Đi ngược với đám đông
Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về sự bén duyên với làn điệu chèo truyền thống của dân tộc?
Tôi xuất thân từ gia đình kinh doanh buôn bán bình thường, không ai hoạt động nghệ thuật cũng như là theo nghiệp diễn. Vì niềm đam mê nghệ thuật ca hát và diễn xuất từ nhỏ nên tôi quyết định thi vào ngành diễn viên chèo trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Năm 2022, tôi thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, khoa kịch hát dân tộc.
Không phải con nhà nòi khi theo nghiệp hát chèo, bạn có cảm thấy lạc lõng trên chính con đường mình đã chọn?
Tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện khi được sống trọn vẹn và làm việc đúng với niềm đam mê của mình. Vui bởi tôi dám theo đuổi được ước mơ, dám sống hết mình với đam mê. Và càng hãnh diện hơn khi là thế hệ đầu tiên của gia đình theo đuổi con đường nghệ thuật. Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ nói với tôi trên hành trình tôi theo đuổi ước mơ: “Ước mơ và đam mê của con là cả tuổi trẻ mà mẹ không thực hiện được. Vì vậy, con hãy là chính con, thoải mái với đam mê, còn ba mẹ sẽ luôn ở sau để ủng hộ và giúp con phát triển”. Câu nói ấy lại càng tiếp thêm cho tôi bản lĩnh, sức mạnh, ý chí để đi đến cùng con đường mình đã chọn. Nếu trên hành trình đó có sai lầm, tôi phải tự tin đứng dậy và bước tiếp.
Bạn đã gặp phải những khó khăn nào trong những ngày đầu chập chững bước vào nghề?
Đến với đam mê là một hành trình rất dài, mà chắc hẳn ai cũng sẽ gặp nhiều chật vật để thực hiện nó, đối với bản thân tôi cũng vậy. Khó khăn mà tôi gặp phải đó là khi tham gia vào nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, tôi chưa được biết sâu hay học qua bộ môn nghệ thuật này. Tôi chỉ được nghe khi ông bà mở radio và tivi. Đây cũng chính là rào cản lớn của tôi so với anh chị và các bạn đồng trang lứa.
Vượt thác từ con số 0
Đức Thắng đã nỗ lực như thế nào để theo đuổi môn nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc?
Để lĩnh hội được những tinh túy của nghệ thuật chèo, tôi luôn nhắc nhở bản thân không ngừng nỗ lực, cố gắng học hỏi. Tôi học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ lớn tuổi giàu kinh nghiệm đi trước, học ở các đồng nghiệp, và đặc biệt không quản ngại “tầm sư học đạo” ở thủ đô và các tỉnh thành bạn. Tôi đã được các nghệ sĩ tên tuổi” của làng chèo Việt Nam như: NSND Tự Long, NSND Thúy Ngần, NSND Thanh Ngoan… và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác tâm huyết truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, cái hay, cái đẹp trong ca từ của chèo cổ, cách ngắt câu, nhả chữ. Điều ấy làm tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Nhờ đó mà tôi được học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức và nhiều kinh nghiệm nghệ thuật biểu diễn và trong cả đời sống.
Ngày nay các bạn trẻ không còn mặn nồng với nghệ thuật chèo cũng như các làn điệu truyền thống của dân tộc. Bạn nghĩ sao về hiện tượng này?
Ngày nay các bạn trẻ không còn mùi mẫn với nghệ thuật truyền thống vì các bạn được tiếp cận với nhiều nền âm nhạc mới và nền văn minh mới. Điều này không thể trách được. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ dù các bạn trẻ có thể yêu thích những dòng âm nhạc hiện đại, nước ngoài thì vẫn phải có sự hiểu biết nhất định về các làn điệu dân gian Việt Nam. Bởi đó là tinh túy, là hồn cốt, là nét đẹp truyền thống được cha ông lưu giữ ngàn đời. Nó không chỉ mang giá trị về tinh thần mà mang giá trị về văn hóa truyền thống của dân tộc - “báu vật ngàn đời”. Và tôi sẽ cố gắng kết nối, lưu truyền, gìn giữ và bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
Phản hồi