Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Tiêu điểm \

GenZ giữ lửa và tiếp nối văn hoá dân tộc

23:00 28-12-2024
Văn hóa không chỉ là di sản mà còn là hồn cốt của mỗi dân tộc. Nhận thức sâu sắc về vai trò thiết yếu của văn hóa trong đời sống, thế hệ trẻ hôm nay đang không ngừng nỗ lực gìn giữ và nối tiếp các giá trị văn hoá truyền thống. 

Người trẻ giữ lửa nối tiếp làng nghề truyền thống

Làng gốm Bát Tràng – nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam, từ lâu đã gắn liền với hình ảnh những nghệ nhân miệt mài bên lò nung, gìn giữ từng nét văn hóa cổ truyền. Giữa bối cảnh làng nghề gốm sứ Bát Tràng đối mặt với nhiều thách thức, thế hệ trẻ nơi đây vẫn đang khẳng định vị thế của mình không chỉ với vai trò người kế thừa, mà còn là những người đổi mới, mang lại hơi thở hiện đại cho sản phẩm gốm. 

Một trong số những gương mặt tiêu biểu là anh Đặng Phương Tây, 25 tuổi, người đã bắt đầu hành trình theo đuổi nghề gốm từ khi mới 15 tuổi. Mặc dù không xuất thân từ gia đình có truyền thống làm gốm, anh Tây đã tự mình nỗ lực học hỏi, ngày đêm miệt mài bên bàn xoay và lò nung để hoàn thiện tay nghề, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của dân tộc.

Xưởng sản xuất gốm Việt Hoàng tại xã Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Cẩm Tú) 

Hiện tại, anh Tây đảm nhận vai trò quản lý tại xưởng gốm Việt Hoàng ở Bát Tràng. Đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê chế tác gốm mà còn là cơ hội để anh thể hiện khả năng, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. “Gốm có duyên với anh, anh càng làm anh càng cảm thấy đam mê với công việc của mình đang làm”, anh Tây tự hào chia sẻ.

 Anh Tây say mê thực hiện sáng tạo gốm Bát Tràng. (Ảnh: Cẩm Tú)

Những người trẻ như anh Tây không chỉ giữ nghề mà còn nỗ lực đổi mới để phù hợp với thời đại. Họ kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, tạo nên những sản phẩm vừa mang giá trị nghệ thuật, vừa có tính ứng dụng cao. 

Nghệ nhân Nguyễn Huy Hoàng, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm gốm, chủ của xưởng gốm Việt Hoàng chia sẻ: “Những truyền thống của cha ông để lại đến ngày nay vẫn được chúng tôi gìn giữ và phát triển, tuy nhiên muốn phát triển lâu dài cần có thế hệ trẻ tiếp nối. Hiện tại, giới trẻ đã có những cập nhật tiến bộ về công nghệ mới, mẫu mã, kiểu dáng, hoạ tiết, hoa văn hơn so với thế hệ trước. Không những vậy, người trẻ còn biết áp dụng tiến bộ văn minh nước ngoài hoà quyện với nét đẹp truyền thống.” 

Nghệ nhân Huy Hoàng hướng dẫn các bạn trẻ trong việc sáng tạo tác phẩm gốm mỹ nghệ. (Ảnh: Cẩm Tú) 

Anh cho biết thêm, để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đặc biệt là gốm Bát Tràng, các bạn trẻ cần kết hợp giữa việc học hỏi và tiếp thu những điều mới mẻ, trong khi vẫn giữ gìn những giá trị cốt lõi của di sản. Chính sự hòa quyện giữa cái mới và cái cũ sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho việc sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị và ý nghĩa.

Dẫu còn nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp đến việc thu hút giới trẻ tham gia, thế hệ trẻ Bát Tràng vẫn vững tin vào giá trị trường tồn của nghề gốm. Họ hiểu rằng, giữ lửa làng nghề không chỉ là bảo tồn một nghề truyền thống, mà còn là duy trì linh hồn của văn hóa Việt.

Lan tỏa văn hóa dân gian qua không gian sáng tạo

Với mong muốn lan tỏa tín ngưỡng dân gian Đạo Mẫu và giúp mọi người nhận thức rõ ràng đây không phải là mê tín dị đoan, anh Đinh Ngọc Tùng, 22 tuổi, người sáng lập Dân Gian Cà Phê, đã tạo ra một không gian đặc biệt để hiện thực hóa ước mơ này. Anh chia sẻ: "Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn rằng Tín ngưỡng dân gian Đạo Mẫu là mê tín dị đoan. Theo những gì mình tìm hiểu, đây thực sự là một nét văn hóa độc đáo của dân gian Việt Nam, và điều quan trọng là nó đã được UNESCO công nhận."

Anh Đinh Ngọc Tùng giới thiệu không gian trưng bày sản phẩm đầy sáng tạo tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh: Khánh Huyền) 

Ngoài việc trưng bày những bức tranh Đạo Mẫu, Dân Gian Cà Phê còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa dân gian phong phú khác. Anh Tùng tâm sự: "Ban đầu, mình mở quán chỉ để trưng bày sản phẩm, nhưng sau đó nhận ra mình muốn lan tỏa giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Trong quá trình đó, mình hiểu rõ hơn về các nghệ thuật dân gian và nhận thấy chúng đang dần bị mai một, như trường hợp của tò he chẳng hạn". 

 Workshop làm tò he tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh: Dân Gian Cà Phê)

Workshop vẽ nón tại tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh:  Dân Gian Cà Phê) 

 

 Góc trưng bày vật phẩm tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh: Khánh Huyền)

Trong không gian ấm áp và đầy sắc màu của Dân Gian Cà Phê, mỗi góc nhỏ đều mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Không chỉ dừng lại ở những buổi thảo luận (workshop) về văn hóa truyền thống, tại đây còn mở ra nhiều hoạt động hấp dẫn như chơi trò chơi dân gian hay thỏa sức sáng tạo với những bức tranh của riêng mình. 

Khách hàng trải nghiệm vẽ tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh: Khánh Huyền) 

Đặc biệt, mỗi vị khách đến không gian này đều có cơ hội ghi lại những kỉ niệm đáng nhớ trong cuốn Nhật ký của Dân Gian Cà Phê. Cuốn nhật ký không chỉ là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mà còn là một phần của hành trình khám phá văn hóa dân gian, nơi mỗi trang viết đều kể lại câu chuyện riêng của từng người.

Nhật ký dành cho khách lưu lại kỉ niệm tại Dân Gian Cà Phê. (Ảnh: Khánh Huyền) 

Người trẻ ngày nay không chỉ là những người kế thừa văn hóa truyền thống mà còn là những nhà sáng tạo dũng cảm, sẵn sàng đổi mới để phát triển di sản văn hóa của dân tộc. Họ hiểu rằng văn hóa là một dòng chảy sống động, cần được làm mới và thích ứng với nhịp sống hiện đại. Bằng việc kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại, thế hệ trẻ đã thổi hồn vào văn hóa dân tộc, tạo ra những sản phẩm độc đáo và hấp dẫn, giúp văn hóa trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.

Khánh Huyền, Cẩm Tú - Báo In K42

Phản hồi