Cơ duyên nghệ thuật đến từ mong muốn cá nhân
PV: Là một người có niềm đam mê với nghệ thuật đặc biệt với những giá trị văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, điều gì đã hướng anh về với những giá trị truyền thống của cha ông?
Cơ duyên khi đến với con đường nghệ thuật của mình hết sức cá nhân. Tình cờ trong khoảng thời gian trước mình đang chông chênh thì mình có về quê ở Nam Định đi xem Hầu Đồng. Mình được trò chuyện với họ hàng, ông bà và tham gia vào những buổi nhạc truyền thống… khi ấy mình cảm thấy có điều vừa xa lạ mà thân quen, thôi thúc mình làm những điều mình đã trải qua. Mình muốn làm một điều gần gũi hơn với người văn hóa của gia đình, của quê hương.
PV: Trong quá trình anh tìm về những giá trị văn hóa truyền thống đó, có những khó khăn hay trở ngại gì đến với anh không?
Mình nghĩ rằng khó khăn nằm ở chính những định kiến của bản thân về di sản, nghệ thuật truyền thống trước đây. Mình đang cố gắng từng ngày gỡ bỏ những định kiến đó. Cá nhân mình được đào tạo âm nhạc của Phương Tây, dòng nhạc cổ điển nên cũng có khoảng thời gian hồi trẻ đam mê những nét văn hóa của phương Tây.
Khi bắt đầu làm việc về văn hóa truyền thống, mình choáng ngợp trước những sự sáng tạo trong tư duy nghệ thuật của cha ông. Trước đây mình không nghĩ rằng các nghệ sĩ lại có thể phối hợp với nhau, vừa nhuần nhuyễn và có tính hàn lâm như vậy. Mình đang cố gắng học hỏi từng ngày để hiểu nhiều hơn về văn hóa quê hương. Thông qua những dự án, tác phẩm cũng như “Lên ngàn”, mình được học hỏi rất nhiều, bởi đó là quá trình mình cùng với các nghệ sĩ tìm lại chính bản thân trong sinh quyển của văn hóa, nghệ thuật ở chính quê hương mình.
“Lên ngàn” để “rực sáng”
PV: Anh đang là Giám đốc và là nhà sáng lập nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên ngàn, vậy vì sao anh lại đặt tên cho nền tảng này là “Lên ngàn”? Mục đích khi anh sáng lập nên Lên ngàn là gì?
“Lên ngàn” là sự kết hợp của “lên đồng” và “ngàn mây”. “Lên đồng” trong văn hóa tứ phủ - thờ mẫu của mình. Chữ “lên” thể hiện cho sự thăng hoa, cho một cái tính chất mạnh mẽ, có sự năng lượng trong đấy. “Ngàn” ở đây có thể là núi, nước non, giống như hành trình con người ta đi tìm những sự tốt đẹp. Trong nghệ thuật, đó cũng là biểu tượng của sự mông lung - tức là luôn đi tìm những thứ mà mình chưa biết. “Lên ngàn” cũng có mục đích như vậy, tức là mong muốn khai phá, đi tìm những điều mình chưa biết.
PV: Có ý kiến cho rằng “Sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo giữa những giá trị văn hóa xưa và nay là sợi dây kết nối thế hệ để làm nên sự hấp dẫn của một Việt Nam đương đại”. Vậy anh suy nghĩ thế nào về ý kiến này?
Mình nghĩ ý kiến này rất chính xác, bởi vì đấy cũng là cái điều mà “Lên ngàn” đang theo đuổi. Mục đích của “Lên ngàn” là tạo ra một không gian kết nối giữa hợp phần trong xã hội - đó là đơn vị nhà nước với doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và công chúng.
“Lên ngàn” là một nền tảng văn hóa nhưng cách thức hoạt động giống một tổ chức văn hóa có trách nhiệm tư vấn, khởi xướng và điều phối các dự án văn hóa nghệ thuật hay đồng hành cùng các nghệ sĩ để tạo ra các tác phẩm. Ngoài ra “Lên ngàn” cũng có hoạt động chuyển đổi di sản, kiến tạo những sự kết nối ngoài việc mang lại sinh kế cho nghệ sĩ còn tạo ra giá trị thặng dư về thương mại giữa khu vực văn hóa nghệ thuật và khu vực kinh doanh.
