Với chủ đề “Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?”, sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo đầu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị trực thuộc; các Bộ, ngành khác có liên quan, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương; SEAMEO, các đối tác phát triển; các nhà khoa học, nhà giáo và người học của cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp cả nước; và đại diện của khu vực tư nhân. Nội dung cuộc thảo luận tập trung làm rõ tình hình sử dụng công nghệ hiện nay cũng như hướng đi tiếp theo trên tiến trình chuyến đối số trong giáo dục trên cả nước.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Jonathan Baker - Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Một thách thức quan trọng là làm thế nào để giải quyết vấn đề "khoảng cách số" dai dẳng trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Mặc dù công nghệ đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kỳ đại địch, nhưng các câu hỏi về mức độ và cách thức công nghệ tác động đến việc học cũng đáng được nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Cũng chính tại sự kiện này, những phát hiện và phân tích sâu từ cả quan điểm khu vực và quốc gia sẽ được truyền tải, đồng thời cũng sẽ có cơ hội đóng góp suy nghĩ của minh vào các cuộc thảo luận đang diễn ra về công nghệ trong giáo dục và đào tạo.”
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục, từ những chính sách quốc gia toàn diện, nhất quán, đến những đề án cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, để thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển bền vững 4 của Liên Hợp Quốc.”
Cùng với những lợi ích không thể phủ nhận của công nghệ mang lại, những thách thức đặt ra không chỉ dừng lại ở nguồn lực đầu tư vào hạ tầng công nghệ, mà còn là năng lực sử dụng công nghệ của các hệ thống quản lý, vận hành trong các cơ sở giáo dục các cấp.
Thách thức về đảm bảo tính công bằng và bình đẳng trong tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền, giữa các nhóm đối tượng khác nhau là vấn đề cần được lưu tâm. Hoạch định các chính sách và chiến lược chú trọng nhiều đến các nhóm đối tượng yếu thế như trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật luôn là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu 2023 với chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?" của UNESCO là một ấn phẩm giá trị, cung cấp nguồn thông tin về thành tựu giáo dục các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đồng thời nêu ra thách thức về tiếp cận và bảo đảm công bằng công nghệ.
Sự kiện công bố cũng là cơ hội quý báu để những người lãnh đạo đầu ngành lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những chiến lược, giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của công nghệ trong giáo dục và đào tạo với sự tham gia tất cả các bên liên quan từ những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và các tổ chức xã hội.
Phản hồi