Danh mục Thứ Ba, 24/12/2024

root \

Lan toả tình yêu dân ca - Bài 2: Hòa nhập hay hòa tan?

23:05 10-04-2024
Dưới góc nhìn của những “bô lão” và các chuyên gia, trong từng loại hình âm nhạc dân gian, việc kết hợp với nhạc trẻ có thể thực hiện, song cần đảm bảo giá trị cốt lõi và sáng tạo trong khuôn khổ. 

Giữ gìn đi đôi cùng đổi mới 

Dân ca là thể loại âm nhạc cổ truyền của Việt Nam, xuất xứ từ đa dạng vùng miền và có tuổi đời hàng trăm năm. Được truyền từ đời này sang đời khác, dân ca gắn liền với cuộc sống người dân lao động, gắn với đời sống tinh thần, phong tục tập quán và những chuẩn mực đạo đức truyền thống. 

Cũng chính bởi đặc tính gắn liền với cuộc sống dân tộc, dân ca không “đứng im”. Sự vận động của xã hội phát triển song song cùng sự phát triển cả các loại hình âm nhạc cổ truyền. Không đứng ngoài dòng chảy của âm nhạc hiện đại, nhiều loại hình dân ca đã có sự đổi mới. Hát Xoan, hát Xẩm, hát Quan họ được thêm lời, cải biên, trở thành món ăn tinh thần phù hợp cả thị hiếu người trẻ lẫn thế hệ “gạo cội”.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch - trùm phường Xoan “đất Tổ” có cái nhìn cởi mở về việc kết hợp nhạc trẻ và dân ca, đặc biệt là hát Xoan. Bà khảng khái bày tỏ:“Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta cứ giữ khư khư những điều đã cũ thì có lẽ chưa phù hợp với đời sống hiện nay. Chính bản thân tôi cũng đề nghị các nhà nghiên cứu có thể đặt lời mới để phù hợp với đời sống mới, nhưng vẫn trong khuôn khổ giai điệu truyền thống. Câu trả lời tôi nhận lại được là sự bình tĩnh, bởi họ lo sợ rằng thế hệ trẻ có thể chưa đủ thẩm thấu để làm mới chúng, ảnh hưởng đến giá trị di sản”. 

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch quan điểm âm nhạc cần phát triển song hành với đời sống hiện đại. (Ảnh: NVCC) 

Bà Lịch cho biết thêm, ca sĩ Hà Myo từng tìm về An Thái để tìm hiểu hát Xoan. MV “Trò chơi… í a… Trời cho” ra mắt năm 2022 của nữ nghệ sĩ trẻ là sự kết hợp độc đáo của Rap, nhạc EDM và lời Xoan. Theo góc nhìn của “cây đa” làng Xoan, bà hoàn toàn ủng hộ việc người trẻ có ý thức sáng tạo, trau dồi học hỏi. 

“Ca sĩ Hà Myo từng lên An Thái (Phú Thọ) để gặp chúng tôi, đưa lời hát Xoan vào ca khúc của cô ấy, tôi thấy không có vấn đề gì. Quan điểm của tôi là những gì xa xưa đã nằm trong tủ kính, mãi mãi không phai mờ. Những nếu có thể, các nhà nghiên cứu hãy xem xét để hát Xoan hòa nhập với hiện nay hơn, sống muôn đời với sự phát triển của nhân loại”, bà Lịch chia sẻ.

Không chỉ hát Xoan, Quan họ Bắc Ninh cũng có những biến chuyển nhấtđịnh. Ca khúc “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” của Phùng Khánh Linh kết hợp giữa EDM và quan họ Bắc Ninh, nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thúy Cải (nguyên Trưởng đoàn Quan họ Bắc Ninh) đưa ra nhiều góc nhìn về việc lồng ghép cái “mới” vào cái “cũ”. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1953 ủng hộ việc sáng tạo, song điều ưu tiên cốt lõi vẫn là giữ gìn cái đẹp vốn có của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải thể hiện sự ủng hộ với việc làm mới âm hưởng dân ca. (Ảnh: NVCC) 

“Cái cổ truyền thì vẫn luôn phải gìn giữ. Tuy nhiên, giữ gìn đi đôi với phát triển. Dựa trên chất liệu dân ca để sáng tác, tôi cho đó là điều tích cực. Nhiều ca khúc mới như ‘Những cô gái trên quê hương quan họ’ hay ‘Làng quan họ quê tôi’ là những ca khúc minh chứng tiêu biểu”, nguyên Trưởng đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh chia sẻ. 

