Văn hóa tiếp ứng thần tượng Việt
Văn hóa tiếp ứng thần tượng hay văn hóa “đu idol” vốn không phải là trào lưu mới, đã xuất hiện tại nhiều quốc gia có ngành công nghiệp giải trí phát triển. Đối tượng hưởng ứng loại văn hoá này là cộng đồng người hâm mộ dành tình cảm cho những người hoạt động nghệ thuật. Tại Việt Nam, xu hướng “đu idol” trước đây thường tập trung vào các nghệ sĩ thuộc nhóm nhạc quốc tế như K-Pop, J-Pop, C-biz... Điều đó một phần là do ngành công nghiệp giải trí tại các quốc gia này có sự phát triển mạnh mẽ và gây được nhiều tiếng vang trên thị trường âm nhạc thế giới.
Theo báo Tiền Phong, tác giả Hiếu Nguyễn cho biết, những năm gần đây, văn hóa ủng hộ thần tượng không chỉ dừng lại ở việc thần tượng nghệ sĩ nước ngoài mà còn lan tỏa mạnh mẽ sang các nghệ sĩ Việt Nam. Nhiều nhóm nhạc, ca sĩ Việt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng người hâm mộ trẻ tuổi, tạo nên một sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và phát triển nền giải trí nội địa, đồng thời thúc đẩy niềm tự hào văn hóa Việt trong giới trẻ.
Nửa cuối năm 2024, làn sóng “đu idol” trở nên phổ biến tại Việt Nam đối với những người yêu thích và đam mê âm nhạc. Tiêu biểu trong đó là sự xuất hiện của Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai - hai chương trình âm nhạc ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng hầu hết công chúng trẻ. Những “anh trai” từ hai show đã thi nhau “chiếm sóng” truyền thông và mạng xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ cục diện “đu idol” tại Việt Nam. Không chịu lép vế trước cộng đồng người hâm mộ quốc tế, các fandom (Cộng đồng người hâm mộ) Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động để ủng hộ nghệ sĩ Việt với quy mô lớn. Họ tổ chức các chiến dịch "cày view" cho MV trên YouTube, kêu gọi bình chọn tại các giải thưởng mà thần tượng được đề cử. Bên cạnh đó, cộng đồng hâm mộ còn chi mạnh tay cho việc chạy màn hình LED quảng bá cho thần tượng tại nhiều trung tâm thương mại hay các tòa nhà nổi tiếng, gửi xe tải đồ ăn (food truck) tới phim trường hoặc sự kiện, thậm chí là phát hành các sản phẩm thủ công (fan-made) như những món quà lưu niệm độc đáo.
Là người trẻ có niềm yêu thích đặc biệt dành cho âm nhạc, bạn Nguyễn Lương Diệp Anh (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Trước đây, mình chủ yếu chỉ quan tâm, theo dõi và nghe nhạc của một vài nghệ sĩ US-UK như Taylor swift, Ariana Grande… Tuy nhiên, sau khi xem một vài tiết mục âm nhạc dân gian của chương trình Anh Trai Say Hi, mình đã quyết định mua vé tham gia concert khi thấy được tổ chức tại Hà Nội”. Diệp Anh còn chia sẻ thêm rằng thông qua các ca khúc được biến tấu mang đậm bản sắc quê hương bởi những người nghệ sĩ Việt, bạn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nền âm nhạc truyền thống cũng như giá trị văn hoá dân tộc.
Cơ hội nâng cao vị thế văn hóa dân tộc
Việc người hâm mộ ủng hộ nghệ sĩ không chỉ thể hiện tình yêu và sự hâm mộ đối với một cá nhân nhất định mà còn đóng góp tích cực vào việc quảng bá và phát triển hình ảnh văn hóa nước nhà. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Đây không chỉ là lời khẳng định vị thế của văn hóa trong chiến lược phát triển quốc gia mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và đổi mới.
Văn hóa tiếp ứng thần tượng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay. Sự ủng hộ từ cộng đồng người hâm mộ chính là nguồn động lực lớn để tiếp thêm sức mạnh cho nghệ sĩ trong hành trình phát triển bản thân. Không chỉ giúp các nghệ sĩ tự tin thử nghiệm những phong cách mới, sáng tạo nên các sản phẩm độc đáo, chính sự cổ vũ này còn giúp nghệ sĩ khẳng định được giá trị cá nhân trên thị trường giải trí.
Văn hóa tiếp ứng thần tượng không chỉ là một hiện tượng giải trí mà còn là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu giải trí và du lịch. Các hoạt động như concert (buổi hòa nhạc), fanmeeting (họp mặt người hâm mộ), hay các sự kiện liên quan đến thần tượng đều tạo ra nguồn thu lớn không chỉ cho ngành công nghiệp âm nhạc mà còn đối với các ngành phụ trợ như quảng cáo, vận chuyển và dịch vụ. Với tư cách là gương mặt đại diện văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật, thông qua âm nhạc, điện ảnh, thời trang và các sản phẩm nghệ thuật khác, người nghệ sĩ luôn muốn truyền tải đến cộng đồng người hâm mộ câu chuyện về văn hóa Việt Nam một cách gần gũi và sâu sắc. Một khi vươn tầm quốc tế, nghệ sĩ sẽ mang lại những tác động tích cực đến kinh tế đất nước và hình ảnh quốc gia, như cách nền kinh tế Hàn Quốc đã được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ làn sóng Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc).
Mặc dù văn hóa ủng hộ nghệ sĩ tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích nhưng xu hướng này cũng đặt ra một số thách thức cần được giải quyết. Một trong những vấn đề lớn nhất là hiện tượng "fan cuồng" – những người hâm mộ mù quáng, dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực như xâm phạm đời tư của thần tượng hoặc chi tiêu không kiểm soát. Việc đụng chạm cơ thể thần tượng quá đà, theo dõi lịch trình,... không chỉ gây tổn hại đến hình ảnh cộng đồng người hâm mộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của văn hóa nước nhà.
Văn hóa tiếp ứng thần tượng dần trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển của văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, để văn hóa ấy ngày một lớn mạnh hơn nữa cần có sự phối hợp giữa cộng đồng, nghệ sĩ và cả chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Việc tạo ra các sân chơi văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo và khuyến khích giới trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc sẽ giúp vị thế văn hóa nghệ thuật dân tộc không những được nâng cao tại thị trường nội địa mà còn được mở rộng trên sân chơi quốc tế.
Phản hồi