Tư duy ngược đem đến thế giới gốm sứ “quái dị” đầy màu sắc
Các mặt hàng gốm sứ truyền thống thường được ưa chuộng bởi những khách hàng trung niên nhưng với Vũ Tuấn Long, một chàng trai Genz đã đem đến hơi thở mới cho làng nghề Bát Tràng. Trước đây, việc chế tác các sản phẩm gốm sứ mang hơi hướng khác lạ của anh Long từng không được nhiều người đón nhận và hưởng ứng. Thế nhưng, các thiết kế độc lạ này lại nhận được sự quan tâm của công chúng trên mạng xã hội, thể hiện rõ qua độ phủ sóng rộng rãi trên kênh TikTok và mang về doanh thu đáng kể khi kinh doanh qua nền tảng Facebook.
Vũ Tuấn Long (26 tuổi, Hà Nội) rẽ sang một hướng hoàn toàn mới khi quyết định từ bỏ công việc kinh doanh để trở về với nghề gốm của gia đình. Với những ý tưởng sáng tạo, anh đã biến những sản phẩm gốm sứ trở nên “độc lạ” và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. “Mục tiêu ban đầu của mình chỉ đơn giản là hỗ trợ gia đình bán các sản phẩm gốm sứ như bình hoa, bộ bàn thờ.. Trong lúc rảnh rỗi, mình thường mày mò làm ra sản phẩm gốm theo ý tưởng cá nhân, không ngờ lại được nhiều bạn yêu thích và ủng hộ, từ đó mình quyết định nghiêm túc với con đường này”. Anh Long chia sẻ.
Ngay từ bé, Vũ Tuấn Long luôn mang trong mình niềm đam mê yêu thích với các bộ phim hoạt hình. Anh mong muốn tạo ra những sản phẩm gốm sứ dựa trên nhân vật mà mình yêu thích. Tuy nhiên, thay vì làm ra các bản sao hoàn toàn giống nhân vật hoạt hình, anh Long đã thể hiện cá tính sáng tạo bằng cách tạo ra những sản phẩm khác biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân. Điều đặc biệt là các nhân vật của anh đều có một đặc điểm chung được đánh giá là “quái dị” với diện mạo khác thường cùng cái lưỡi thè dài, cái miệng há rộng và hàm răng to.
Trong khi đó, gốm sứ truyền thống thường làm theo khuôn mẫu hoặc vuốt theo kiểu dáng cố định để tạo nên vẻ đẹp thanh lịch, trang trọng thì anh Long lại tạo ra các hình dáng khác thường, độc lạ trong tác phẩm gốm sứ của mình. Anh tự lên ý tưởng, phác thảo và nặn tạo hình, làm ra các sản phẩm hoàn toàn khác nhau, đảm bảo không “đụng hàng”. Chính sự sáng tạo này giúp các tác phẩm của anh Vũ Tuấn Long trở nên nổi bật, khó quên và thu hút sự chú ý của nhiều người. Điều đó đã tạo động lực để anh xây dựng và phát triển thương hiệu “Tiệm Gớm Long Bình”.
Mặc dù mới chỉ bước chân vào nghề gốm được nửa năm nhưng chính sự mới mẻ trong cách tiếp cận nghề đã mang đến cho anh một góc nhìn khác biệt so với những nghệ nhân lâu năm. “Tư duy mới lạ, không bị ràng buộc bởi những quy tắc cũ đã giúp mình tự tin bộc lộ cá tính riêng qua từng sản phẩm. Mình luôn cố gắng sáng tạo không ngừng, đưa ra nhiều ý tưởng mới để các sản phẩm gốm trở nên thu hút và hấp dẫn hơn với giới trẻ”, Anh Long chia sẻ đầy tâm huyết.