Không chỉ lấy ví dụ về quan họ, nghệ sĩ Thúy Cải lấy thêm dẫn chứng về loại hình chèo và cách ca sĩ làm mới loại hình này trong ca khúc “Thị Mầu” của ca sĩ Hòa Minzy. Bà cho rằng đây là điều “thích hợp” khiến bà thích thú. 

Sáng tạo trong khuôn khổ và giữ vững giá trị truyền thống cốt lõi là lời khuyên mà thế hệ nghệ nhân gạo cội dành cho thế hệ nối nghiệp. “Các nghệ sĩ gạo cội đã sáng tác được nhiều bài nhạc hay, được đón nhận và yêu thích. Thế hệ trẻ cần dựa trên chất liệu truyền thống, sáng tác làm mới. Nó cần có sự cân bằng, làm sao để vẫn giữ được hồn cốt dân ca nhưng cũng phù hợp gần gũi với đời sống hiện đại thì âm nhạc mới “sống” được”, NSND Nguyễn Thúy Cải tâm niệm.  

Nối quá khứ và hiện tại

Tuy nhiên, không phải loại hình nào cũng có thể thay đổi, vì dân ca là cái hồn cái chất riêng của dân tộc. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, ông ví việc kết hợp âm hưởng dân ca truyền thống và âm nhạc đương đại giống như bông hoa cắm vào bình. Hoa phải được tôn lên khi ở trong bình, cũng giống như nhạc truyền thống hay hơn, được đón nhận hơn khi kết hợp với nhạc hiện đại thì đó mới là thành công. 

PGS.TS Đặng Hoành Loan coi việc làm mới là cách nối dài dòng chảy phát triển của âm nhạc cổ truyền. (Ảnh: Sưu tầm) 

Một thực trạng đáng buồn hiện nay là thế hệ về sau không mấy mặn mà với dân ca. Điều này đặt ra vấn đề cấp bách về sự đổi mới để phù hợp với xu hướng, giữ chân khán giả nhưng vẫn cân bằng được yếu tố truyền thông nguyên tác của mỗi loại hình nghệ thuật. 

Riêng với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, ông hoàn toàn đồng tình về hòa nhập nhạc trẻ cùng dân ca: “Không chỉ mình tôi, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng việc kết hợp giữa cổ điển dân ca và âm nhạc đương đại là điều rất tốt lành để nối quá khứ với hiện tại. Đồng thời chính bản thân nó cũng đã chứa trong mình sức sống  bất diệt hướng tương lai và quá khứ huy hoàng, đó là điều tuyệt vời”

Soạn giả Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân Ca VOV3 chia sẻ nhiều điều trăn trở về cách làm mới nhạc cổ truyền. Ông quan niệm rằng để tạo nên sự phong phú đa dạng cho dân ca thì việc làm mới lời là cần thiết, để công chúng tiếp cận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, một khi đã cải biên thì phải thật sự đột phá. “Khó khăn nhất cho người làm lời mới là làm sao để lời mới dễ hát và đi vào lòng người. Lời mới phải thật hay, không kém gì lời cổ chứ nếu mà lời mới cứ viết theo làn điệu thì ai cũng làm được”, ông chia sẻ.

Soạn giả Mai Văn Lạng (bên phải) là người có nhiều năm kinh nghiệm, gắn bó với các loại hình dân ca. (Ảnh: NVCC)

Quan điểm của chuyên gia có sự tương đồng với quan điểm của các nghệ nhân gạo cội về vấn đề đổi mới âm nhạc. Họ đều mong muốn sự cân bằng giữa hai yếu tố cũ và mới, giữ vững nguyên tắc để hồn cốt, cảm xúc của âm nhạc dân ca được thăng hoa trong hình hài âm nhạc hiện đại. Từ đó, âm nhạc dân ca tiếp cận thị hiếu người nghe hơn, lan tỏa giá trị âm nhạc dân gian truyền thống bền lâu. 

Minh Phương - BMĐT K41

Phản hồi