Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Đồ ăn ngoại “xâm chiếm” ẩm thực Việt

14:00 11-05-2024
Thời đại hiện nay chứng kiến sự chuyển dịch trong việc tiếp nhận ẩm thực của người Việt Nam, khi những món ăn ngoại dần trở nên phổ biến trong mâm cơm của nhiều gia đình.

Ngày nay, với sự hiện diện đầy mạnh mẽ của đồ ăn ngoại trong những bữa cơm, nhiều người băn khoăn liệu xu hướng này sẽ có tác động tới văn hóa ăn uống của người Việt như thế nào.

Hại vì đồ ngoại

Không phải ngẫu nhiên mà các món ăn ngoại chiếm được nhiều cảm tình của nhiều gia đình. Nhiều người lựa chọn thưởng thức những đồ ăn có nguồn gốc từ nước ngoài bởi sự ngon mắt, ngon miệng và tính tiện lợi của chúng cũng như mong muốn khám phá nhiều nền ẩm thực trên thế giới.

Là một người trẻ đam mê ẩm thực Hàn Quốc, Thu Vân (20 tuổi, Hà Nội) cho biết hương vị của các món ăn này rất lôi cuốn: “Bởi niềm yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, mình thường xuyên đi ăn cũng như tìm tòi cách nấu loại đồ ăn này. Các món ăn Hàn Quốc rất thơm ngon và hương vị cũng vô cùng đậm đà”.

Thỉnh thoảng, chuyển sang ăn đồ ngoại đôi ba bữa là một cách hay để đổi món, đổi vị. Tuy nhiên, nếu các món ăn này xuất hiện liên tục với tần suất dày đặc trong nhiều bữa ăn, sẽ có nhiều hệ lụy khó tránh khỏi.

Ẩm thực của mỗi quốc gia mang những nét đặc trưng phù hợp với cuộc sống và sức khỏe của người dân tại quốc gia đó. Nhiều đồ ăn ngoại không phù hợp với đặc điểm người Việt, nên việc tiêu thụ chúng quá nhiều chắc chắn sẽ để lại không ít vấn đề về sức khỏe.

“Ẩm thực Hàn Quốc thường khá cay và sử dụng rất nhiều dầu mỡ nên khi ăn quá nhiều, mình hay bị đau dạ dày. Không chỉ vậy, nhiều món ăn cũng không có đầy đủ dinh dưỡng do thiếu rau xanh hay chất đạm”, Thu Vân tâm sự.

Thu Vân cho rằng chỉ nên tiếp nhận các món ăn Hàn Quốc ở mức độ vừa phải. (Ảnh: NVCC)  

Ngoài ra, sự mất kết nối gia đình cũng là một hệ quả của những bữa ăn toàn đồ ngoại. Bà Tuyết Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ có cháu trai rất mê mỳ Ý và pizza, mỗi tuần đều mua về cho cả gia đình ăn tối. Nhưng bản thân bà lại không thể ăn được những món ăn này.

Bà Phương bộc bạch: “Các món này có nhiều dầu mỡ, chất béo dễ làm tăng cholesterol, và cũng có nhiều ảnh hưởng khác đến sức khỏe. Cũng muốn ăn cùng các cháu lắm nhưng mấy đồ đó mình không ăn được. Bà cháu ngồi cạnh nhau nhưng lại ăn các đồ ăn khác nhau, bữa cơm cũng bớt ngon đi một chút”.

Nét điểm tô thú vị

Bên cạnh những bất cập, cũng cần phải khẳng định rằng, sự du nhập và lan rộng của các loại đồ ăn nước ngoài cũng mang lại nhiều giá trị đối với nền ẩm thực nước nhà. Với sự hiện diện của các món ăn ngoại, bản đồ ẩm thực Việt Nam đang trở nên đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết với nhiều nét điểm tô ấn tượng.

Trong thời gian gần đây, một cửa hàng pizza tại Hà Nội đã gây bất ngờ khi sáng tạo và bán các loại pizza mới lạ với nhiều nguyên liệu đậm chất Việt Nam như: Pizza Bò Cà Pháo, Pizza Bánh Tráng Tôm Chua hay Pizza Bò Nam Bộ… Các món bánh này được đánh giá “vừa lạ vừa quen” và đón nhận phản hồi tích cực cũng như cảm giác thích thú từ nhiều thực khách.