“Gớm” - Sáng tạo, gần gũi với người trẻ
Anh Vũ Tuấn Long không chỉ dừng lại ở những ý tưởng độc lạ trong sản phẩm mà anh còn có cách thức thu hút khách hàng theo cách riêng. Thông thường, các sản phẩm gốm sứ truyền thống thường được quảng bá với vẻ đẹp sang trọng và mang yếu tố phong thuỷ. Trong khi đó sản phẩm của anh Long lại đi theo một con đường hoàn toàn khác.
“Từ trước tới nay, mình đã luôn thích khám phá những điều khác biệt so với mọi người. Vì vậy, mình đã mang các sản phẩm của "Gớm" đến với mọi người một cách gần gũi nhất, thông qua việc sử dụng chúng trong sinh hoạt hàng ngày như dụng cụ ăn uống, hộp đựng trang sức, hộp đựng bút,... thậm chí mình thường bảo với mọi người rằng chúng thật “xấu xí” và “quái dị”. Điều bất ngờ là chính tư duy ngược của mình lại tạo được dấu ấn riêng của nhiều bạn trẻ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình”, Anh Long chia sẻ.
Lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm của “Tiệm Gớm”, anh Ngô Thế Đức (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thực sự bất ngờ khi lần đầu tiên nhìn thấy những sản phẩm gốm của anh Long. Chúng khác hoàn toàn so với những gì mình từng biết về gốm sứ, thay vì những hoa văn truyền thống, mình lại nhìn thấy các hình thù độc lạ, màu sắc tươi sáng trong sản phẩm của “Gớm”. Mình thích nhất chiếc cốc có hình nhân vật “vô diện” và đã ngay lập tức đặt mua, nó vừa có thể dùng để uống nước, vừa có thể làm đồ trang trí bàn học”.
Với trí tưởng tượng và sáng tạo phong phú, các sản phẩm đầy độc đáo anh Long đã góp phần đưa gốm sứ truyền thống đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những sản phẩm vừa thú vị, độc lạ mang tính thẩm mỹ cao, vừa tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày đến từ “Tiệm Gớm” chắc chắn sẽ mang đến làn gió mới “có một không hai” cho làng nghề truyền thống Bát Tràng.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Long cho biết sẽ đẩy mạnh sáng tạo các sản phẩm dựa trên việc kết hợp hai yếu tố tạo nên đồ gốm mang hình dáng “quái dị”, độc lạ đồng thời làm nổi bật hoạ tiết hoa văn của mặt hàng truyền thống. Với những sáng tạo này, anh mong muốn duy trì và lan tỏa giá trị văn hóa của làng nghề Bát Tràng đến với nhiều trẻ hơn nữa.
Trước những sáng tạo độc lạ và khác biệt của Vũ Tuấn Long, các nghệ nhân gạo cội ở làng gốm Bát Tràng không khỏi bất ngờ và dành nhiều lời khen ngợi. Nghệ nhân Nguyễn Hùng chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với hướng sáng tạo mang nét độc đáo và tinh thần dám nghĩ dám làm của Long. Các sản phẩm của cậu ấy mang một hơi thở hoàn toàn mới, chưa từng có trên thị trường Việt Nam, vừa độc đáo vừa dung dị”.
Với kinh nghiệm của người đi trước, nghệ nhân Nguyễn Hùng bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tinh thần “dám nghĩ dám làm, dám thay đổi” nhằm hướng tới “thay áo mới cho gốm Việt”. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là cách để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Ông tin rằng với sự sáng tạo khác biệt và mới mẻ, người trẻ sẽ giúp gốm sứ tiếp cận gần hơn với công chúng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại.
Anh Vũ Tuấn Long và “Tiệm Gớm” đã chứng minh gốm sứ truyền thống không chỉ là những tác phẩm mang nét cổ điển mà hoàn toàn có thể cải tiến để trở nên hiện đại, trẻ trung và đầy sức sống. Với những sáng tạo độc đáo, anh Long không chỉ thay “áo mới” cho làng nghề Bát Tràng, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ. Anh đã khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với nghề thủ công truyền thống, tình yêu với giá trị truyền thống trong người trẻ, đồng thời mở ra những hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành gốm sứ Việt Nam.
Phản hồi