Danh mục Chủ Nhật, 29/12/2024

Tiêu điểm \

Gối chữ - Vòng tròn đọc văn học Nhật Bản

10:08 28-12-2024
Ngày 27/12, buổi sinh hoạt thảo luận về cuộc đối thoại giữa các loại hình nghệ thuật, giữa thẩm mỹ phương Đông, phương Tây trong cuốn tiểu thuyết “Gối đầu lên cỏ” của Sōseki được tổ chức tại Tổ Chim Xanh (27 Đặng Dung, Hà Nội).

Gối Chữ là dịp để những người yêu văn chương thưởng thức và chia sẻ trải nghiệm cá nhân với văn chương Nhật Bản. Không chỉ thu hút những người có  tình yêu đặc biệt với nền văn học Nhật, chương trình còn hoan nghênh những người muốn khám phá một địa hạt mới trong văn học nghệ thuật. Tổ chức chương trình là nhà báo Nguyễn Hiệp - người có hiểu biết sâu rộng về văn thơ của "đất nước mặt trời mọc".   

Chủ đề lần này xoay quanh tác phẩm ‘Gối đầu lên cỏ’ – một thử nghiệm về ‘tiểu thuyết Haiku’ (Haiku Teki Shosetsu) mà tác giả Natsume Sōseki sáng tác hồi đầu thế kỷ trước. Buổi thảo luận mở ra những góc nhìn mới lạ và thú vị về cuốn tiểu thuyết, từ cách xây dựng nhân vật đến các hình ảnh thơ mộng và triết lý sâu sắc được tác giả khắc họa qua từng trang sách. Nhà báo Nguyễn Hiệp hy vọng, buổi thảo luận không chỉ giúp người tham gia hiểu rõ hơn về phong cách sáng tác của Sōseki, mà còn là nơi để giao lưu, chia sẻ những quan điểm và cảm nhận cá nhân về văn học và nghệ thuật của nước Nhật nói chung.

Cuốn tiểu thuyết “Gối đầu lên cỏ” là sự kết hợp giữa bài luận và truyện hư cấu, giữa tiểu thuyết và thơ; trong đó hầu như không có cốt truyện, và các nhân vật chính là điểm nhấn. (Ảnh: Ngô Linh) 

Nhà báo Nguyễn Hiệp chia sẻ: “Gối đầu lên cỏ là sự hòa quyện độc đáo giữa cảm xúc, suy tưởng và thiên nhiên. Tiểu thuyết mang đến hiệu ứng thị giác đặc biệt cho người đọc, ở đó người nghệ sĩ đồng hóa mình vào đối tượng là người họa sĩ trẻ để phác thảo lại bức tranh nàng Nami. Cái tài tình của ông là biến cuốn tiểu thuyết thành những bức tranh vừa mang đường nét phương Tây, vừa thấm đượm tinh thần phương Đông, tạo nên sự giao thoa kỳ diệu giữa văn học và hội họa”.

Các thành viên tham gia tại buổi thảo luận “Gối đầu lên cỏ” của Sōseki được tổ chức tại Tổ Chim Xanh. (Ảnh: Khánh Huyền) 

Chia sẻ về cảm nhận khi đọc các tác phẩm thuộc thể loại thơ haiku, chị Hoàng Lan cho biết: “Ở phần đầu của tác phẩm, mình khá ấn tượng với những triết lý của tác giả về thi ca. Ông đã đưa haiku vào câu chuyện một cách rất tự nhiên, những câu thơ haiku về thiên nhiên, cảnh vật đã tạo nên sự hòa hợp giữa thế giới thực tại và thế giới tâm hồn. Điều này làm cho văn chương không đơn thuần chỉ là “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà còn là “nghệ thuật vị nhân sinh”. 

Sau buổi thảo luận sôi nổi và đầy cảm hứng về tác phẩm "Gối đầu lên cỏ" của Natsume Sōseki, nhà báo Nguyễn Hiệp gửi lời cảm ơn tới tất cả các bạn đọc đã tham gia. Ông nhấn mạnh giá trị của việc khám phá những tác phẩm văn học kinh điển và khuyến khích mọi người tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Nhật Bản. Đặc biệt, nhà báo Nguyễn Hiệp thông báo buổi thảo luận tiếp theo xoay quanh cuốn sách "Tôi là một con mèo" sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2025. Đây là một tác phẩm nổi tiếng khác của Sōseki, hứa hẹn sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ và thú vị.

Ngô Linh, Khánh Huyền - Báo In K42

Phản hồi