Đại tá, nhà báo Phạm Thanh Khương sinh năm 1959 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông là sinh viên khóa 2, hệ 5 năm Học viện Biên phòng và ra trường năm 1983. Ông từng đảm nhiệm các vị trí Phó Tổng Biên tập Báo Biên phòng, Phó phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng và là giảng viên tại Học viện Biên phòng. |
PV: Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề báo khi mang trên mình quân hàm người lính?
Đại tá, nhà báo Phạm Thanh Khương: Ngay từ khi còn là học viên tại Học viện Biên phòng, ngoài giờ học và các hoạt động theo chế độ quân đội, tôi thường dành thời gian để đọc sách, báo. Nhận thấy nhiều hoạt động tốt tại đơn vị và nhà trường cần được biểu dương, nhân rộng, tôi bắt đầu viết. Ban đầu chỉ là những mẩu tin ngắn phản ánh kinh nghiệm hay cách làm hay, sau đó dần phát triển sang các thể loại như ký và phóng sự.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lên công tác tại biên giới. Tranh thủ thời gian không phải trực chiến đấu, tôi viết bài phản ánh cuộc sống của người lính biên phòng, đời sống và nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực.
Đến khi chuyển công tác về làm giảng viên tại Học viện Biên phòng và học tập tại Học viện Chính trị, tôi mới có điều kiện mở rộng kiến thức qua việc đọc nhiều hơn, đồng thời được trang bị nền tảng lý luận và hiểu biết sâu sắc hơn về các thể loại báo chí. Tôi tiếp tục trau dồi kỹ năng, viết bài và gửi đăng báo. Nhờ quá trình học hỏi và nỗ lực không ngừng, năm 2000, tôi được cấp trên điều động giữ chức Phó Tổng Biên tập Báo Biên Phòng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, tôi có thêm cơ hội gắn bó chặt chẽ với nghề báo và các vùng biên giới nước ta.
PV: Ông có thể chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian vừa làm lính, vừa làm báo ở vùng biên giới?
Đại tá, nhà báo Phạm Thanh Khương: Trong chuyến công tác tại Hà Giang để chuẩn bị cho số báo Tết ở đơn vị, đúng đợt lụt nên cả đoàn phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới vào được bản cuối cùng. Đêm đó, sau khi hoàn thành công việc, trên đường trở về Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nghỉ ngơi, bên trái là núi lở, bên phải là vực sâu hun hút, Đồn phó Lại Thế Khoản đã nhắc nhở chúng tôi: “Các anh đi cẩn thận”. Thế nhưng vì trời đã tối, đường trơn, lầy lội bùn đất, đồng chí Niệm - một phóng viên trong đoàn trượt chân ngã treo người bên mép vực. May mắn, anh kịp bám vào một cành cây. Trong tình huống khẩn cấp, chúng tôi phải nằm xuống bùn, sử dụng ánh sáng từ màn hình điện thoại để nắm rõ tình hình. Rất nhanh chóng và đầy quyết liệt, đồng chí Lại Thế Khoản thả dây chiếc máy ảnh Nikon đang cầm trên tay, nhoài người xuống và kéo anh Niệm lên. Chỉ trong vài phút tích tắc, tôi nghĩ rằng chỉ những người lính mới có được một tinh thần như vậy.
PV: Những khó khăn mà ông từng đối mặt khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, vừa thực hiện công việc của một nhà báo?
Đại tá, nhà báo Phạm Thanh Khương: Là một sĩ quan quân đội đồng thời là một nhà báo tại vùng biên giới, mỗi chuyến đi của tôi luôn gắn liền với rừng xanh, núi đỏ thâm u - nơi chứa đựng không ít thách thức. Có thể kể đến như điều kiện làm việc vô cùng gian khổ, thiếu thốn cơ sở vật chất và phương tiện, di chuyển gặp nhiều khó khăn, kết nối thông tin hạn chế và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Tôi không thể quên những hành trình vượt núi, trèo đèo, lội suối, nhiều lần bị vắt cắn, ruồi vàng và bọ chó đốt hay chuột rút khi di chuyển lâu.
Bên cạnh đó, việc viết làm sao để bài báo của mình vừa phản ánh đúng đời sống, văn hóa, con người của các vùng biên giới, vừa truyền tải được chính xác các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc. Giúp họ dễ hiểu và cảm nhận được sự gần gũi, đồng cảm với người lính. Đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi mà chúng tôi phải mất cả ngày đường mới vào đến bản cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
PV: Trong quá trình công tác báo chí tại vùng biên giới, có cột mốc nào khiến ông cảm thấy tự hào?
Đại tá, nhà báo Phạm Thanh Khương: Tôi rất vinh dự khi là một trong những người “đặt viên gạch đầu tiên” góp phần xây dựng Phụ trương An ninh Biên giới của Báo Biên phòng, đồng thời đảm nhiệm vai trò phụ trách từ số đầu tiên (22-4-2005) cho đến năm 2011.
Khi đó, Ban Biên tập nhận thức rằng ấn phẩm này là cơ hội để Báo Biên phòng tuyên truyền và phản ánh một cách toàn diện các mặt đời sống xã hội tại vùng biên giới. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, quốc phòng và trật tự xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa bỏ những “vùng lõm” thông tin tại các khu vực biên ải xa xôi của Tổ quốc.
Sự trưởng thành của Phụ trương An ninh Biên giới cho đến ngày hôm nay có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Báo Biên phòng. Đó cũng là niềm tự hào của những người như tôi - từng có cơ hội gắn bó với công tác báo chí tại vùng biên giới.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông
Phản hồi