Danh mục Thứ Ba, 23/04/2024

Tuyển sinh \

Bí kíp tự tin chinh phục kỳ thi năng khiếu báo chí 2020

12:48 26-04-2020
Những kinh nghiệm cùng bí kíp chinh phục thành công kỳ thi Năng khiếu báo chí được thầy cô giảng viên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền và các bạn thủ khoa Năng khiếu báo chí chia sẻ, gửi tới các bạn sĩ tử thay lời chúc may mắn trước khi bước vào kỳ thi Năng khiếu báo chí 2020.

Từ 2015, nhằm tìm kiếm những thí sinh có tố chất làm báo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tiến hành tổ chức kỳ thi Năng khiếu báo chí cho các thí sinh có nguyện vọng theo học chuyên ngành Báo chí. Qua 5 năm tổ chức thành công với chất lượng đầu vào được đánh giá tốt, năm 2020 Học viện tiếp tục tổ chức kỳ thi năng khiếu dành cho các thí sinh.

Năm nay, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, kỳ thi THPT Quốc gia dự kiến được tổ chức vào tháng 8 với nhiều thay đổi. Đối với công tác Tuyển sinh đại học chính quy 2020 của Học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng có những điểm mới căn bản. Theo đó, kỳ thi Năng khiếu báo chí dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 7, trước kỳ thi THPT Quốc gia, tạo điều kiện cho các thí sinh muốn xét tuyển các chuyên ngành khác của Học viện.

Ảnh minh họa 

 

Năng khiếu báo chí là kỳ thi bắt buộc đối với các thí sinh đăng kí các chuyên ngành Báo chí tại Học viện. Bài thi gồm có 2 phần:

  • Phần thứ nhất gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với những kiến thức chung liên quan đến các vấn đề đời sống xã hội xoay quanh nội dung các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và GDCD. Phần thi này chiếm 3/10 số điểm của toàn bài thi, thời gian làm bài là 30 phút. Qua đó, kiểm tra kiến thức nền của các em ở THPT như thế nào.
  • Phần thứ hai là tự luận chiếm 7/10 tổng điểm. Đối với chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo điện tử, Báo truyền hình chất lượng cao, Báo mạng điện tử chất lượng cao các thí sinh sẽ tiến hành làm bài thi tự luận gồm 2 phần trong khoảng thời gian 120 phút. Bài thi tự luận thứ nhất thường là phát hiện lỗi sai và chỉnh sửa lỗi trong văn bản cho trước, chiếm 3 điểm tổng bài thi.Phần tự luận thứ hai chiếm 4 điểm còn lại, với yêu cầu viết một bài luận không quá 500 từ, để kiểm tra năng lực sáng tạo, tư duy logic, khả năng phát hiện và góc nhìn của thí sinh về một vấn đề cho trước. 
  • Riêng đối với chuyên ngành Báo ảnh và Quay phim truyền hình, phần tự luận thí sinh sẽ được xem hình ảnh (ảnh chụp hoặc video) và viết bình luận không quá 500 từ về hình thức, kỹ thuật, nội dung hình ảnh trong thời gian 30 phút với số điểm tối đa là 3 điểm. Phần còn lại là trả lời phỏng vấn trực tiếp trước ban giám khảo (thầy cô, nhiếp ảnh gia, nhà báo,…) các kiến thức về quay phim, ảnh báo chí, tạo hình và bố cục, ý tưởng sáng tạo, ánh sáng, tiêu cự,… để đánh giá năng lực, kỹ năng giao tiếp, chiếm số điểm cao nhất là 4 điểm.

Chia sẻ tại chương trình Tư vấn Tuyển sinh trực tuyến khối ngành Báo chí – Truyền thông ngày 25/04, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí cho biết: 

“Đối với bài thi năng khiếu báo chí, mục đích là tìm ra những em có tố chất làm báo, thì không có gì quá phức tạp như các em nghĩ. Đối với bài thi trắc nghiệm, kiến thức không đâu xa, nếu các em ôn tập tốt kiến thức của các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD thì không hề làm khó các em. Đối với bài tự luận 500 từ thì các em hoàn toàn tự do nêu lên ý kiến, góc nhìn của mình về vấn đề, thể hiện sự sáng tạo, tư duy của người làm báo trong bài viết và đừng bao giờ nghĩ rằng phải viết theo một bài báo nào đó vì các thầy cô muốn thấy được năng lực đích thực, năng khiếu sẵn có chứ không phải khả năng sao chép máy móc. Với bài thi chuyên ngành ảnh báo chí và quay phim truyền hình, bài tự luận 3 điểm cần nêu lên được cảm nhận và những suy nghĩ của mình, nhận xét về bố cục, kỹ thuật, ánh sáng, góc chụp,… khi xem hình ảnh đó. Phần phỏng vấn trực tiếp, gặp ban giám khảo các em hãy bình tĩnh, tự tin bộc lộ hết năng lực của mình để thuyết phục ban giám khảo."

 PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Báo chí chia sẻ tại chương trình Tư vấn Tuyển sinh trực tuyến

Khi được hỏi về kinh nghiệm ôn thi năng khiếu báo chí, bạn Thúy Hạnh, lớp Báo mạng điện tử K39 thẳng thắn chia sẻ:

“Kinh nghiệm đi thi Năng khiếu báo chí của mình cũng không có nhiều. Mình chủ yếu ôn thi theo môn Ngữ văn và tổ hợp Khoa học xã hội. Quan trọng lối viết văn của các bạn phải tốt trước đã. Sau khi thi THPT Quốc gia xong thì còn dư mấy ngày mới đến kỳ thi Năng khiếu báo chí nên lúc đấy mình mới bắt đầu ôn. Đầu tiên, mình xem lại các đề năng khiếu của các năm trước và làm theo. Sau đó, luyện thói quen chăm đọc báo để có được cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề trong đề bài. Và cuối cùng, không nên theo học các lớp ôn thi năng khiếu báo chí vì mình nghĩ đây là kỳ thi năng khiếu thì cứ thể hiện những gì bản thân có là tốt nhất. Chúc các bạn sĩ tử năm nay có một bài thi đạt kết quả cao, thể hiện tốt năng khiếu của mình trong bài thi năng khiếu báo chí”.

Bạn Thúy Hạnh - Thủ khoa năng khiếu báo chí năm 2019,
xuất sắc dành được 9,2 điểm
 

Về vấn đề tổ chức lớp ôn thi năng khiếu báo chí, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình chia sẻ: “Học viện Báo chí & Tuyên truyền sẽ không tổ chức ôn thi năng khiếu báo chí, bởi vì chúng tôi quan niệm rằng: năng khiếu là những thứ thuộc về tự nhiên, có sẵn trong các em rồi và khi có những điều kiện thì những năng khiếu đó sẽ được bộc lộ ra ngoài một cách tự nhiên, bài thi năng khiếu chính là môi trường để các em thể hiện năng lực của mình."

Hồng Thúy – TTĐPT K38

Phản hồi