Hà Nội những ngày toàn Đảng, toàn dân hướng về 70 năm - kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, trận chiến ác liệt đã góp phần làm nên Đất nước. Hòa vào không khí “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công ơn to lớn của cha ông ta, tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh - Đại đội phó Cơ quan Tham mưu Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 năm xưa để được nghe kể những câu chuyện đằng sau chiến thắng lịch sử ấy.
Tìm đến nhà vào giữa buổi sáng, thời tiết thủ đô có phần mát mẻ và dễ chịu. Tôi khá bất ngờ khi ở cái tuổi 92, đại tá Nguyễn Quốc Thịnh vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Người ông cao, khá gầy, tóc bạc trắng và làn da đã chằng chịt những nếp nhăn. Tôi được đón tiếp nồng nhiệt, sự thân thiện và gần gũi của Đại tá khiến tôi quên đi sự hồi hộp khi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đặc biệt này.
Đại tá kể với tôi về những ngày đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày đó, nhiều nhiệm vụ được đưa ra, nhiều hoạt động được tiến hành nhưng với ông, nhiệm vụ mở đường kéo pháo và đánh chiếm “dạ dày” là hai ký ức hào hùng khắc ghi mãi trong tâm trí.
Những con đường thần tốc
70 năm về trước, ông đang là Đại đội phó Cơ quan Tham mưu Trung đoàn 88 Đại đoàn 308, được vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, đại đoàn của ông được giao nhiệm vụ đánh vào trung tâm Mường Thanh. Sau đó, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến thì Đại đoàn được lệnh cấp tốc tiến quân hướng về về Luông Pha Băng (Lào) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, thu hút không quân của chúng, nhằm tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra và xúc tiến mọi việc chuẩn bị để thực hiện phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Ông cùng trung đoàn tham gia từ hoạt động “mở đường kéo pháo” đến đánh chiếm “dạ dày” Điện Biên Phủ rồi truy kích địch.
Năm ấy, trung đoàn 88 của ông cùng trung đoàn 102 có cùng một nhiệm vụ mở gấp một con đường quân sự để đưa pháo và vận tải hàng lúa, gạo, đạn, chuẩn bị cho cuộc chiến. Để mở đường, bộ chỉ huy phải dùng xe hơi kéo pháo từ Tuần giáo với tới Km 69, ở đoạn qua bản Nà Nham, rồi dừng lại cắt pháo. Điểm tập kết pháo được xác định từ Km 19 (Nà Nham), đoạn từ Nà Nham sang khu vực Lai Châu làm con đường mới, xuyên qua rừng rậm, khe sâu vào trận địa. Đoạn này phải đi qua hệ thống núi đèo dài gần 15 km, xuyên qua đỉnh ngọn núi Phu Sông cao 1450m, sau đó nối với đường số 41 sang đường mòn nối với Lai Châu. Từ đây tiếp tục làm đường đi đến khu vực Bản Nghiu, đưa pháo áp sát vào trận địa địch. Theo yêu cầu, mặt đường cho kéo pháp phải đảm bảo đủ điều kiện để pháo lăn bánh và nhiệm vụ của đoàn ông là phải hoàn thành mở tuyến đường kéo pháo trong thời gian một ngày, một đêm.
Để hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng đồng đội đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ bởi việc làm đường ở khu vực núi cao, sườn dốc cheo leo, hiểm trở, những khu vực chưa từng có vết chân người. Nhưng với tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để chiến dịch thành công, một công trình vô cùng lớn lại được bí mật hoàn thành, điều đến sau này ông vẫn không tin đã làm được.
Nói về những ngày mở đường gian khổ ấy, ông bồi hồi nói vì phải đánh giặc, phải mở đường để xe chạy thì mới bảo vệ được Đất nước, nghĩ tới đó thì mọi khó khăn chẳng là gì.
