Danh mục Thứ Hai, 30/12/2024

Tiêu điểm \

Yêu nước một cách tỉnh táo

23:42 27-12-2024
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội đang dần trở thành không gian phổ biến để người trẻ thể hiện lòng yêu nước của mình qua những video ấn tượng, thu hút hàng triệu lượt xem và sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều người. Tuy nhiên, ngay trong các trào lưu đáng tuyên dương đó cũng còn tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Khi tình yêu nước trở thành xu hướng

Trong dịp chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, mạng xã hội sôi nổi hơn bao giờ hết khi hình ảnh các bạn trẻ tham gia trào lưu “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc”, “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim” được lan truyền rộng rãi. Đã có hàng nghìn video thông qua hashtag #NgayQuockhanh đạt trên hàng trăm triệu lượt xem. Chỉ với thời lượng dưới 1 phút, nhưng kịch bản cùng với nền nhạc hào hùng, góc quay cận cảnh đặc tả đôi mắt và mọi ánh nhìn ở bất cứ clip nào cũng sáng rực màu cờ đỏ sao vàng... có thể làm bất cứ ai lướt qua cũng thấy lòng đầy kiêu hãnh, tự hào.

Người trẻ nhiệt tình hưởng ứng trào lưu “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc”, “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim” trên nền tảng TikTok. (Ảnh: Tổng hợp)

Trong không khí trang nghiêm của ngày lễ, trang phục truyền thống với nón lá và áo dài được nhiều bạn trẻ chọn để khoác lên mình bằng tất cả niềm tự hào về cội nguồn của người con đất Việt. Không chỉ lưu giữ ký ức của dân tộc, đây còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp các bạn trẻ tôn vinh những giá trị quý báu mà cha ông đã dày công xây dựng.

Làn sóng thể hiện tình yêu nước nồng nàn được lan truyền mạnh mẽ hơn khi trào lưu biến hình trên nền bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng ra đời. Những chú bộ đội, công an, giáo viên, người mẹ Việt Nam anh hùng được tái hiện chân thực thông qua những đoạn clip ngắn nhưng được làm bằng tất cả lòng nhiệt huyết của một thế hệ trẻ. Đó là niềm tự hào, lòng yêu nước và khát vọng cống hiến của giới trẻ cùng sự biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh cho nền hòa bình của dân tộc.

Giới trẻ tự hào tham gia trào lưu biến hình trên nền bài hát “Khát vọng tuổi trẻ”. (Ảnh: Tổng hợp) 

Bạn Lê Thuỳ Dung, sinh viên năm ba, Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Tuy mọi người nói tình yêu nước không phân biệt tuổi tác, nhưng suy cho cùng cách thể hiện của mỗi thế hệ lại có sự khác nhau. Ngoài những trend trên mạng xã hội thì khi ra đường mình cũng thấy rất nhiều hàng quán treo Quốc kỳ, nhiều toà nhà lớn cũng chuyển màn hình led sang lá cờ Việt Nam. Mình cảm thấy cực kỳ tự hào khi được sống trong một thế hệ trẻ yêu nước như này.”

Để thế hệ trẻ yêu nước một cách tỉnh táo

Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội là công cụ hữu hiệu giúp thế hệ trẻ lan tỏa tình yêu nước trên các nền tảng số, từ hình ảnh, bài viết đến video giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững/Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững: “Giới trẻ sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Với bản tính của lứa tuổi tò mò, thích khám phá, ham của lạ, lại còn thiếu kiến thức, giới trẻ có thể thiếu tư duy và suy nghĩ, cân nhắc khi tiếp thu những nội dung xấu độc, chưa phân biệt rõ đúng sai.”. Khi tiếp cận những thông tin mới, vẫn còn một bộ phận thanh niên dễ dàng tiếp nhận những nội dung không phù hợp với chuẩn mực xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để lợi dụng không gian mạng, nhằm gây nhiễu loạn dư luận xã hội và tác động trực tiếp đến nhận thức, lập trường của thế hệ trẻ.

Những thông tin sai lệch, mang tính chất xuyên tạc, bóp méo bản chất của sự vật, hiện tượng vẫn đang được lan truyền trên không gian mạng hàng ngày hàng giờ, cản trở việc thế hệ trẻ tiếp cận các luồng thông tin chính thống và sự thật. Ở mức độ tinh vi hơn, sự cài cắm những chi tiết thông tin giả, tiêu cực, xuyên tạc, phản động trong các thông tin dưới dạng bài viết, tư liệu... có thể khiến ngay cả những người có nhận thức, bản lĩnh chính trị tốt cũng khó có thể nhận ra.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian mỗi ngày để "lướt mạng" mà không cân nhắc tính xác thực, chỉ chú trọng đến việc không bị "lạc hậu" nên dễ dàng bị thao túng, dẫn dắt bởi "hội chứng đám đông", dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, sai trái trong một số hành động, việc làm. Cứ như vậy, người dùng có thể vô tình tiếp tay cho tin giả, bịa đặt thông qua việc chia sẻ, bình luận dưới mỗi bài đăng chưa được kiểm chứng, xác thực.

