Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

Tiêu điểm \

Sống lại nghệ thuật Chèo với Chèo nảy Chèo nay

10:20 11-11-2024
Chiều 10/11, chuỗi hoạt động thuộc sự kiện “Chèo nảy Chèo nay” chính thức diễn ra tại Rạp Công nhân (số 42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

“Chèo nảy Chèo nay” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Chương trình được thực hiện bởi nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam (VICH) và Công ty Cổ phần giáo dục và sáng tạo Edudu tổ chức.

Với sứ mệnh quảng bá Chèo đến với công chúng thời hiện đại, Ban tổ chức lan tỏa vẻ đẹp của loại di sản văn hóa này thông qua 3 hoạt động chính: trưng bày, hoạt động trải nghiệm, biểu diễn nghệ thuật.

Chèo nảy Chèo nay là một trong những sự kiện góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc. (Ảnh: BTC)

Khu vực tham quan là nơi trưng bày các hiện vật về Chèo, tạo không gian tương tác giúp Chèo gần gũi hơn với khán giả. Nơi đây cho người xem một cái nhìn tổng quan về lịch sử và sự biến đổi của dòng nghệ thuật này qua các thời kỳ. Các đạo cụ như: sáo, trống, quạt,… và tranh hình tượng nhân vật kinh điển đã tái hiện sống động những kiến thức về loại di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Không gian triển lãm nghệ thuật chèo giúp người trẻ tiếp cận nghệ thuật Chèo. (Ảnh: BTC) 

Đến với hoạt động trải nghiệm, khách tham quan được tự tay trang trí quạt – một đạo cụ rất quan trọng trong Chèo truyền thống tại không gian ấm cúng và đặc trưng thời xưa cũ. Ban tổ chức cũng có những hướng dẫn, gợi ý về các họa tiết đặc trưng và đặc điểm của từng nhân vật Chèo. Hoạt động trải nghiệm như cầu nối người tham gia với Chèo, không chỉ giúp họ hiểu biết thêm về các họa tiết trong nghệ thuật Chèo mà còn có sản phẩm độc đáo làm kỉ niệm.

 Người tham gia hào hứng với hoạt động trải nghiệm trang trí quạt. (Ảnh: BTC)   

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Chèo nảy Chèo nay là buổi biểu diễn nghệ thuật “Thị Mầu xuyên không” với 2 phần chính: phần Lễ và phần Hội. Góp mặt tại buổi lễ, NSƯT Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, Chèo như liều thuốc tinh thần cho người dân Việt Nam. Trong nghệ thuật Chèo không đề cập đến thế thái, chỉ đề cập đến nhân tình, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm, tình vợ chồng, triết lý nhân sinh, đạo lý của người Việt Nam qua rất nhiều thế hệ”. Như vậy, hiểu về loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này cũng là hiểu thêm về nét đẹp tinh hoa truyền thống của dân tộc.

Vở diễn “Thị Mầu xuyên không” trong phần Hội được làm mới từ vở chèo kinh điển “Quan âm Thị Kính” để phù hợp với các bạn học sinh. Vẫn giữ nguyên cốt truyện kinh điển, vở Chèo lấy câu chuyện xuyên không từ thời hiện đại của hai học trò về quá khứ để tìm hiểu về nhân vật Thị Mầu. Hai nhân vật xuyên suốt này bình luận và phân tích các quan niệm thời xưa giúp các bạn nhỏ khám phá sâu từng phân cảnh của vở kịch. Vở Chèo được chính các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn, thể hiện trọn vẹn cái “hồn” của từng nhân vật.

 

Sân khấu “Thị Mầu xuyên không” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất liệu truyền thống và hiện đại. (Ảnh: BTC)   

Vén bức màn sân khấu, khán giả được tìm hiểu những nét đặc sắc của dàn nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong Chèo trong Trạm Tích tịch tình tang. Các nghệ sĩ đưa khán giả dạo chơi theo thanh âm độc đáo của những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, trống, sáo,…. Bạn Nguyễn Thanh Thu (21 tuổi) cho biết: “Càng đi sâu vào nguồn gốc, cấu tạo, nét đặc trưng của từng nhạc cụ, mình càng ngưỡng mộ và tự hào về những di sản mà ông cha ta đã sáng tạo ra”. 

Các bạn nhỏ được trao thưởng sau trải nghiệm nhạc cụ dân tộc trên sân khấu. (Ảnh: BTC) 

Sự kiện “Chèo nảy Chèo nay” thành công lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật Chèo nói riêng và giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Sự quan tâm của đông đảo khán giả với sự kiện là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Chèo – một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.

Huyền Dịu - CJC

Phản hồi