Ưu thế của báo in trong kỷ nguyên số
Khoa học công nghệ phát triển giúp sản sinh ra nhiều loại hình báo chí, thể loại báo chí hấp dẫn, đáp ứng những nhu cầu phong phú của công chúng tiếp nhận. Điều này dường như là mối đe dọa đến sự sinh tồn của các loại hình báo chí truyền thống như báo in.
Nhưng trên thực tế, liệu lo ngại đó có thực sự đúng trong khi mỗi loại hình báo chí luôn mang trong mình những thế mạnh khác nhau?
Nhận định về ưu thế của báo in trong thời kỳ số, TS Lê Thị Nhã, chủ nhiệm bộ môn Báo in, Viện Báo chí cho rằng: “Kỹ năng viết là thế mạnh của báo in và cũng là kỹ năng không thể thiếu trong sáng tạo tác phẩm thuộc các loại hình báo chí nói chung, nhất là báo phát thanh và báo mạng điện tử”.
TS Lê Thị Nhã nhấn mạnh: “Thành thạo kỹ năng viết là điều kiện thuận lợi để sinh viên chuyên ngành báo in có thể tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí ở các loại hình khác nhau”.
Các thể loại bình luận, phỏng vấn, điều tra… là lợi thế của báo in. Bởi lẽ sau những thông tin nhanh, nóng trên báo mạng điện tử, bạn đọc muốn có phút giây tĩnh lặng để nhìn nhận, xem xét, hiểu rõ hơn, sâu hơn về sự kiện, vấn đề thời sự qua các bài bình luận. Phỏng vấn (đặc biệt là phỏng vấn chuyên gia) cung cấp những quan điểm, ý kiến, sự phân tích sự kiện, vấn đề ở các chiều cạnh khác nhau tạo nên tính đa chiều và độc quyền trong thông tin.
So với truyền hình, viết bài điều tra cho báo in thuận lợi hơn, nhất là với những bài cần phân tích tài liệu văn bản. Trong tình huống cần nhập vai để thu thập thông tin, phóng viên báo in cũng sử dụng phương tiện kỹ thuật thuận lợi hơn, sự nhập cuộc cũng tiện lợi hơn phóng viên truyền hình.
Các chuyên gia cho rằng, tương lai của báo in là tạp chí và giải pháp hiện tại của một số tờ báo, tạp chí là tổ chức chuyên đề chuyên sâu. Theo quy hoạch báo chí được Thủ Tướng phê duyệt, báo in, tạp chí vẫn có số lượng và vị trí quan trọng. Điều đó cũng tạo ra nhu cầu, đòi hỏi một đội ngũ nhà báo có khả năng viết bài chuyên sâu cho báo in và tạp chí đáp ứng đòi hỏi về nhân lực hiện nay.
Mặt khác, các cơ quan báo chí hiện nay đều phát triển theo xu hướng đa phương tiện, có các loại hình báo chí khác nhau. Do vậy, mục tiêu của chương trình đào tạo báo chí nói chung là hướng tới đào tạo các phóng viên đa năng, có tư duy đa phương tiện. Trong chương trình đào tạo báo in, sinh viên được học các môn đào tạo kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí tích hợp cho báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình…
Vì thế, học chuyên ngành Báo in, ngoài kỹ năng viết, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng chụp ảnh, làm video, audio…, sản xuất được các tác phẩm, sản phẩm báo chí đa phương tiện; các kỹ năng tương tác, tổ chức và hướng dẫn bạn đọc tham gia vào quá trình sản xuất tin tức.
Những điểm cốt lõi trong chương trình đào tạo
Trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Báo chí luôn có những sự thay đổi trong đào để tạo phù hợp với xu thế chung của thời đại. Nhìn ra được những ưu thế, cơ hội của ngành báo in trong kỷ nguyên số, Viện Báo chí xác định báo in là ngành học trọng tâm trong chương trình đào tạo của Viện.
Khi đăng ký học và tốt nghiệp báo in tại Viện Báo chí, người học sẽ được cấp bằng cử nhân Báo chí với thời gian đào tạo là 4 năm. Chương trình toàn khóa gồm 175 đơn vị học trình (ĐVHT) chưa kể phần nội dung về Giáo dục thể chất (5 ĐVHT) và Giáo dục quốc phòng (4 tuần - 165 tiết).
Sau khi tốt nghiệp, người được đào tạo có khả năng thực hiện các chức trách của phóng viên, biên tập viên, nhân viên nghiệp vụ truyền thông – PR, hoặc đảm nhận cức trách quản lý phòng ban chuyên môn tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình; làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí - truyền thông; làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lý luận và kỹ năng nghiệp vụ báo chí - truyền thông - PR.
Ngoài ra, người được đào tạo còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến báo chí - truyền thông như: các cơ quan văn hoá - tư tưởng; các cơ quan, tổ chức truyền thông và quan hệ công chúng; các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp trong hệ thống chính trị nước ta.
Sinh viên, học viên được trang bị kiến thức chung, cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học Mác-Lênin. Ngoài ra, người học còn được trang bị những kiến thức cơ bản, hệ thống về lý luận và kỹ năng nghề nghiệp báo chí - truyền thông, chuyên ngành báo in.
Về kỹ năng, Trên cơ sở kiến thức ngành và chuyên ngành được trang bị cơ bản và hệ thống, hình thành nhận thức và thái độ hành nghề đúng, người học được trang bị các kỹ năng cơ bản để có thể hành nghề phù hợp với chức danh được đào tạo là phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn báo chí, nhân viên truyền thông, PR (quan hệ công chúng), cán bộ nhân viên tham mưu trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị…. như kỹ năng nắm bắt tình hình, tiếp cận sự kiện thông tin, thu thập và xử lý… tin tức báo chí; tổ sản xuất sản phẩm báo chí – truyền thông, tổ chức chức sự kiện, xử lý khủng hoảng, kỹ năng quản lý, tham mưu…
Về phẩm chất chính trị, lối sống, Những người được đào tạo theo chương trình này phải có trình độ giác ngộ chính trị và lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước sâu sắc; có năng lực hoạt động nghiệp vụ báo chí - truyền thông để có thể hội nhập bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp khu vực và trên thế giới; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ và tự giác về vai trò, vị thế xã hội của báo chí - truyền thông.
Người được đào tạo phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của một nhà báo; phát triển thể chất và các phẩm chất về tâm lý, phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động nghề nghiệp báo chí – truyền thông.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển khoa học công nghệ, người làm báo không chỉ luôn trau dồi, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp mà còn phải đạt được một trình độ nhất định về ngoại ngữ và tin học để không bị lạc hậu trong công việc. Và đây cũng là những điều kiện kiên quyết nữa để sinh viên báo in tại Viện Báo chí nói chung và sinh viên báo in nói riêng có thể tốt nghiệp.
Người học khi tốt nghiệp đạt trình độ ngoại ngữ B2 khung châu Âu (tương đương 500 điểm TOEIC hoặc 510 điểm TOEFL hoặc 5.0 điểm IELTS); học tin học ứng dụng trình độ B, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn công tác.
Phản hồi