PV: Anh có chia sẻ rằng “Lên ngàn” được lập ra để hỗ trợ cho những nghệ sĩ làm nghệ thuật độc lập, vậy anh nghĩ rằng đây có phải thời điểm để những nghệ sĩ ấy “trỗi dậy” từ bóng tối bằng chính những sản phẩm của mình không?
Các nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ hoạt động rất lâu, nhưng thời điểm này hội tụ vừa đủ những yếu tố để họ có thể làm được nhiều hơn và có tính chất lan tỏa. Đầu tiên là sự nở rộ của những sự kết hợp, liên kết giữa các nghệ sĩ với nhau, giữa các nghệ sĩ với các tổ chức, các không gian để biểu diễn cũng như các dự án. Ngoài ra các nghệ sĩ độc lập bây giờ, phần lớn các nghệ sĩ trẻ có lợi thế hơn vì có cơ hội tiếp cận thông tin và tư duy cởi mở, đồng thời họ có sự hỗ trợ về các nền tảng mạng xã hội tốt hơn.
Khi những xu hướng mới “gõ cửa”
PV: Hiện nay, có nhiều bạn trẻ với niềm đam mê và sức sáng tạo của mình đã lan tỏa những giá trị văn hóa - nghệ thuật qua góc nhìn hiện đại. Vậy theo anh xu hướng này sẽ góp phần giữ gìn và bảo vệ nét văn hóa truyền thống của dân tộc hay sẽ khiến cho những giá trị văn hóa ấy bị lai tạp, phai mờ theo dòng chảy của thời gian?
Những nền tảng mạng xã hội có tính lan tỏa và sự kết nối mạnh mẽ, nhưng để bảo tồn hay giữ gìn, phát triển giá trị về di sản thì còn phụ thuộc vào người sử dụng các công cụ đó. Đó là ý thức của mình đối với di sản như thế nào. Đây cũng là trách nhiệm của những người làm nội dung, phải có sự tìm tòi, nghiên cứu, đối chiếu không chỉ với những kho tư liệu mà còn là trách nhiệm đối với những điều họ chia sẻ.
PV: Năm 2023 vừa qua anh từng giữ vai trò là Tổng đạo diễn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Vậy anh có thể chia sẻ quá trình mà anh tham gia và đồng hành cùng sự kiện này?
Với cá nhân mình, sự thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023 là khơi gợi được những kí ức cộng đồng về nơi chốn. Cụ thể ở đây là nhà máy xe lửa Gia Lâm, rồi những địa điểm đặc thù ví dụ như Cầu Long Biên, Ga Hà Nội, Tháp nước Hàng Đậu. Ngoài ra, lễ hội cũng là một dự án có sự kết hợp giữa cả khối nhà nước, khối tư nhân, các cộng đồng nghệ sĩ, các nhóm sáng tạo. Đồng thời, đó cũng là một bước đột phá của Hà Nội cũng như Sở văn hóa Thành phố trong việc cởi mở hơn về vấn đề phát triển văn hóa cũng như sáng tạo tiếp cận những chủ đề như là bối cảnh về sự kết nối.
PV: Anh có thể chia sẻ đôi điều về những dự định sắp tới của mình với lĩnh vực sáng tạo từ những giá trị văn hóa-nghệ thuật trong năm 2024?
Trong năm 2024 “Lên ngàn” có thực hiện một chuỗi trò chuyện thân mật tên “Bắt sóng, hướng đến cộng đồng”. Đây là chuỗi trò chuyện có tính chất liên ngành, với khách mời là những cá nhân, tổ chức đến từ những không gian khác nhau. Đó là các nhà nghiên cứu, nhà làm phim, nhạc sĩ, nghệ nhân, thậm chí là một người làm gốm hoặc một người làm nhang. Họ cùng trò chuyện với nhau về một chủ đề, tác phẩm nghệ thuật để cùng lắng nghe những quan điểm khác biệt của nhau trong cuộc sống. Từ đó, câu chuyện họ đem tới sẽ gợi mở và khai phá những cảm hứng dành cho công chúng.
PV: Xin chân thành cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn này! Mong rằng anh sẽ có thật nhiều sức khỏe và vững bước trên hành trình khai phá những nét đẹp văn hóa của quê hương.
Phản hồi