫn yêu mày”, mẹ trả lời Cường. Chẳng hiểu sao khi nghe câu nói của mẹ Cường càng quyết tâm cố gắng nhiều hơn để mẹ tự hào. 

“Mình có đăng ảnh mình trên Facebook, mẹ có xem và tự hào khoe với mọi người. Mỗi khi khách đến nhà khen: thằng cu này lớn nhỉ, thằng cu này học lớp mấy... mẹ lại bảo “Nó là con gái rượu của tôi đó”. 

Mình vui trong lòng nhiều lắm vì biết rằng mẹ đang dần cởi mở hơn với mình nhưng mình vẫn biết mẹ rất buồn vì vẫn có những người kỳ thị con mình”, Cường kể. 

Phạm Quốc Cường hạnh phúc khi được sống thật với bản thân. (ANVCC).

Sau khi công khai, Cường hoạt động trong cộng đồng LGBT nhiều hơn. Năm 2016, Cộng đồng LGBT Phú Thọ vừa mới xuất hiện, Phạm Quốc Cường năng nổ tham gia. Hiện tại, Cường đang cộng tác với chức vụ điều phối viên Truyền thông của Cộng đồng LGBT Phú Thọ. Thông qua đó, Cường có cơ hội khám phá nhiều kiến thức hay. Đồng thời, Cường mong muốn có thể giúp đỡ nhiều trường hợp giống mình để họ có thêm động lực công khai, được sống là chính mình. 

Bước chân lên thủ đô, cậu sinh viên năm nhất trường Báo luôn cố gắng trong học tập, tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa mong muốn lan tỏa đến mọi người năng lượng tích cực hơn. Bởi với Cường, cậu có một sứ mệnh cao cả là giúp mọi người thay đổi suy nghĩ, có cái nhìn thoáng hơn về cộng đồng LGBT.
 

Hồng Hải, Ngọc Anh, Lê Thương

Phản hồi