Trong hai ngày (26 và 27/10), Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức chuyến đi Thực tế chính trị cho lớp Truyền thông đa phương tiện k38 tại tỉnh Quảng Ninh. Đến với Trung tâm Truyền thông của tỉnh, đoàn sinh viên Viện Báo chí đã nhận được sự đón tiếp thiện tình từ các cán bộ, nhân viên ở cơ quan, mà phụ trách chính là nhà báo Nguyễn Văn Trường, PGĐ của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc, các sinh viên đã có cơ hội để hiểu hơn về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là được tìm hiểu về mô hình tòa soạn hội tụ của tỉnh Quảng Ninh, mô hình tòa soạn hàng đầu cả nước
Tòa soạn hội tụ - xu hướng phát triển tất yếu của các tòa soạn
Mô hình tòa soạn hội tụ là sự kết hợp linh hoạt và điều tiết lẫn nhau của nhiều chủ thể như báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình và tạp chí. Ở đó, tòa soạn hội tụ cần có một hệ thống quản lý nội dung dựa trên nền tảng web.
Đây là một kiểu mô hình tòa soạn hiện đại, trong đó có sự hợp nhất giữa các phòng, ban chuyên môn trong tòa soạn, các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo cùng làm việc trong một không gian mở, lấy trung tâm sản xuất và phân phối tin tức tối đa phương tiện làm hạt nhân, từ đó giúp lãnh đạo tòa soạn đưa ra quyết định nhanh nhất và thống nhất về thông tin tới từng nhân viên trong tòa soạn để sản xuất sản phẩm truyền thông.
Nếu như mô hình truyền thông truyền thống khiến các tòa soạn không phát huy được sức mạnh tổng thể của mình do hoạt động riêng rẽ thì mô hình tòa soạn hội tụ sẽ giúp tòa soạn đó khắc phục nhược điểm này và tận dụng được những ưu việt của internet. Bên cạnh đó, theo nhà báo Nguyễn Văn Trường, với nhiệm vụ chính trị của mình, mô hình tòa soạn giúp thống nhất tiếng nói và phát ngôn về sự lãnh đạo của Đảng ở từng địa phương. Do vậy, ông khẳng định mô hình này chính là xu hướng phát triển của tất yếu của các tòa soạn trong nước và trên thế giới.
Truyền thông đa phương tiện với mô hình tòa soạn hội tụ
Trong mô hình tòa soạn hội tụ, hoạt động của phóng viên, biên tập viên phải vừa có kỹ năng viết tin, bài, vừa phải sử dụng tốt các thiết bị công nghệ, kỹ thuật cho cả báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh.
Tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, khoảng 30% số phóng viên, biên tập viên của Trung tâm có thể hoạt động nhiều công việc trong quy trình sản xuất sản phẩm truyền thông, góp phần phát huy hiệu quả vai trò mô hình tòa soạn hội tụ ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với xu hướng phát triển tất yếu và yêu cầu của mô hình tòa soạn hội tụ, nhà báo Nguyễn Văn Trường cho rằng ngành Truyền thông đa phương tiện mà Viện Báo chí đang đào tạo là đang bắt kịp xu thế thời đại, sinh viên của ngành này sẽ là nguồn nhân lực tốt cho mô hình tòa soạn hiện đại này.
Trao đổi bên lề buổi làm việc với sinh viên, PGĐ Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã đưa ra lời khuyên để sinh viên báo chí, truyền thông nói chung có thể đáp ứng nhu cầu của mô hình tòa soạn hội tụ của các địa phương trong tương lai.
“Bên cạnh việc có các kỹ năng nghiệp vụ, am hiểu công nghệ để thực hiện các sản phẩm đa phương tiện thì các bạn sinh phải luôn trau dồi cho mình quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; biết cách lọc thông tin, cách đặt câu hỏi cho đúng, cho trúng và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Đây chính là những nền tảng để một phóng viên, biên tập viên có thể tiến sâu trong mô hình tòa soạn hội tụ và đồng thời hội nhập quốc tê”.
Sau buổi làm việc ở Trung tâm Truyền thông của địa phương, đoàn sinh viên Viện Báo chí tiếp tục chuyến thực tế chính trị - xã hội tại cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông của tỉnh (là Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh cũ) và quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Phản hồi