Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Thói quen ăn uống biến chuyển trong thời đại mới

16:00 13-05-2024
Trong vòng một thập kỷ qua, thói quen ăn uống của người Việt đã chứng kiến nhiều thay đổi đáng chú ý để phù hợp hơn với thời đại.

Bối cảnh mở cửa hội nhập quốc tế cùng nhịp sống hối hả trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tác động mạnh mẽ đến thói quen ăn uống của người dân, dẫn đến những thay đổi cả về mặt tích cực và tiêu cực. 

Từ “ăn no mặc ấm” đến “ăn ngon mặc đẹp”

Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, hầu hết người Việt chỉ có nhu cầu ăn đủ no để qua ngày. Tuy nhiên, ngày nay xã hội phát triển hơn, nhiều người không chỉ cần “ăn no mặc ấm” mà còn muốn “ăn ngon mặc đẹp”. Chất lượng cuộc sống nâng cao khiến khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như sức khỏe của người Việt có nhiều thay đổi. 

Theo Tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020 của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của WHO về vấn đề sức khỏe cộng đồng và trên đà đạt được Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi. 

Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ công bố kết quả. (Ảnh: Bộ Y tế) 

Chị Bảo Linh (42 tuổi, Hà Nội) cho biết việc ăn uống hằng ngày sao cho lành mạnh là một vấn đề khá nan giải: “Mỗi ngày tôi đều phải suy nghĩ thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình, mỗi bữa cũng 4 - 5 món ăn khác nhau. Nhà tôi lại có con đang ở độ tuổi mới lớn nên càng phải thận trọng hơn”.

Đây là những thách thức không nhỏ không chỉ đối với chị Bảo Linh mà còn nhiều người nội trợ khác. Giờ đây, hơn cả đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, bữa ăn còn đóng vai trò trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Bên cạnh đó, với sự hội nhập văn hóa sâu rộng, nền ẩm thực Việt cũng trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Sự đa dạng này cũng làm thay đổi thói quen ăn uống của người Việt, khi ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp nhận ẩm thực giúp thay đổi khẩu vị và làm bữa ăn thêm phần hấp dẫn.

Là một tín đồ của ẩm thực Trung Quốc, Mỹ Dung (22 tuổi) tâm sự: “Thị trường ẩm thực Việt bây giờ rất đa dạng, nhiều món được du nhập từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Do đó, mình có rất nhiều lựa chọn để “đổi gió” vào những ngày chán cơm hoặc không có thời gian nấu nướng. Mình cảm thấy rất vui và hào hứng khi được trải nghiệm những nét ẩm thực mới lạ này”. 

Mỹ Dung cho biết ẩm thực Việt ngày nay rất đa dạng. (Ảnh: NVCC)

Hơn nữa, ngày nay các món Việt còn được kết hợp đa dạng với ẩm thực của nước khác: gỏi măng ăn kèm nước mắm thuần Việt kết hợp với vang trắng Sauvignon Blanc, bò hầm sốt vang… 

Hấp dẫn món bò sốt vang kiểu Pháp. (Nguồn: SibaFood) 

Hành trình học hỏi và sáng tạo này không chỉ đơn thuần là "lai ghép" các nguyên liệu hay kỹ thuật nấu nướng, mà còn là sự giao thoa văn hóa đầy tinh tế. Việc kết hợp các nguyên liệu vào nước ngoài vào món ăn Việt vừa mang đến hương vị mới mẻ, thu hút thực khách quốc tế vừa góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả.

Mai một giá trị ẩm thực truyền thống

Trái lại, chất lượng cuộc sống nâng cao khiến quỹ thời gian của con người trở nên eo hẹp, nên khó có thể dành thời gian cho việc nấu ăn cũng như đảm bảo chất lượng và tần suất của việc ăn uống đầy đủ. Nhiều người đã nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của bữa ăn song việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh vẫn là một thử thách lớn. 

Chị Thanh Hà (26 tuổi) cho biết vì bận rộn nên hay ăn uống thất thường: “Lịch trình công việc của mình khá dày đặc nên đối với mình, tự vào bếp nấu ăn là một thử thách lớn. Vì vậy, mình thường lựa chọn sử dụng đồ ăn hộp, thậm chí là bỏ bữa trong những ngày đi làm về muộn”.

Không còn xu hướng ăn ba bữa truyền thống mỗi ngày, nhiều người lựa chọn thức ăn nhanh, chế biến sẵn hay thức ăn đóng hộp. Theo báo cáo “Mở khóa ngành hàng đồ ăn nhanh” của Cốc Cốc (2023), thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam có lượng tiêu thụ rất lớn khi có đến 45% với tần suất hằng ngày hoặc hằng tuần. Ngoài ra, theo ghi nhận, bên cạnh khẩu vị, tính nhanh và tiện lợi cũng là những tiêu chí quyết định trong việc lựa chọn món ăn của người trưởng thành.

Đứng trước thực tế này, Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng sự xuất hiện của nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh hay đồ ăn tiện lợi đang dần làm phai nhạt đi các giá trị truyền thống của dân tộc: “Xã hội xê dịch, con người bắt buộc phải theo. Tiếp nhận quá nhiều món ăn nhanh đã khiến nhiều người đã không còn hiểu được giá trị cốt lõi của ẩm thực truyền thống”.

Theo Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, các cửa hàng đồ ăn nhanh làm phai nhạt đi giá trị ẩm thực truyền thống. (Ảnh: NVCC) 

Bên cạnh đó, Nghệ nhân chia sẻ thêm không chỉ đồ ăn nhanh, sự du nhập của nhiều ẩm thực ngoại cũng đang dần lấn át vị trí của ẩm thực nước nhà: “Ngày nay, với sự mở cửa và hội nhập văn hóa, có rất nhiều món ăn đã được du nhập vào Việt Nam: đồ  Âu, đồ Trung, đồ Thái… rất nhiều sự lựa chọn. Nhiều người bây giờ ăn gì cũng phải “lai” một chút, chính điều này đã khiến cho hồn cốt dân tộc, những tinh hóa văn hóa của ẩm thực nước nhà bị mất đi”.

Tuy nhiên, theo Nghệ nhân, quá trình chuyển biến thói quen ăn uống sao cho phù hợp với xu hướng hiện đại vẫn là luôn là một dấu hỏi lớn với tất cả mọi người.

Trong bối cảnh hiện nay, ẩm thực sẽ không ngừng thay đổi, câu chuyện về sự giao thoa và chuyển mình trong văn hóa ăn uống vẫn sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm. Để đảm bảo sức khỏe toàn diện về vật chất lẫn tinh thần, mỗi cá nhân người Việt nên nhận thức đúng về cách thức ăn uống sao cho phù hợp, đồng thời cũng cần trân trọng và phát huy những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.

Thêu Vũ - MĐT K41

Phản hồi