Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Tiêu điểm \

Người trẻ dễ đánh mất mình vì ... kiếm tiền bất chấp

23:21 28-12-2024
Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, cám dỗ của đồng tiền ngày càng len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong giới trẻ. Với tư tưởng sùng bái vật chất, “tiền là trên hết”, một bộ phận giới trẻ đang bị đồng tiền dẫn dụ vào chỗ “lầm đường, lạc lối”.

Nô lệ của “đồng tiền”

Dân gian thường có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “có tiền mua tiên cũng được” nhằm khẳng định vai trò của tiền bạc trong cuộc sống. Ngày nay, tiền không chỉ đơn thuần là công cụ trao đổi hàng hóa mà nó trở thành một “bác sĩ tâm lý độc hại” ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận giới trẻ. Nhiều người trong số họ đã tự biến mình thành “nô lệ” cho đồng tiền, chạy theo lợi ích vật chất mà quên đi lương tâm, đạo đức và pháp luật chỉ với mong muốn thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ.

Vậy thực tế trong cuộc sống tiền bạc đã điều khiển thanh niên như thế nào? Gần đây nhất, vụ việc TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) với thành tích học tập khủng như nhận được học bổng toàn phần tại một trường đại học ở Singapore, sở hữu chứng chỉ IELTS 8.5 trở thành “ông trùm lừa đảo” hơn 5000 tỷ đồng. Từ năm 2019, thanh niên này đã cấu kết với Lê Khắc Ngọ cùng một nhóm người nước ngoài tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Điều gì đã khiến cho Phó Đức Nam từng là niềm tự hào của cha mẹ, một bạn trẻ tài năng có thể đem lại vinh quang cho đất nước lại trở thành như vậy? Thật đáng buồn, bản thân Phó Đức Nam đã tự nhận thức được hành vi của mình những vẫn sẵn sàng lao vào, tất cả chỉ vì “tiền”. 

Đối tượng lừa đảo Mr Pips (Phó Đức Nam). (Ảnh: Báo Lao Động) 

Những nạn nhân trong vụ việc đều ở độ tuổi thanh thiếu niên, sinh viên nhưng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 8 tỷ đồng/ người. Vậy nguyên nhân từ đâu các bạn thanh thiếu niên đó lại bị lừa một số tiền lớn như vậy? Được biết, những nội dung đăng tải trên kênh TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác của Phó Đức Nam thường mô tả sự giàu có, cuộc sống xa hoa và cách kiếm tiền dễ dàng. Chính điều đó đã đánh thẳng vào tâm lý của một số bộ phận giới trẻ hiện nay “muốn kiếm tiền những không muốn bỏ sức”. Một hình mẫu thành công xuất hiện liên tục trong điện thoại đã khắc sâu hình ảnh giàu có, xa hoa vào trong trí não và khiến họ nổi lòng tham. Thật đáng buồn, chính sự thiếu nhận thức và lối tư duy “lười làm” đã khiến họ trở thành “con mồi béo bở” của loại tội phạm lừa đảo này. 

Nguy hiểm hơn, một số bạn thanh niên còn coi những kẻ lừa đảo, tội phạm vị thành niên như “thần tượng”. Mặc dù gia đình không gặp khó khăn nhưng nhiều bạn trẻ vẫn mong muốn nhanh chóng kiếm được nhiều tiền để thỏa mãn thú vui ăn chơi. Họ đã sớm bỏ học và rủ nhau tham gia vào các hoạt động trộm cướp hay kinh doanh phi pháp. Vì tham lam, nhiều người đã bất chấp lương tri và đạo đức, thậm chí coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác để kiếm lợi nhuận từ việc buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả và nhiều loại hàng giả khác. Hậu quả là không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị phát hiện, với những kẻ thực hiện chính là những người trẻ tuổi. Điển hình là vụ mưu sát cả một gia đình của thanh niên 17 tuổi Nguyễn Văn Luyện gây rúng động Việt Nam năm 2011 vì để thoả mãn “túi tiền”.

Không chỉ dừng lại ở việc ham muốn vật chất tầm thường, một số bộ phận người trẻ còn tự “đánh rơi mình” vào cái hố “phông bạt”, “nghèo tập xài sang”. Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nghèo thì lấy tiền đâu mà “xài sang”, nhưng trên thực tế có rất nhiều bạn trẻ đang sống theo lối sống này. Mặc dù thu nhập không cao và tiền bạc không dư dả, nhiều người trẻ vẫn muốn duy trì hình ảnh hào nhoáng bằng cách chi tiêu mạnh tay vào các sản phẩm xa xỉ như hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền hay điện thoại đời mới nhất. Những món đồ này thường vượt quá khả năng tài chính của họ và đó chính là lý do cụm từ “nghèo tập xài sang” ra đời. Một ví dụ điển hình là vụ việc gây chấn động mạng xã hội Việt Nam năm 2022 liên quan đến Anna Bắc Giang (Ninh Thị Vân Anh). Cô gái này đã xây dựng hình ảnh một tiểu thư con nhà giàu với bố làm thương gia và sở hữu những món đồ hiệu có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài lấp lánh ấy lại là một thực tế phũ phàng: gia đình cô sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, với một căn nhà cấp 4 lợp mái tôn. Hình ảnh “mỹ miều” đã giúp cô chiếm được lòng tin của nhiều người, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lên đến hơn 17 tỷ đồng.

