Danh mục Thứ Hai, 25/11/2024

Tiêu điểm \

Chuyện đôi vợ chồng 36 năm trên thuyền

19:48 25-10-2022
Nghề đi biển được ví như “hồn treo cột buồm”, nhưng với những người ngư dân nghèo không nhà cửa thì việc bám trụ trên những chiếc thuyền cá lênh đênh trôi dạt đã coi như phó mặc không chỉ “hồn” mà còn là “xác” cho biển khơi.

“Thuyền là nhà, biển là quê hương”

 Nắng chiều nhuộm vàng cảng cá Ngọc Hải và những con thuyền “nghỉ ngơi” sau một ngày ra khơi.

Đang gỡ vội những mẻ lưới sau một đêm đánh bắt, anh Đinh Xuân Thịnh (sinh năm 1964) và chị Đỗ Thị Ngãi (sinh năm 1967), tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn giật mình bởi lời chào của chúng tôi. Anh Thịnh khẽ cười mời chúng tôi vào nhà. Thế nhưng căn nhà mà anh đang mời chào chỉ vỏn vẹn là một con thuyền cũ rộng khoảng 12 mét vuông, nhỏ nhắn và có đôi chút “xập xệ”. Theo tàu ra khơi từ năm mười lăm tuổi. anh Thịnh không nhớ mình đã tham gia đánh bắt bao nhiêu chuyến, chỉ nhớ đã gắn bó với “căn nhà” này suốt ba mươi sáu năm trời.  

 Anh Thịnh đang ngồi gỡ lưới sau một ngày đánh bắt trên chiếc thuyền gỗ - cũng là ngôi nhà thân quen của mình.

Nhìn một vòng quanh thuyền, đập vào mắt tôi chỉ toàn là lưới, chài - những ngư cụ quen thuộc của người đi biển. Ở giữa thuyền trải một chiếc chiếu cũ đã rách kèm đôi ba chiếc gối tre. Trên thuyền để toàn những rổ, rá, xoong, nồi, bếp ga mini,...toàn bộ những vật dụng sinh hoạt của gia đình nghèo này đều tập trung hết trên thuyền. Song, thứ giá trị duy nhất có lẽ là chiếc đài cát sét được anh Thịnh ưu ái đặt ở trên hòm quần áo, vật mà theo lời anh  là thứ duy nhất để nghe ngóng thông tin sau quán nước chè trên xóm cảng. 

Người đàn ông ấy tay vừa gỡ lưới, miệng thì vẫn thủ thỉ chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đời và “căn nhà” nhỏ của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo có sáu anh em, lấy vợ sớm nhất, lại thạo nghề đi biển, anh Thịnh được bố mẹ cho ra riêng với vốn liếng đủ chưng cất một chiếc thuyền. Ban đầu chỉ để làm phương tiện đánh bắt, thế nhưng sau này, chiếc thuyền đã dần trở thành nơi trú mưa, trú nắng cho cái gia đình nhỏ của anh từ lúc nào không hay.

Kể chuyện gia cảnh, người đàn ông có mái tóc điểm bạc, khuôn mặt đen sạm in hằn những vết nhăn tiếp tục bộc bạch: “Từ ngày học hết lớp 9 tôi đã nghỉ học vì điều kiện gia đình không cho phép. Tay ngưng cầm bút đã chuyển sang cầm lưới. Nhà đông anh em lại nghèo, là anh lớn nên phải bươn trải, “ra đời” sớm hơn các em. Và cũng coi như từng ấy năm, tôi phó mặc đời mình với chiếc thuyền này”.

Được hỏi vì sao là con trưởng, phải lên bờ để nhang khói, thờ cúng ông bà, anh Thịnh cho hay vì đi biển theo mùa, kinh tế lại khốn khó nên tuy có đất mà chưa thể xây được một căn nhà riêng, mọi việc cúng bái đều nhờ vào người em trai ruột thứ ba. Có lẽ cái nghèo đói cùng sự thiệt thòi về học hành đã đeo bám lấy người đàn ông này, khiến anh đến cả trách nhiệm thờ cúng cũng không thể gánh vác. 

Sống trên thuyền nhỏ, anh Thịnh cho hay không tránh khỏi những lúc bất tiện. Từ điều kiện sống đến sinh hoạt đều vô cùng khó khăn, cộng thêm áp lực về kinh tế đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng người ngư dân nghèo. “Mùa hè thì nóng bức, nhiệt độ trong thuyền lên tới 39-40 độ, mùa đông, như thời điểm hiện tại, gió mùa Đông Bắc kèm mưa phùn tạo nên những cơn rét buốt tận óc”. Mọi vật dụng như bạt, dù đều được gia đình anh tận dụng để che chắn cho “ngôi nhà nổi” của mình, anh Thịnh cho hay.

