Danh mục Thứ Năm, 14/11/2024

Tiêu điểm \

NSUT Lê Tuấn: “Nghệ thuật Chèo đang chuyển mình để thu hút khán giả”

22:28 12-11-2024
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ, Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh các loại hình giải trí hiện đại bùng nổ, loại hình nghệ thuật này đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận và thu hút công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

NSƯT Lê Tuấn là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng của nhà hát chèo Hà Nội. Ông cũng là đạo diễn của nhiều vở diễn nổi tiếng như: Tình sử Thăng Long, Tình mẹ, Cánh diều làng Vũ Đại, Chuyện thằng Bờm,..

Trước đây ông từng là nhạc công guitar, vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với bộ môn Chèo? 

Tôi sinh ra và lớn lên tại cái nôi nghệ thuật, khi cả gia đình đều làm nghệ thuật. Đến với Chèo đó là một chữ “duyên”. Quê hương tôi ở Hà Tây - là 1 trong 4 chiến Chèo nổi tiếng của khu vực Bắc bộ. Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tôi có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với các diễn viên Chèo, ngồi xem các vở Chèo. Từ lúc nào, Chèo đã ngấm vào tâm trí tôi, tôi dần thấy yêu, thấy mê môn nghệ thuật này, sau đó đã quyết định thi tuyển trở thành nghệ sĩ hề chèo.

NSƯT Lê Tuấn thủ vai Hề Tửu trong vở diễn Nguyễn Công Trứ. (Ảnh: NVCC) 

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, ông đánh giá thế nào về vị trí nghệ thuật Chèo hiện nay trong công chúng?

Khi xưa chưa có công nghệ, không có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận đối với các loại hình văn hoá nghệ thuật nên họ thường xuyên xem những tiết mục truyền thống. Nền âm nhạc Việt Nam hiện nay ngày càng phong phú với nhiều dòng nhạc mới hội nhập, khiến cho nghệ thuật Chèo gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trong việc thu hút khán giả trẻ tuổi. Thế nhưng, vị trí của nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng vẫn như một sức sống tồn tại bền bỉ cùng với thời gian. Tuy cách tiếp cận khác nhau nhưng những nghệ thuật này đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân Việt Nam. Công nghệ phát triển đã giúp nhiều người dễ dàng và tiếp cận rất nhanh với nghệ thuật chèo qua TV, điện thoại thông minh,... 

Bản thân ông và Nhà hát Chèo Hà Nội đã có những kế hoạch nào để quảng bá nghệ thuật Chèo đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ?

Hàng tuần vào mỗi thứ 6, Nhà hát Chèo Hà Nội chúng tôi sẽ biểu diễn thường niên các vở chèo tại đền Bà Kiệu, Hoàn Kiếm. Đây cũng là khoảng thời gian có tuyến phố đi bộ thu hút không chỉ người dân Hà Nội mà còn nhiều du khách từ khắp nơi. Chúng tôi coi đây chính là một kênh để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật Chèo đến gần hơn với khán giả. Nghệ thuật Chèo là nghệ thuật nghe nhìn, công chúng cần phải được xem trực tiếp, trực tiếp tiếp xúc với sự hấp dẫn của nghệ thuật chèo. Nếu họ chưa được tiếp cận với Chèo mà muốn họ mua vé vào nhà hát để nghe Chèo 2 tiếng là điều gần như không thể. Nắm được nhu cầu giải trí của công chúng, chúng tôi muốn kết hợp hoạt động đi dạo bờ Hồ của người dân với việc xem các vở diễn từ các diễn viên tại nhà hát của chúng tôi. 

Ngoài ra, chúng tôi còn đổi mới phương pháp tiếp cận khi hướng đến các bạn học sinh, sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường với mong muốn khơi dậy tình yêu của lớp trẻ dành cho các giá trị truyền thống. Chúng tôi đem đến sân khấu học đường, giới thiệu các nhân vật chèo giới thiệu các mô hình chèo, dạy từng vai mẫu. Từ đó, qua việc thưởng thức nghệ thuật biểu diễn, sự hứng thú sẽ tạo cho họ niềm yêu, từ nghe chèo, say mê chèo, yêu chèo sau đó nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống.

Buổi trải nghiệm nghệ thuật Chèo do các diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện tại trường liên cấp Vinschool. (Ảnh: NVCC) 

Hiện nay, thông qua các chương trình ca nhạc, các nghệ sĩ trẻ đã làm mới các giai điệu chèo để phù hợp với thị yếu công chúng. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi đã xem chương trình Anh trai Vượt ngàn chông gai khi các bạn nghệ sĩ trẻ kết hợp nghệ thuật Chèo với hip hop để trình diễn vở Đào liễu. Đây là một điều rất tuyệt vời khi những nghệ sĩ trẻ có tầm ảnh hưởng quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bằng sức trẻ, sự sáng tạo họ đã đưa ra một cách tiếp cận mới khiến giới trẻ dễ dàng cuốn vào. Thứ nhất là nó mới lạ. Thứ hai nó có sức hấp dẫn riêng. Theo tôi cảm nhận đây một nước đi rất hay và cần được phát huy trong tương lai. 

Không chỉ ở những chương trình nghệ thuật lớn, nghệ thuật Chèo đang được nhiều sinh viên chọn làm đề tài để tổ chức các chương trình và dự án nghệ thuật, trong đó có dự án “ Chèo nảy Chèo nay” của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông đánh giá thế nào về những dự án như vậy?

Là một nghệ sĩ đã theo đuổi Chèo hơn 40 năm, tôi thấy rất vui khi sự kiện “Chèo nảy Chèo nay” cùng các dự án của các bạn trẻ mở ra để quảng bá nghệ thuật Chèo đến gần hơn với giới trẻ. Đây là một hình thức, cũng là một kênh mới để giới thiệu nghệ thuật Chèo đến với công chúng. Từ việc thông qua những hoạt động triển lãm về tác phẩm, về nhân vật, về vở diễn; workshop trang trí đạo cụ diễn Chèo, trải nghiệm về Chèo của sự kiện, tôi rất ủng hộ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: “Là người Việt Nam chúng ta cần phải yêu truyền thống văn hóa dân tộc, yêu những nghệ thuật của dân tộc mình”. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều sáng kiến và hành động thiết thực, mở lối cho nghệ thuật Chèo tiếp cận và được yêu thích trong cộng đồng, nhất là giới trẻ - những người nắm giữ tương lai của nghệ thuật truyền thống.

 Sự kiện “Chèo Nảy Chèo Nay” của nhóm sinh viên đã thu hút sự quan tâm đông đảo từ khán giả, qua đó góp phần quảng bá và lan toả nghệ thuật Chèo đến gần hơn giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.
Ngọc Quyên

Phản hồi