Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

Diễn đàn \

Thách thức và giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực tình dục

09:16 20-07-2020
Vào ngày 3/7/2020, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) đã kết hợp cùng Phòng Can thiệp & Hỗ trợ Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh tổ chức buổi tọa đàm online bàn luận về vấn đề hỗ trợ người bị bạo lực tình dục. Xuyên suốt buổi tọa đàm, những vị khách mời đã có những chia sẻ và phân tích hết sức cặn kẽ, rõ ràng trong việc nêu ra các thách thức, đề xuất giải pháp để hỗ trợ người bị bạo lực tình dục.

Buổi Tọa đàm online có sự tham gia của các khách mời: Bà Nguyễn Vân Anh – Chuyên gia giới, Giám đốc trung tâm CSAGA; bà Đinh Thị Hương Thảo - Cán bộ Phòng Can thiệp & Hỗ trợ, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh; bà Nguyễn Thị Khôi - Quản lý trường hợp, Hagar Việt Nam; luật sư Nguyễn Văn Tú – Luật sư thuộc Công ty Luật FANCI; dẫn chương trình: Mai Phan Lợi - Chuyên gia truyền thông.

 

Hỗ trợ người bị bạo lực tình dục: Khó khăn và thách thức 

Bắt đầu cuộc trò chuyện, các vị khách mời và khán giả đều mang trong mình những cảm xúc mạnh khi được xem một số nạn nhân của bạo lực tình dục tham gia phỏng vấn. Họ là những người vợ, người bạn gái, những em nhỏ đang phải sống chung với bạo lực hàng ngày và là người trực tiếp chịu đựng nỗi đau. Câu trả lời phỏng vấn hay những thước phim từ camera thang máy, camera chung cư đều đã có thể tố cáo được hành vi bạo lực tình dục mà các nạn nhân, đa phần là các em nhỏ, chị em phụ nữ phải gánh chịu.

Video phỏng vấn một trong những nạn nhân trước khi buổi tọa đàm diễn ra 

 Trong việc hỗ trợ những người bị bạo lực tình dục, ắt hẳn những công tác này sẽ gặp phải những khó khăn và thách thức, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Khi được hỏi về những thách thức đối với các nạn nhân khi có nhu cầu tiếp nhận sự hỗ trợ từ các dịch vụ cộng đồng, các chuyên gia đã có những câu trả lời và phân tích hết sức thuyết phục.

Đa phần, các khách mời đều nói về sự rụt rè, chưa dám cởi mở về vấn đề tình dục của các nạn nhân. Theo bà Nguyễn Vân Anh, sự rụt rè đều bắt nguồn từ tâm lý lo lắng, sợ bị dị nghị, các nạn nhân đều cảm thấy mặc cảm khi nói đến vấn đề này và đôi khi, họ còn không biết mình bị xâm hại.

Bà Nguyễn Vân Anh và những chia sẻ về tâm lý của nạn nhân trong việc tố cáo hành vi bạo lực tình dục 

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, ông cho rằng 100% nạn nhân đều có nhu cầu muốn được bảo vệ, muốn tố cáo. Tuy nhiên, theo góc nhìn luật pháp, để xử lý những vấn đề về tình dục luôn cần phải có chứng cứ, điều mà vô hình đã khiến cho nạn nhân nhận ra sự hoài công vô ích khi tìm đến hành lang pháp lý để tố cáo hành vi quấy rối, xâm hại, bạo lực tình dục.
Áp lực không chỉ hướng tới các nạn nhân, những người làm dịch vụ cộng đồng, hỗ trợ việc bảo vệ người bị bạo lực tình dục cũng có những khó khăn chưa thể giải quyết. Khi được hỏi về vấn đề này, bà Đinh Thị Hương Thảo có đề cập đến việc hỗ trợ kinh tế, đào tạo việc làm miễn phí cho các nạn nhân ở Ngôi nhà Ánh Dương đang được xử lý rất tốt.

