Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) tọa lạc tại số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Nơi đây được coi là “địa chỉ đỏ” - minh chứng cho cả một thời kỳ đấu tranh ác liệt của cách mạng Việt Nam. Di tích Hỏa Lò còn là một địa điểm giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, lòng yêu nước và sự biết ơn sâu sắc đối với những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do.
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 với mục đích giam cầm những người chiến sĩ cách mạng và đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Được mệnh danh là “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò có chế độ giam cầm hà khắc với những hình thức tra tấn dã man đã giết dần, giết mòn những người tù khốn khổ. Dù là “mồ chôn” về thể xác nhưng ngục thất Hỏa Lò không thể dập tắt ý chí chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng. Bất chấp những rào cản của “địa ngục”, nơi đây vẫn tồn tại một mối tình trong sáng, lãng mạn và kiên cường.
Mối tình chớm nở giữa hai người đồng chí
Từ những ngày hoạt động cách mạng sôi nổi, một tình yêu dung dị đã chớm nở giữa đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944) và đồng chí Phạm Thị Vân (1921 - 1949). Xuất phát từ sự cảm phục khi tham gia hoạt động cách mạng, trái tim cô thiếu nữ đã thổn thức trước chàng trai thông minh, quyết đoán, chỉ đạo sát sao khi thực hiện nhiệm vụ. Còn anh Hoàng Văn Thụ cũng rung động trước người con gái xinh đẹp, giàu nghị lực đã cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc. Năm 1939, hai người chính thức nên duyên vợ chồng.
Mối tình thầm lặng giữa hai trái tim yêu nước cũng không tránh khỏi sự tàn khốc của chiến tranh. Năm 1941, nữ du kích Hoàng Ngân bị địch bắt do mật thám chỉ điểm. Chị bị chính quyền Pháp kết án 12 năm tù và bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Cùng thời gian đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ cũng bị bắt và bị kết án tử hình vì không chịu khuất phục trước sự mua chuộc của thực dân Pháp. Vợ chồng anh Hoàng Văn Thụ đều bị địch xếp vào hàng Cộng sản cực kỳ nguy hiểm nên chúng đã ép cung, sử dụng đủ loại cực hình. Anh bị tra tấn đến tràn dịch màng phổi, mắc viêm phổi nặng; vợ anh cũng bị quân địch hành hạ và chịu cảnh điều kiện sống thiếu thốn. It lâu sau, chị mắc bệnh thiên đầu thống gây thoái hóa thần kinh thị giác.
Tình yêu trường tồn bất chấp cảnh tù đày
Dù bị đày ải cả thể xác lẫn tinh thần, vợ chồng anh Hoàng Văn Thụ và chị Phạm Thị Vân vẫn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc thầm lặng. Trong những ngày tháng đó, chiếc áo len và một bức thư chan chứa yêu thương là hai kỷ vật họ đã trao tặng cho nhau.
Trong thời gian giam giữ, chị Ngân dặn em gái về nhà mua thuốc chữa bệnh, thức ăn, sữa, áo len,... gửi vào cho chị. Chị đã cảm hóa được một viên cai ngục và nhờ anh ta bí mật chuyển đồ tiếp tế cho chồng. Thương chồng nằm trên nền xi măng giá lạnh, tranh thủ giờ lao động ngoài sân; chị Phạm Thị Vân đã tự tay đan cho Hoàng Văn Thụ một chiếc áo len cao cổ, giúp anh chống chọi với bệnh viêm phổi trong cái rét buốt của mùa đông. Chiếc áo không chỉ là vật giữ ấm mà nó còn giữ lửa tình yêu trong hoàn cảnh hai người bị chia cắt, tù đày. Dường như mọi tâm tư, tình cảm của Hoàng Ngân được chứa đựng trong từng mũi đan lên xuống.
Trong sự hy sinh lớn lao cho Tổ quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người mình yêu. Năm 1944, trước ngày bị đưa ra pháp trường tử hình, anh Thụ đã bí mật chuyển đến người vợ một bức thư. Trong những dòng viết cuối cùng của cuộc đời, anh dặn chị Vân giữ gìn sức khỏe, động viên chị phải luôn giữ vững chí khí cách mạng, phải cùng anh em chiến sĩ tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà hai người đã được giác ngộ; không vì hy sinh, mất mát mà đau buồn, nản chí. Dù biết sẽ đến ngày âm dương cách biệt, chị Vân vẫn không nguôi nhớ thương người bạn đời đến nỗi sức khỏe suy yếu. Tuy vậy, chị đã nén đau thương để nối tiếp sự nghiệp cách mạng còn dang dở và vượt ngục thành công vào tháng 3 năm 1945.
4 năm sau khi Hoàng Văn Thụ hy sinh, gia đình đồng chí Phạm Thị Vân giục chị lập gia đình. Một lòng với tình yêu dành cho người chồng quá cố, chị đã tâm sự với em gái của mình rằng: “Anh chị đã thuộc về nhau mãi mãi rồi em ạ. Chị không thể yêu ai khác ngoài anh Thụ được. Chị đã lấy chồng và chỉ lấy duy nhất một lần thôi. Cứ nghĩ tới anh Thụ là mình không thể nhận lời ai được”. Một năm sau, nữ anh hùng Phạm Thị Vân đã hy sinh tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 17/7/1949 sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Người cộng sản kiên trung và cô nữ du kích anh hùng đã trao cho nhau tấm chân tình trọn vẹn đến tận lúc hy sinh. Tình yêu đã tiếp thêm cho họ sức mạnh trên con đường hoạt động cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Mối tình son sắt, thủy chung của vợ chồng anh Hoàng Văn Thụ và chị Hoàng Ngân đã trở thành một thiên tình sử bất diệt được lưu truyền mãi về sau.
Phản hồi