Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

NEWS \

Chợ bình ổn

“Chợ bình ổn giá thời Covid” tại thôn Vĩnh Trung

21:35 07-09-2021
Để bảo vệ “vùng xanh an toàn”, hạn chế người dân ra khỏi nhà mua lương thực, nhu yếu phẩm, lãnh đạo thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã triển khai mô hình đi chợ online: “Chợ bình ổn giá thời Covid”.

Với 339 ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng tính đến ngày 6/9/2021, huyện Thanh Trì hiện đang là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh tại thành phố Hà Nội. Vậy mà cách đó không xa, từ trung tâm huyện về phía Nam khoảng 4 cây số, ta ngạc nhiên khi được chứng kiến một “vùng xanh” yên bình hiếm hoi. Hỏi ra mới biết, “vùng xanh” ấy chính là thôn Vĩnh Trung thuộc xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo như lời chia sẻ từ ban lãnh đạo, việc thôn vẫn giữ vững “danh hiệu” “vùng xanh an toàn” một phần nhờ vào mô hình chống dịch sáng tạo “Chợ bình ổn giá thời Covid”.

 

Những "shipper" bất đắc dĩ

Cứ đều đặn 5h sáng mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Pháo - thành viên tổ Covid-19 cộng đồng lại tất bật rà soát những đơn hàng đi chợ từ người dân trong thôn gửi về. Đã 1 tháng kể từ khi thôn Vĩnh Trung triển khai mô hình “Chợ bình ổn giá thời Covid”, công việc giao hàng hóa, thực phẩm đến từng hộ dân trong thôn đã trở nên quen thuộc đối với bà. Những đơn hàng gửi tới ngày một nhiều, được bà Pháo tỉ mỉ ghi ra một quyển sổ nhỏ, liên tục thống kê: “Ông Tài xóm Ngoài: một cân thịt heo, 2 mớ rau cải, cô Hạnh xóm Thượng: nửa cân thịt bò, nửa cân khoai sọ”,... Các túi hàng nặng trĩu cứ lần lượt được người phụ nữ nhỏ bé ấy xách đi trao tận tay tới từng hộ gia đình trong thôn. 

Khi được hỏi về động lực đã giúp bà giữ vững đam mê và gắn bó với công việc nặng nhọc này, không cần suy nghĩ lâu, bà trả lời ngay: “Thực ra đôi khi, tôi đã suy nghĩ đến ý định nghỉ việc vì thấy tuổi tác mình cũng đã cao, cường độ công việc liên tục, đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, nhưng khi nhìn thấy nụ cười, được nghe những lời cảm ơn từ những cô bác trong thôn, tôi tự hào lắm, tự hào về công việc, tự hào khi đã góp chút sức cho sự an toàn, sức khỏe của người dân". 

 Thành viên tổ Covid-19 cộng đồng của thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng mang hàng đến cho người dân.

 

Khi bảo vệ "vùng xanh an toàn" là nhiệm vụ tối quan trọng

Chỉ sau 2 ngày Chỉ thị 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có hiệu lực, chợ dân sinh thôn Vĩnh Trung đã tạm ngừng hoạt động, thay vào đó là chợ bình ổn giá hoạt động online. Để đảm bảo thực phẩm luôn tươi mới mỗi ngày, đơn hàng đi chợ sẽ được hội viên phụ nữ và các đoàn viên thanh niên chốt vào tối hôm trước, sau đó được tổng hợp gửi lên Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì. Tại đây, đơn hàng sẽ được cán bộ phòng chuyển tới đơn vị cung ứng thực phẩm, vận chuyển về thôn ngay trong sáng hôm sau. 

Về vấn đề nhân sự, để duy trì hoạt động của chợ bình ổn, xã Đại Áng đã chủ động hướng dẫn thôn thành lập Tổ Covid-19 cộng đồng. Các tình nguyện viên trong Tổ Covid-19 cộng đồng có nhiệm vụ nắm bắt, tổng hợp nhu cầu của người dân qua ứng dụng Zalo, Facebook và phiếu đăng ký mua hàng online. Sau đó, Tổ đặt hàng với đơn vị cung ứng. Hàng hóa vận chuyển về được nhận tại chốt kiểm dịch, được thành viên Tổ nhận hàng và vận chuyển tới từng hộ gia đình theo đúng quy định về khoảng cách, an toàn y tế. 

 Nhóm “Chợ bình ổn giá thôn Vĩnh Trung” có gần 2000 thành viên tham gia.

 

 Các mặt hàng luôn được cung ứng đầy đủ với giá bình ổn.

 

 Các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng ghi lại danh sách hộ dân đặt hàng online.

 

Người dân thôn Vĩnh Trung đánh giá cao mô hình “Chợ bình ổn thời Covid”. Cách làm mới này đã mang lại hiệu quả tích cực, khi hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà mua nhu yếu phẩm và tập trung đông người tại khu chợ dân sinh, giảm tải áp lực lên công tác phòng dịch của thôn, đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, giúp các hộ gia đình tiếp cận được với nguồn thực phẩm sạch và an toàn với giá “tại ruộng”. Bà Trần Thị Quỳnh, người dân trong thôn, cho biết: “Từ ngày có mô hình “Chợ bình ổn giá”, tôi chỉ cần lên trang chợ điện tử của thôn để mua hàng, mọi nhu yếu phẩm cần thiết đều được tổ Covid -19 cộng đồng trao tận tay tới người dân. Hàng hóa được giao đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bán với giá bình ổn". 

 Mô hình hiện đang được nhân rộng trên 4 thôn của xã.
 

"Chỉ tính riêng trên địa bàn thôn, mỗi ngày đã có hàng tấn rau củ, lương thực được mang đến phục vụ người dân, vừa góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt, vừa góp phần bảo vệ các “vùng xanh” phòng, chống dịch bệnh. Đây là cách làm mang lại hiệu quả cao, bởi nó giúp người dân yên tâm ở nhà chống dịch”, bà Nguyễn Thị Hường, trưởng thôn Vĩnh Trung nhận định. 

 Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Trưởng ban phòng chống Covid-19 huyện Thanh Trì cho biết, sau khi nhận thấy tính ưu việt của mô hình “Chợ bình ổn giá”, huyện đã gấp rút chỉ đạo các UBND xã hướng dẫn các khu, tổ dân phố, thôn làng tiếp tục nhân rộng mô hình, xây dựng thêm 20 điểm chợ lưu động trong thời gian tới, góp phần bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết.

 Điểm chợ bán hàng lưu động tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.

 

“Đến nay, mô hình “Chợ bình ổn” đã được triển khai, nhân rộng thực hiện tại thôn Vĩnh Thịnh, thôn Vĩnh Trung, thôn Đại Áng và thôn Nguyệt Áng xã Đại Áng; thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi; thôn Thọ Am, xã Liên Ninh.... Lượng hàng hóa cung ứng bình quân 1,5 – 2 tấn/ngày, hình thành hậu phương vững chắc chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh hoạt ổn định, yên tâm phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện dự định xây dựng các “Điểm chợ bán hàng lưu động” tại những khu vực đông dân cư để phân phối nhu yếu phẩm cho nhân dân; UBND huyện lựa chọn đơn vị cung ứng đủ năng lực, hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm và đã đưa vào hoạt động 9 điểm chợ lưu động tại các nhà văn hóa của xã Đông Mỹ, Tân Triều, Vạn Phúc, Liên Ninh, Duyên Hà và Đại Áng", ông Hưng thông tin thêm.

Trung Hiếu

Phản hồi