 Chia sẻ của bà Đinh Thị Hương Thảo trong hỗ trợ kinh tế cho nạn nhân bị bạo lực tình dục

Tuy nhiên, với góc nhìn từ những người làm công tác cộng đồng, không chỉ là bà Đinh Thị Hương Thảo, mà những khách mời còn lại đều nói tới sự khó khăn trong việc tiếp cận các nạn nhân, đặc biệt là các em nhỏ. Nguyên nhân đa phần là từ sự hợp tác của nạn nhân, gia đình nạn nhân. Đôi khi, nguyên nhân còn đến từ những người bảo hộ, vì có thể chính những người này cũng đang là nạn nhân của thực trạng bạo lực tình dục.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, ông chỉ ra được sự thiếu thốn trong các nguồn lực của những tổ chức cộng đồng, tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ). Hơn nữa, những báo cáo của các tổ chức này cần phải có đặc thù riêng, từ đó hội đồng xét xử mới xem xét và ban hành các cơ chế để những chính sách được đi vào hoạt động.

Luật sư Nguyễn Văn Tú đề cập đến công tác đưa ra cơ chế hiệu quả 

Không chỉ vậy, bà Nguyễn Vân Anh có đề cập tới sự thiếu sót trong nguồn nhân lực, đội ngũ làm công tác xã hội. Sự thiếu sót ấy diễn ra ở cả mặt số lượng và chất lượng. Riêng ông Mai Phan Lợi, ông lại chỉ ra thực tiễn về sinh viên ngành công tác xã hội đang chỉ học với mục đích phục vụ cho các cơ sở nhà nước chứ không phải các tổ chức xã hội.

Đề xuất giải pháp

Sau phần tranh luận trong việc tìm ra thách thức, buổi tọa đàm hướng đến nội dung thứ hai là đề xuất giải pháp. Trả lời cho câu hỏi này, mỗi diễn giả đều có cho mình những đóng góp cá nhân, không chỉ vậy, với mô hình bảo vệ đã và đang sẵn có, các diễn giả cũng bày tỏ những sáng kiến mang tính thực tiễn cho những mô hình này.

Theo bà Nguyễn Thị Khôi, các tổ chức cần phải tới gần với nạn nhân hơn, vì theo thực tế đang diễn ra, những tổ chức bảo vệ hiện nay chỉ có địa bàn ở những nơi sầm uất, thành phố lớn. Hơn thế nữa, bà cũng đề xuất tới việc đẩy mạnh về ‘’chất’’. ‘’Chất’’ ở đây là những kĩ năng, phương pháp làm việc, thái độ của các cán bộ trong việc tiếp cận nạn nhân. 

Theo bà Đinh Thị Hương Thảo, công tác tuyên truyền hiện nay của Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh hiện đang được triển khai phủ sóng rộng. Tổ chức này còn đang liên kết với các nhà mạng Vinaphone, Viettel để truyền thông cho tổ chức này; phía Ngôi nhà Ánh Dương cũng có sự kết hợp với các tổ chức về giới tính, v.v; tổ chức buổi tập huấn cho cán bộ;
Theo bà Nguyễn Vân Anh, bà chỉ ra được sự xuất hiện của rất nhiều hotline, đường dây liên quan đến Bạo lực giới nhưng chưa chắc toàn bộ những đường dây này có sự liên kết gần với nạn nhân, chính vì vậy, cần phải xem lại chất lượng của các hotline để có thể giữ lại những đường dây thực sự tốt, từ đó đầu tư về cơ chế cho những đường dây này.
Đóng góp ý kiến, ông Mai Phan Lợi có chỉ ra những thách thức về nguồn lực hỗ trợ mô hình bảo vệ của Nhà nước đang bị phân tán, chính vì vậy, cần phải tập trung các nguồn lực đó lại. Không chỉ vậy, công tác truyền thông cho những mô hình, những tổ chức bảo vệ cần được nâng cao hơn để có thể đến gần hơn với các nạn nhân, với cộng đồng.

 MC Mai Phan Lợi đóng góp và tổng hợp ý kiến của buổi tọa đàm online

Sau buổi tọa đàm kéo dài hơn một tiếng, nhìn chung, các diễn giả đã chỉ ra được những tồn đọng và đưa ra những sáng kiến cá nhân trong công tác hỗ trợ bảo vệ người bị bạo lực tình dục hiện nay. Tóm lại, trong công tác này vẫn còn tồn tại những bất cập cần được giải quyết triệt để, những giải pháp từ phía Nhà nước, tổ chức cần phải thực tiễn hơn. Mong rằng, những tổ chức cộng đồng sẽ sớm đến gần hơn với các nạn nhân để có thể giúp họ thoát khỏi nỗi sợ bạo lực tình dục bằng nhiều giải pháp tốt, nghiêm ngặt.
 
 

Trâm Anh

Phản hồi