Nhiệm vụ cắt đứt “dạ dày” của địch
Ở tuổi 92, mắt đã kém, chân run, giọng khàn đặc nhưng ông vẫn nhớ như in từng câu chuyện ngày ấy. Ông lấy ra những tấm ảnh, những bài thơ và cuốn hồi ký “Hoàng hôn xanh thẳm” của mình cho tôi xem, tất cả còn vẹn nguyên và cứ như đang hiện lại một thời lịch sử đang nằm ngay trước mắt tôi.
Ông kể tiếp: 5 ngày sau kể từ 13/3/1954 - ngày chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, đợt 1 chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc nhanh gọn và quyết liệt. Trung đoàn 88 của ông được lệnh đánh chiếm sân bay Điện Biên Phủ (Sân bay Mường Thanh) - cắt đứt “dạ dày” của địch.
Bấy giờ, sân bay Mường Thanh là một vị trí vô cùng quan trọng để tiếp tế cho quân Pháp. Đây là nơi ta và địch đều hiểu là vị trí sống còn. Địch để mất sân bay là để mất đường tiếp tế, mất chi viện, mất mọi thứ, từ đó bị cô lập. Còn ta nếu chiếm được sân bay thì đồng nghĩa với việc cắt được nguồn chi viện của địch.
Ngày đó, ta với địch ở cự ly rất gần nên ta tổ chức đánh lấn, đào hào tiến sâu về phía địch. Tuy nhiên việc đó vô cùng khó khăn, địch ở gần, bộ đội nằm phơi mình đào rất dễ bị ăn đạn vì thế phải đào thành nhiều lớp chiến hào, có nhiều nhánh để dễ ẩn náu và chiến đấu. Vì đào ở gần địch nên trong quá trình thực hiện ông cùng đồng đội bị bắn phá kịch liệt. Ngày thì chúng dùng xẻng, cuốc san bằng chiến hào của ta, đêm thì cho thả pháo sáng để ngăn hoạt động của ta. Những lúc như vậy, đồng đội của ông hy sinh rất nhiều. Tuy gian khổ là vậy nhưng các đường hào năm ấy vẫn như những mũi dao nhọn ngày một cắm sâu vào sân bay địch.
Ngày 27 đến ngày 30/3/1954, địch tấn công Trung đoàn của ông, chúng không ngừng gia tăng quân và vũ khí hòng lấp chiến hào nhưng ông cùng đồng đội may mắn được chi viện kịp thời. Từ đó lần tấn công này của địch bị đánh tan tác, hai đại đội địch chỉ còn khoảng hai trung đội tháo chạy về trung tâm Mường Thanh.
Khó khăn là thế, chiến tranh ác liệt là thế nhưng ông Thịnh cùng đồng đội chưa bao giờ nản lòng, luôn cùng nhau kề vai chiến đấu, sát cánh bên nhau và vững chí vào ngày chiến thắng. Ông bảo ngày đó động lực lớn nhất là đánh được Pháp, đánh nó, đuổi nó thì Đất nước mới bình yên, mới được về nhà. Sau này, khi nhận được tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông cùng đồng đội vẫn không tin vào mắt mình, tất cả đều vỡ òa vì hạnh phúc.
Đã 70 trôi qua, những câu chuyện lịch sử vẫn nằm sâu trong tâm trí của người lính già. Tôi - một người trẻ được sống trong thời đại hòa bình đã được gặp, được nghe những câu chuyện đó qua lời của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh. Dù tôi bất ngờ ra sao, thán phục và biết ơn thế nào thì có lẽ chúng chẳng đáng là bao với những mất mát, hy sinh của bao thế hệ cha ông đi trước. Họ là những người đã làm nên Đất nước, đã đem lại màu xanh hòa bình cho quê hương bằng tất cả sức lực của mình. Để rồi giờ đây, những câu chuyện về cuộc mở đường thần tốc, những trận đánh lịch sử như đánh chiếm sân bay Mường Thanh vẫn còn đó trong kí ức của ông Thịnh và thế hệ mai sau. Từ đó nhắc nhở thế hệ mai sau về thời kì lầm than của Đất nước, phải biết quý trọng hòa bình, độc lập và nền tự chủ mà cha anh ta đã đánh đổi bằng xương và máu của mình.
Phản hồi