Cách đây không lâu, trào lưu vẽ lá cờ Việt Nam trên mái nhà, thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận, nhiều gia đình đã tận dụng mái tôn màu đỏ để vẽ ngôi sao vàng và biến mái nhà thành quốc kỳ. Những hình ảnh cờ đỏ sao vàng phủ kín nhiều vùng đất trên cả nước không chỉ tạo nên niềm tự hào mà còn lan tỏa tinh thần yêu nước. Tuy vậy, việc sử dụng hình ảnh quốc kỳ cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về kích cỡ, hình thức và cách bảo quản. Ngày 15/8, Công an thành phố Hạ Long đã triệu tập chủ tài khoản Facebook đăng bài về việc Ủy ban Nhân dân phường Yết Kiêu yêu cầu anh Trần Duy Nhất xóa hình ảnh cờ Tổ quốc trên tường nhà riêng. Tạ Minh Thành, người đăng bài, đã không xác minh thông tin và chia sẻ nội dung gây hiểu lầm về sự việc. Bài viết này nhanh chóng lan truyền và thu hút nhiều bình luận trái chiều không đáng có. Sau khi bị triệu tập, anh cũng cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và của địa phương nơi cư trú, có trách nhiệm đăng tải thông tin đính chính trên mạng xã hội. 

 Hình ảnh lá cờ được các bạn trẻ vẽ hưởng ứng trào lưu. (Ảnh: Internet)

Việc thể hiện lòng yêu nước cần được thực hiện đúng cách, phù hợp với trách nhiệm của mỗi công dân và tuân thủ pháp luật. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, “Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta,” nhưng chỉ phát huy giá trị khi được thể hiện đúng thời điểm, đúng cách, không gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước hay trật tự xã hội. 
Chính vì vậy, để tăng cường giáo dục khả năng "miễn dịch" với các quan điểm sai trái, thù địch cho thanh niên, theo các chuyên gia: Cần tiến hành rà soát toàn diện như: Về hành chính, cần quản lý tốt việc sử dụng internet, website, fanpage trên mạng xã hội…; thực hiện nghiêm công tác bảo mật; bảo đảm không có sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, cũng như các hiện tượng xấu có thể xảy ra. 

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT: Trong 5 năm trở lại đây, cuộc đấu tranh với các nền tảng MXH là cuộc chiến trường kỳ bởi các nền tảng xuyên biên giới này luôn tìm cách né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng.

Trước năm 2017, các nền tảng MXH chủ yếu không hợp tác với cơ quan quản lý, hoặc nếu có thì hợp tác cầm chừng. Từ năm 2020 trở đi, bên cạnh việc có nhiều kinh nghiệm quản lý hơn, đã có sự phối kết hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng và cho những kết quả đột phá. Hiện tại, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin độc hại trên không gian mạng đang được duy trì ở mức cao nhất từ trước đến nay (trên 90%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã thực hiện gỡ 2.549 bài viết, 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo vi phạm đối với Facebook. Đối với YouTube, gỡ 6.101 video, 7 kênh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động của một nền tảng xuyên biên giới lớn là TikTok, thực hiện gỡ 415 đường link và 149 tài khoản vi phạm. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo được áp dụng để tự động rà quét các hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật, không để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội đăng thông tin kích động người dân.

Song song đó, các tổ chức Đoàn thể cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình tư tưởng yêu nước tỉnh táo trong thanh, thiếu niên. Việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là nhiệm vụ trọng yếu. Cần cung cấp kịp thời những thông tin chính thống, khoa học để thanh niên nhận thức đúng bản chất của vấn đề, không ngừng nâng cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chỉ nhằm lợi dụng thanh niên để chống phá cách mạng Việt Nam, không vì sự phát triển của thanh niên; thấy được nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình” là công việc thường xuyên, toàn diện trên mọi lĩnh vực một cách chính xác, đầy đủ, nhanh chóng với cách thức phù hợp qua Internet, mạng xã hội, báo in, báo điện tử, truyền hình, đài phát thanh về đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đoàn Thanh Niên Hương Gián - Bắc Giang nhiều năm qua đã thực hiện tốt công tác giáo dục, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt với nhóm thanh thiếu niên. Anh Nguyễn Xuân Vũ – Bí thư Đoàn Thanh Niên Hương Gián cho biết không chỉ duy trì các trang Facebook, Zalo để đăng tải và chia sẻ các bài viết, video nhằm làm rõ thông tin chưa chính xác, nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội an toàn, đồng thời còn bảo đảm công tác bảo mật, không để xảy ra các hiện tượng xấu. 

Anh Vũ khẳng định nỗ lực của đoàn xã Hương Gián trong công tác giáo dục lòng yêu nước của thế hệ trẻ trên không gian mạng. (Ảnh: NVCC) 

Tình yêu nước không chỉ nằm ở những điều lớn lao mà còn bắt nguồn từ việc hiểu rõ giá trị của những gì mình đang thụ hưởng, cố gắng làm tốt công việc và hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ khi “Tổ quốc gọi tên mình”. Để có được hòa bình, độc lập hôm nay là kết quả của bao xương máu thế hệ cha anh. Yêu nước vừa là “cái chung” của mọi người, vừa là “cái riêng” của mỗi con người. Và tình yêu nước chân chính chỉ phát huy khi “cái tôi” yêu nước của mỗi người hòa quyện với “cái tôi” yêu nước của cộng đồng.

Nam Phương, Hoàng Trang, Cẩm Tú - Báo in K42

Phản hồi