Những chiếc pizza “độc lạ” với nguyên liệu là cà pháo và bánh tráng trộn được một nhà hàng giới thiệu. (Ảnh: Fanpage Union Pizza) 

Đây chỉ là một trong số rất nhiều nhà hàng đã và đang tìm cách đổi mới, sáng tạo các món ăn bằng cách “pha trộn” những chất liệu ẩm thực phương Tây và phương Đông. Từ đây, nhiều món ăn mới xuất hiện và khách hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn trong việc ăn uống của bản thân.

Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ cũng có xu hướng làm cho quá trình tiếp nhận ẩm thực trở nên thú vị, đặc biệt hơn bằng việc đưa các món nước ngoài vào mâm cơm hằng ngày hoặc xen kẽ một vài bữa ăn “Tây” giữa những bữa ăn Việt truyền thống.

Quốc Khánh (24 tuổi, Cần Thơ) bày tỏ là một người muốn trải nghiệm nhiều phong cách ẩm thực và cũng tìm cách chế biến cho gia đình nhiều món ăn theo chuẩn bản địa. Chàng trai cho biết việc thỉnh thoảng thay đổi giữa các loại đồ ăn mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ.

“Khi nếm thử các món ăn đặc trưng từ khắp thế giới, mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều hương vị mới mẻ và học hỏi thêm các cách nấu ăn độc đáo. Thêm đó, một vài bữa ăn trong tuần toàn đồ ngoại cũng khiến các thành viên trong gia đình mình cảm thấy hào hứng và vui vẻ hơn”, Quốc Khánh tiết lộ.

Không thể phủ nhận rằng các món ăn nước ngoài đang mang đến nhiều làn gió mới cho bức tranh ẩm thực nước nhà. Sự hòa quyện Đông Tây trong các món ăn nội địa không chỉ làm phong phú thêm lựa chọn của nhiều thực khách, mà còn làm cho nền ẩm thực Việt Nam thu hút hơn cũng như trở nên tiệm cận với ẩm thực toàn cầu. 

Tương lai của ẩm thực Việt 

Trước thực tế này, nhiều người lo ngại rằng liệu ẩm thực nội có đang “lép vế” trước ẩm thực ngoại?

Nhận định về thực trạng này, Nghệ nhân Nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến (chủ nhân Chuỗi cung ứng thực phẩm Sạch Từ Tâm) chỉ ra: “Thực phẩm ngoại đang có sức hút đặc biệt với những người tiêu dùng Việt. Bối cảnh toàn cầu hóa chứng kiến sự hội nhập của các nền ẩm thực, con người do đó cũng cởi mở hơn trong việc tiếp nhận đồ ăn nước ngoài. Đây là xu thế tất yếu trong thời điểm hiện tại”.

Tuy nhiên, theo Nghệ nhân, cũng không cần quá lo lắng cho số phận của các món ăn Việt: “Ẩm thực Việt, với sự đa dạng và đặc trưng của nó, vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những người sành ăn. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều loại nguyên liệu và gia vị khác nhau giúp các món ăn trở nên đa dạng, hài hòa và có mùi vị vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, ẩm thực của người Việt còn có sự cân bằng dinh dưỡng, hầu hết các món ăn truyền thống đều đã có đủ các nhóm chất cần thiết nên rất an toàn và lành tính cho sức khỏe của người tiêu dùng”.

Theo Nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến, ẩm thực Việt vẫn mang nhiều đặc trưng và dấu ấn riêng. (Ảnh: NVCC) 

Ngày càng nhiều đồ ăn ngoại hiện diện trong thị trường Việt đồng nghĩa ngày càng có nhiều thách thức trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị ẩm thực truyền thống. Đứng trước sự “xâm lăng” của hàng loạt các món ăn từ Đông sang Tây, đòi hỏi cần có nhiều thay đổi trong việc sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm nội địa.

“Trước làn sóng ngoại nhập, để giữ chân khách hàng ở lại với ẩm thực quê hương, cần có sự đổi mới toàn diện về chất lượng, hình thức, giá cả… của đồ ăn Việt. Các nhà hàng, doanh nghiệp làm đồ ăn truyền thống cũng cần chủ động thích nghi và theo kịp xu hướng của thời đại để không bị thanh lọc hay mất ưu thế trên thị trường”, Nghệ nhân Hải Yến nhấn mạnh. 

Với quá trình hội nhập nhanh chóng và sâu rộng như hiện nay, các vấn đề xoay quanh nội - ngoại là không có hồi kết. Câu chuyện về những chuyển dịch trong văn hóa nói chung và văn hóa ăn uống nói riêng sẽ tiếp tục được bàn luận trong một thời gian dài.  

Gia Thịnh - MĐT K41

Phản hồi