Vụ việc này không chỉ phản ánh sự giả dối trong cách sống của một bộ phận người trẻ, mà còn là lời cảnh tỉnh về sự mù quáng trong việc chạy theo hình thức và những giá trị vật chất bề ngoài. Đằng sau mỗi câu chuyện hào nhoáng có thể là những thực tế phũ phàng và việc sống thật với bản thân, thay vì giả dối để thỏa mãn sự ngưỡng mộ của người khác, mới chính là con đường dẫn tới hạnh phúc và thành công bền vững.

Tham vọng kiếm tiền bất chấp, vì đâu nên nỗi? 

Qua đời sống hàng ngày và thông tin truyền thông có thể thấy, hiện nay đang có một thực tế đáng báo động về việc chủ nghĩa thực dụng dẫn lối hành động cho giới trẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do sự tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường. Trong thời đại kinh tế mở, vật giá leo tháng, đời sống vật chất ngày càng cao thì tiền càng có vị thế. Dường như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể quy ra bằng tiền hoặc rất nhiều tiền, thậm chí tiền còn có thể mua cả giá trị tinh thần như danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội bằng cái giá “rất rẻ”.

Nói đến ma lực của đồng tiền, tôi nhớ đến tiểu thuyết “Đồng tiền hai mặt” của tác giả Nguyễn Khắc Mẫn. Chính những con “ma tiền” đã thao túng cảm xúc và lý trí của người trẻ; đó là thứ quyền lực vô song có thể đẩy đưa người ta đến vui, buồn, sướng, khổ, thành công hay thất bại. Ma lực của đồng tiền khiến cho người trẻ trở nên tham lam ngay cả trong cách nghĩ: “Tiền quyết định mọi hành động, có nhiều tiền đồng nghĩa với thành công”. Do đâu mà tiền đã ăn sâu vào máu của những bạn trẻ? 

Ông Lê Quốc Lâm - Thạc sĩ Tâm lý - Giáo dục nhận định: “Hiện tượng chạy theo đồng tiền là hiện tượng tâm lý chung của đám đông, hiện tượng sợ bị bỏ lỡ (fomo). Một số bạn do thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nên lớn lên có mong muốn có được sự chú ý của người khác. Thứ hai là để thỏa mãn lòng tham, cảm xúc của mình”. Vậy nguyên nhân sâu xa bên trong là do người trẻ hiện nay đang thiếu đi kỹ năng nhận diện những giá trị tích cực, ca ngợi các giá trị của chủ nghĩa tư bản, sùng bái vật chất, không làm chủ được bản thân trước sức hút ghê gớm của đồng tiền. Có vẻ như câu nói cửa miệng trong dân gian “mua danh ba vạn, bánh danh ba đồng” đã phản ánh phần nào về việc giới trẻ định hướng lý tưởng sống với việc đi nhanh, đi gấp, đi cửa sau,... cốt sao có được nhiều tiền. 

Nhìn ở góc độ khác, mặt trái của sự phát triển kinh tế với tư tưởng thực dụng đã ăn sâu, len lỏi vào đời sống của nhiều gia đình trong xã hội. Chính gia đình cũng đang lăn lộn với đồng tiền mà quên đi việc quan tâm, sát sao với con cái. 

Những thực trạng đáng buồn nêu trên khiến nhiều người nghi hoặc rằng liệu giới trẻ ngày nay còn coi trọng lý tưởng, khát vọng cống hiến. Chính ma lực của đồng tiền đã đánh thẳng vào tâm lý người trẻ? Hay sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng bị thế chỗ bởi những toan tính thiệt hơn cùng ảo mộng phù du đổi đời trong mấy chốc. Tư tưởng thực dụng đặt đồng tiền lên trên mọi giá trị sống cũng chính là yếu tố hình thành lối sống ích kỷ, vô cảm, khiến người trẻ trở nên xa cách với những giá trị tinh thần quý báu, gia đình, người thân. 

Nhưng chỉ qua một bộ phận người trẻ sa lầy trong bóng tối của “đồng tiền vạn năng” không thể phản ánh bản chất của thế hệ thanh niên thời nay. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng tiền bạc có vai trò thiết yếu trong đời sống. Nó như “đũa phép” mang lại cuộc sống ấm no, tạo cơ hội học tập và phát triển bản thân.

Điều quan trọng là bạn trẻ cần có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền: đừng để nó làm chủ cuộc đời mình mà hãy biến đồng tiền thành công cụ phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là điều quan trọng để chống lại cám dỗ của đồng tiền. Lấy đạo đức làm chuẩn mực để không vượt qua ranh giới của pháp luật, người trẻ cần phải hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa cống hiến và hưởng thụ. 

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, khát vọng, mục tiêu, lý tưởng của người trẻ cũng có những sự chuyển dịch cùng thực tiễn. Nhưng điều căn cốt là lý tưởng đó không nằm ngoài, không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, hãy có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, nhân sinh quan: nhìn lên để thấy mình còn thiếu mà cố gắng phấn đấu, nhìn xuống để thấy mình cũng đủ đầy hơn nhiều người. Biết thiếu, biết đủ, âu cũng là hạnh phúc ở đời vậy!

Cẩm Tú, Ngô Linh - Báo In K42

Phản hồi