Danh mục Thứ Năm, 25/04/2024

Diễn đàn \

Tọa đàm "Cùng hành động ngăn ngừa bạo lực gia đình trong giai đoạn khủng hoảng xã hội"

01:16 29-07-2020
Buổi tọa đàm "Cùng hành động ngăn ngừa bạo lực gia đình trong giai đoạn khủng hoảng xã hội" diễn ra ngày 8/6/2020 được phát trực tiếp trên kênh GTV và kênh của Trung tâm công tác xã hội (TT CTXH) tỉnh Quảng Ninh diễn ra với nhiều tranh luận, chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề bạo lực gia đình trong thời điểm cách li xã hội, cũng như những nguyên nhân và giải pháp cần thiết.

Tham dự tọa đàm có: Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA; Bà Lê Thị Phương Thúy - Cố vấn công tác xã hội; Ông Nguyễn Xuân Huy - Trưởng phòng Can thiệp và Hỗ trợ, TT CTXH tỉnh Quảng Ninh; Ông Hoàng Anh Tú - Nhà báo và MC Mai Phan Lợi.

Những vấn đề xoay quanh bạo lực gia đình hiện nay

Mở đầu buổi tọa đàm là những thông tin chi tiết về bạo lực gia đình được giới thiệu qua một video ngắn. 

Theo đó, bạo lực gia đình là bất kỳ việc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép tình dục, dù đã sử dụng hay đe dọa sử dụng, trong quan hệ tình cảm hoặc quan hệ gia đình. Bạo lực gia đình có thể bao gồm một hành động đơn lẻ, hoặc một số hành động tạo nên một kiểu lạm dụng trong đó có những hành vi tấn công hoặc kiểm soát.

Video mô tả tình trạng bạo lực gia đình mở đầu buổi tọa đàm ngày 8/6/2020

Ngoài ra, bà Lê Thị Phương Thúy chia sẻ, trong khoảng thời gian cách ly xã hội lượt gọi đến qua đường dây nóng, mạng xã hội của Ngôi nhà bình yên tăng gấp bảy lần. Điều này chứng tỏ tình trạng nguy cấp trong việc giải quyết những vụ việc bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay.

“Giữa việc xấu hổ với việc thoát ra để tự do hơn, để làm chủ cuộc sống của mình hơn, để an toàn tính mạng và sức khỏe của mình hơn, các chị em phụ nữ biết là mình nên chọn điều gì rồi.” Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA phát biểu trong buổi tọa đàm.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình

Bên cạnh tình hình chung, buổi nói chuyện cũng xoay quanh những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Theo đó, nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh vấn đề kinh tế là yếu tố quan trọng chi phối những hành động tiêu cực này. 

Tuy nhiên,  bà Nguyễn Vân Anh không đồng tình và cho rằng việc viện dẫn những vấn đề kinh tế hay kêu gọi phụ nữ ngưng phàn nàn để giảm thiểu bạo lực gia đình là chưa thỏa đáng . 

Câu trả lời được làm sáng tỏ khi bà Lê Thị Phương Thúy tổng kết lại, vấn đề nằm ở khả năng kiểm soát của những người gây ra bạo lực gia đình và sức chịu đựng có giới hạn của nạn nhân.

Bà Lê Thị Phương Thúy phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 8/6/2020

Giải pháp cho vấn đề bạo lực gia đình

Đi đến phần giải pháp, ông Hoàng Anh Tú đề nghị cần đẩy mạnh việc giáo dục trong gia đình, nâng cao nhận thức không chỉ của trẻ em gái, phụ nữ mà còn cả trẻ em trai, đàn ông, cũng như nhận thức của toàn xã hội. 

Đồng thời, bà Lê Thị Phương Thúy góp ý thêm những cách thức cụ thể để nâng cao nhận thức toàn xã hội, cần thúc đẩy bình đẳng nam nữ, không phái nào có đặc quyền hay được yêu thương hơn phái nào. Ngoài ra, những dịch vụ công tác xã hội cũng nên được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, để nạn nhân có thể cảm thấy an toàn khi tìm đến.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Huy - Trưởng phòng Can thiệp và Hỗ trợ, TT CTXH Quảng Ninh cũng đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp mà trung tâm đang thực hiện hiệu quả. Một ví dụ điển hình như mỗi thôn, bản ở Quảng Ninh đều có ít nhất một cộng tác viên công tác xã hội túc trực, đảm bảo luôn luôn hỗ trợ người dân về vấn đề bạo lực gia đình, cũng như xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh ngày càng vững vàng.

Kết thúc buổi tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh gửi những thông điệp sâu sắc, nhân văn đến những người phụ nữ, trẻ em gái đã và đang bị bạo lực gia đình: “Đừng lo lắng, đừng sợ hãi. Bởi vì, hãy nhớ đến những gì khó khăn nhất mà mình đã từng vượt qua. Hãy nhớ đến sức mạnh của mình, đến niềm kiêu hãnh mà mình đã từng có. Bởi vì thân thể chúng ta, tinh thần chúng ta, nhân phẩm chúng ta là điều chúng ta cần phải tự gìn giữ và bảo vệ”.

 

Lê Trang

Phản hồi