Tham dự buổi lễ có ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện Ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Tạ Quang Bảo cùng gia đình và bạn bè của cố hoạ sĩ Nguyễn Cương.
Triển lãm giới thiệu 84 tác phẩm thuộc nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, ký họa chì, màu nước, được họa sĩ Nguyễn Cương sáng tác từ năm 1970 đến năm 2014.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện Ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội mỹ thuật Việt Nam khẳng định những bức tranh của cố hoạ sĩ Nguyễn Cương còn nguyên giá trị cho tới ngày nay: “Những tác phẩm trưng bày tại đây là những tác phẩm tiêu biểu, khẳng định tài năng và tư duy đổi mới của hoạ sĩ Nguyễn Cương vào thời điểm những người cùng thế hệ như ông chưa có tư duy như vậy. Ông là người tiên phong và đạt được hiệu quả khi thay đổi tư duy về tạo hình trong tranh sơn mài Việt Nam”.
Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Lâm, phu nhân cố hoạ sĩ Nguyễn Cương gửi lời cảm ơn tới Bộ Tư lệnh Thông tin, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp cùng gia đình để tổ chức buổi triển lãm.
Bà cho biết, hạnh phúc lớn nhất đối với gia đình là có người chồng, người cha, người ông vừa là một họa sĩ giỏi vừa là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. “Chúng tôi đã được sống cùng anh, trong thế giới tâm hồn của anh, hình và sắc trên những bức tranh của anh, và hiện vẫn đang sống hạnh phúc trong thế giới ấy cho dù anh đã vắng mặt”, phu nhân cố hoạ sĩ Nguyễn Cương bày tỏ.
Các tác phẩm khắc họa chủ yếu về chủ đề hình ảnh người chiến sĩ trong chiến đấu và lao động sản xuất, bên cạnh đó là một số tác phẩm thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, một số tranh tĩnh vật và trừu tượng.
Triển lãm tiếp tục mở cửa đến hết ngày 30/5/2024 tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Một số bức tranh của cố họa sĩ Nguyễn Cương:
Họa sĩ Nguyễn Cương (1943-2014) sinh ra tại thành phố Hải Phòng. Năm 1962, ông nhập ngũ và cống hiến gần 30 năm phục vụ trong quân đội. Trong thời gian đó, ông vẫn song hành sáng tác nghệ thuật. Khoảng thời gian sau, ông là Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội (1988-1989). Khi nghỉ hưu năm 1991, ông bắt đầu chuyên tâm sáng tác hội họa, các đề tài lực lượng vũ trang và tranh cách mạng, một số bố cục siêu thực, bán trừu tượng hoặc trừu tượng. Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật dài 45 năm của mình, Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh. Ngoài hội họa giá vẽ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành cả điêu khắc. |
Phản hồi