Được hỏi về dự định lên bờ một ngày không xa, anh Thịnh chỉ cười. “Lên bờ thì cũng có nhiều thứ thuận tiện, nhưng cái chính là gia đình tôi đã quen với cuộc sống trên thuyền, mình làm nghề biển, ở luôn trên thuyền cũng có nhiều cái hay. “Thuyền là nhà, biển là quê hương”, việc gì mình phải đi đâu”.

 Dù cuộc sống khó khăn với cảnh lênh đênh, anh Thịnh vẫn luôn lạc quan, tích cực và yêu nghề.

Tiếp tục thích nghi, vươn khơi bám biển

Như bao người dân nơi đây đã lớn lên từ biển cả, sống nhờ tôm cá, anh thịnh có một tình yêu đặc biệt với biển, thế nhưng cũng bao lần biển suýt lấy mạng anh.

“Chuyến ngắn ngày thì từ bảy đến mười lăm ngày, chuyến dài thì cả tháng. Tàu cá ở đây chủ yếu hoạt động ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, xa nhất có thể lên tới biên giới Trung Quốc, vào đến Quảng Bình. Tháng 8 năm 2019, tàu đang đánh bắt tại khu vực Nghệ An thì nghe tin có bão số 3 hoạt động, gió giật cấp 8 cấp 9 khiến tôi và các thuyền viên vô cùng lo lắng, tưởng chừng như phải bỏ mạng. Những lúc đó, tôi chỉ lo cho bà ấy và vài đứa trẻ ở nhà, không biết có trụ nổi trên con thuyền gỗ này hay không” - anh Thịnh nhớ lại.

 Chị Ngãi - người đàn bà gắn bó cùng chồng suốt 36 năm lênh đênh trên thuyền vẫn luôn mỉm cười khi được hỏi về cuộc sống. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Nhắc tới vợ, anh quay sang nhìn chị Ngãi. Dường như tình yêu thương, sự cam chịu lẫn hy sinh đều tồn tại ở hai vợ chồng nghèo này. Tôi có cảm nhận chị Ngãi rất giống với nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, cũng nghèo khó, cũng phải sống trên thuyền, chỉ khác là chị không phải chịu những trận bạo hành và có một người chồng thực sự yêu thương vợ con. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà chị vẫn gắn bó cùng chồng trên chiếc thuyền 12 mét vuông này suốt bao nhiêu năm qua, dẫu cho có những khi biển động, cả gia đình phải ăn tép khô hành tháng trời.

Hơn ba mươi năm vươn khơi bám biển, thế nhưng anh Thịnh, chị Ngãi cho biết, mình không hề có “nghề”. Đó là câu nói vui của những ngư dân ở cảng cá Ngọc Hải phải đi làm thuê cho chủ tàu khác giống như anh Thịnh mỗi khi nhắc về nghề nghiệp của mình. Những gia đình nghèo khó, không đủ kinh tế sắm sửa ngư cụ để đánh bắt thì phải làm thuê cho các chủ tàu cá. Bản thân tôi cũng không muốn cho các con theo nghề này, vừa vất vả mà lại nghèo”. 

Kể về các con, anh chia sẻ: “Hai thằng thì một đứa đi làm công nhân, một đứa đi bộ đội. Chúng nó cũng chẳng thiết tha gì với cái nghề nắng gió này. Đổi nghề để các chúng nó còn được lên bờ, chứ cứ bám lấy thuyền biển cả đời như tôi thì chết đói mất”, anh Thịnh cười. 

Giữa mênh mông sóng nước, đôi vợ chồng nghèo không hề đoán trước được tương lai sẽ ra sao, họ chỉ biết cố gắng bám biển vươn khơi, khắc phục những khó khăn trước mắt, thích nghi với nghịch cảnh lâu dài. Chất mặn mòi của biển cả cùng nắng và gió thấm vào da thịt đã làm nên tính cách đặc trưng của người Đồ Sơn: cần cù, chịu khó và mạnh mẽ. Sắp tới đây, khi những cơn gió mùa đầu tiên tràn về, anh Thịnh, chị Ngãi sẽ vẫn lại ra khơi cùng “căn nhà nhỏ” của mình với một tâm thế hiên ngang và đầy hy vọng. Dù thế nào, vợ chồng anh vẫn luôn gắn bó với con thuyền và biển khơi - “nơi cho tôi nhiều thứ hơn là trên đất liền”.

Ngọc Tân - CJC

Phản hồi