“Chiến tranh không đáng sợ, chỉ sợ người trẻ quên mất đất nước” - câu nói có sức lan tỏa rộng rãi những năm gần đây chính là động lực để nhóm sinh viên lớp Truyền thông đa phương tiện K42, Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện dự án đầy ý nghĩa này. Chiến tranh dần đi xa nhưng dư âm để lại trong ký ức dân tộc vẫn luôn là nỗi đau, là lời nhắc nhở về sự hy sinh của thế hệ đi trước. Để lòng biết ơn mãi vẹn nguyên trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, dự án “Văn chương khói lửa” ra đời dưới sự bảo trợ chuyên môn của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.
Văn học kháng chiến không chỉ phản ánh quá trình đấu tranh vĩ đại của dân tộc mà còn là lời tri ân đối với những hy sinh, mất mát của hàng triệu nhân dân và chiến sĩ. Để văn học thời kháng chiến trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ, dự án sử dụng hình thức phỏng vấn kết hợp hoạt cảnh và ngôn ngữ đa phương tiện như video, tranh vẽ minh hoạ, hiệu ứng âm thanh sống động...
Ekip dự án còn khéo léo đan xen những chi tiết “đắt” giá trong những tác phẩm nổi tiếng như: “Mưa đỏ”, “Nỗi buồn chiến tranh” để tái hiện lại phần nào lịch sử bi tráng của dân tộc. Điều này không chỉ giúp người xem sống lại quá khứ hào hùng mà còn khơi dậy những cảm xúc và suy tư về hiện tại. Đây được xem là điểm độc đáo của dự án giúp các tập podcast tiếp cận được đông đảo bạn trẻ.
Dự án còn có sự góp mặt của những tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam như: Đại tá, nhà văn Chu Lai; nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; nhà báo Phùng Huy Thịnh; nhà báo, nhà thơ Lữ Mai; nhà thơ Đỗ Anh Vũ; nhà văn Đàm Huy Đông cùng nhiều cựu chiến binh trong các cuộc kháng chiến trường kỳ.
Những chia sẻ quý báu của họ như những mảnh ghép còn thiếu, giúp làm sáng tỏ hơn những giá trị tinh thần của văn học kháng chiến, đồng thời khắc họa chân thực những hy sinh và nỗ lực không mệt mỏi của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện chưa kể nhưng luôn hằn sâu trong ký ức những người chiến sĩ ấy không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ để thế hệ trẻ hiểu hơn về những đau thương, mất mát mà ông cha đã trải qua.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn khẳng định: "Chúng tôi luôn ủng hộ và đồng hành với những dự án có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, khơi dậy giá trị nhân văn và lòng tự hào dân tộc. Là đơn vị cố vấn chuyên môn, chúng tôi luôn sát sao để các bạn ấy đi đúng hướng. Đặc biệt, đây là một dự án mang dấu ấn của thế hệ trẻ, những người năng động, tự tin và đầy nhiệt huyết với việc gìn giữ và phát huy giá trị ký ức, vì vậy, dự án này xứng đáng nhận được sự chia sẻ và lan tỏa rộng rãi hơn."
"Hơn hai năm nay mình đã hoạt động trong Viện sách của YBOX.VN với mục tiêu thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ. Tuy nhiên, kiến thức lĩnh hội được từ ngành học truyền thông giúp tôi nhận ra rằng không chỉ nằm ở việc kêu gọi, mà muốn các bạn trẻ chủ động tìm đọc những cuốn sách hay thì mình phải làm gì đó để xây dựng sự hứng thú và động lực cho họ một cách hấp dẫn hơn. Tôi đã lựa chọn bắt đầu với văn học kháng chiến, một đề tài được thế hệ trẻ quan tâm nhưng chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu"
“Văn chương khói lửa” đã đi vào hoạt động được một thời gian và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán thính giả. Với mục tiêu và sứ mệnh cao cả, dự án mong muốn lan tỏa mạnh mẽ lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt.
Các tập phát sóng chính thức của Podcast Văn chương khói lửa đang được phát sóng chính thức trên các nền tảng:
Fanpage: facebook.com/vanchuongkhoilua,
TikTok: @vanchuongkhoilua;
YouTube: Văn Chương Khói Lửa
Spotify: @vanchuongkhoilua
Phản hồi